Về Gia Miêu Ngoại Trang thăm đất quý hương xưa

25/09/2020 08:00 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng từ nhỏ đã nghe ba tôi bảo: Quê gốc của mình là ở Gia Miêu, Thanh Hóa. Kể từ đó, nếu có dịp, tôi lại về thăm quê như là những chuyến về nguồn.

Trở lại Gia Miêu Ngoại Trang vào một buổi chiều nắng nóng giữa tháng 6. Vẫn là những ngọn núi thấp thoai thoải, đồi cao xanh mướt mắt với khung cảnh làng quê trù mật. Dường như nơi đây từ bao đời nay vẫn vậy: yên bình thăm thẳm với không gian văn hóa cổ kính linh thiêng; chứa đựng trong mình những dấu tích của người xưa. Lắng lòng trong không gian thiêng của những di tích trầm mặc, nghe đâu đây như tiếng vọng về của lịch sử, cùng những truyện xưa tích cũ gắn liền với câu chuyện của một dòng họ - một vương triều. Nơi đây đang tồn tại các di tích thuộc về vương triều Nguyễn, đó là đình Gia Miêu; nhà thờ họ Nguyễn, lăng Trường Nguyên, Nguyên miếu (miếu Triệu Tường)...

Áng thờ tại đình Gia Miêu

Ảnh: Tác giả cung cấp

Người ta nói, “Gia Miêu” có nghĩa là “lúa tốt”. Dân gian còn thường gọi nơi đây là vùng đất quý hương. Và trong hành trình tìm về vùng đất quý hương xưa, chúng tôi lại được đắm mình trong không gian của vùng đất cổ: nơi phát tích của vương triều mà công trạng không thể phủ nhận trong việc mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Tất cả khu di tích lăng miếu này được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đình Gia Miêu. Lịch sử đã chép ngôi đình được xây dựng lại vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường. Dưới thời Nguyễn, đây là ngôi đình có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Đình được dựng trên một khu đất rộng và thoáng để thờ Thành hoàng; đồng thời cũng là bậc công thần của triều Lê: ngài Nguyễn Công Duẩn. Quanh khuôn viên đình vẫn còn nhiều cây cổ thụ làm cho công trình hòa nhập một cách hài hòa với thiên nhiên. Khối hình kiến trúc của đình nhìn gần gây cảm giác hoành tráng bởi kích thước đồ sộ, nhìn xa cảm giác mê hoặc bởi bộ mái xòe rộng, kéo dài, lan xuống thấp và các đầu đao lại cong vút lên trông tựa như một con thuyền.
Với quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc còn lại thì đình Gia Miêu được xem như là một công trình tiêu biểu của kiến trúc thời Nguyễn, xứng đáng là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, tiêu biểu trong dòng chảy của những ngôi đình đẹp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh.
Rời đình Gia Miêu, chúng tôi ra viếng Nguyên Miếu (còn gọi là miếu Triệu Tường). Đây là nơi thờ Nguyễn Kim và chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Bước vào điện thờ, chúng tôi được bác thủ từ ở đây tiếp đón rất nồng hậu. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bác chỉ vào bức không ảnh rất lớn treo trước của chụp toàn cảnh khu lăng miếu Triệu Tường và cho biết: Trước năm 1945, về quy mô cấu trúc, toàn bộ chu vi thành Triệu Tường là 182 trượng, bao quanh thành có hào nước, có cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc; lũy ngoài xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương, ở cửa nam có một vọng lâu, lũy trong được xây dựng năm 1834, có 3 cửa đông, tây, nam. Cửa nam là một cổng Tam quan và phía sau có hồ bán nguyệt.
Do chiến tranh cùng với quan điểm hẹp hòi và ấu trĩ thời bao cấp, thập niên 1950, khu miếu Triệu Tường đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, hai tòa miếu này đã được phục dựng lại theo quy cách cũ. Trong khuôn viên của miếu đã được trồng các loại cây lâu năm, lưu niệm.
Cách Nguyên Miếu hơn 1 cây số là lăng Triệu Tường. Tên lăng chính thức là Trường Nguyên. Lăng tọa lạc tại vùng núi Triệu Tường nên thường gọi là lăng Triệu Tường, nơi hợp táng ông bà Nguyễn Kim. Ông mất năm 1545, để tránh bị các thế lực đối nghịch quật phá trừ diệt, họ hàng Nguyễn đã giữ bí mật nơi táng ông. Hơn ba trăm năm sau, nhà Nguyễn mới công khai lăng mộ của ông ở vùng núi này.
Cứ hai hay ba năm một lần, chúng tôi lại về xứ Thanh, trước để dâng hương Tổ tiên, đồng thời cũng để được chiêm ngưỡng biết bao di tích như Đền Bà Triệu, thành Nhà Hồ..., và nhất là cầu Hàm Rồng - lịch sử đã ghi nhận đây là một chứng tích lịch sử, là con đường huyết mạch đã bị kẻ thù tàn phá vô cùng ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ. Chiếc cầu bên ngọn núi hùng vĩ là biểu tượng của lòng anh dũng, ý chí kiên cường của người dân xứ Thanh trong công cuộc chiến đấu chống xâm lược, góp phần bảo vệ và giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.