Tuổi thơ bên dòng sông Mã

30/08/2020 07:02 GMT+7

Đó là khúc sông chảy qua làng Đan Nê, nơi lưu giữ tuổi thơ tôi ngọt ngào, mát lạnh như dòng nước trong lành nuôi sống bao kiếp người quê tôi.

“Đan Nê có núi Tam Thai, 
Có hồ Bán Nguyệt, có trai anh hùng”
Quê tôi thật đẹp với một bên là núi Tam Thai sừng sững, linh thiêng, với một bên là dòng sông Mã anh hùng, nơi ghi dấu biết bao chiến công hiển hách trong lịch sử của dân tộc.
Nhà tôi cách bến sông chỉ chừng vài ba phút đi bộ, băng qua Bãi Thượng được phù sa sông bồi đắp hàng năm là tới. Đó là bến sông không chỉ là không gian sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ, gánh nước tưới rau, gặp gỡ, chuyện trò... của người dân quê tôi mà còn là bến sông chất chứa trong tôi biết bao kỷ niệm của một thời thơ dại xa nhớ.
Những ngày cuối tuần hay ngày hè nắng cháy, nhà đơn thuần chỉ là giường để ngủ và nơi để làm no bụng, còn bến sông sẽ là chốn vui chơi thỏa thích vô thời hạn của mấy chị em chúng tôi, mãi cho đến khi trông thấy mẹ xách chiếc roi, lăm xăm từ xa đi tới, cả đám mới tự giải tán, co cẳng chạy tứ bề…
Tôi là chị cả trong hội sáu đứa cháu của ông bà nội tôi. Và tất nhiên cũng là đứa “đầu têu” trong mọi trò. Kể ra, phải có cả hàng trăm, hàng vạn trò chơi không tên gọi được chị em chúng tôi chơi mãi mà không biết chán, cứ thế cuốn tuổi thơ tôi trôi theo dòng nước mải về nơi xa xôi…
Nào là bắt chuồn chuồn bằng nhựa mít, rồi cho vào cắn rốn từng đứa để tập bơi. Nào bắt dế, bọ ngựa, bọ xít làm xe đua, rồi nhổ cỏ đuôi gà chọi nhau không biết chán. Nào đào hang, đào hầm làm bếp nướng mà lương thực là các chiến lợi phẩm đi “săn tìm” được như củ khoai, củ lạc, ngô sắn. Sau cùng là màn nhóm bếp. Lửa cháy, khói bốc lên cao, tất cả sẽ được cho vào nướng đến cháy đen khiến chả đứa nào dám cầm lên để mà thưởng thức.
Đến những buổi chiều tà, khi mặt trời đỏ rực rụt rè dưới những hàng cây phi lao, lũ chị em chúng tôi lại rủ nhau ra bờ sông để bắt “cồng cồng” bay về trú ngụ. Chúng là một loại bọ cánh cứng có đôi mắt to tròn, lồi ra ngoài như mấy đứa bị cận thị đeo kính ấy. Con nào, con nấy béo tròn, được chị em chúng tôi lấy sợi chỉ cột vào cổ, tung lên ném xuống cho bay phè phè, thích chí lắm.
Nhưng có lẽ kỷ niệm ngọt ngào nhất đối với tuổi thơ tôi bên dòng sông Mã, đó là những buổi trưa hè lén lút rủ nhau đi tắm sông. Đợi cho bố mẹ ngủ trưa, hai chị em tôi đem theo quần áo khô để thay, lẳng lặng rút quân ra bờ sông. Thì cứ mười hôm, chắc thành công đến bảy, còn đâu bị tơi bời, nát đít bởi những trận roi của mẹ. Tôi là chị cả, tất nhiên trách nhiệm sẽ nặng nề hơn thằng em trai rồi. Sau này lớn lên mẹ tôi mới nói, do thằng em trai tôi suýt bị đuối sông, nên mẹ sợ, mẹ cấm tiệt chúng tôi bén mảng đến sông tắm.
Mang tiếng nhà ngay cạnh bờ sông, mà có đứa nào trong số chị em tôi biết bơi đâu. Cho nên, người sống trong đê chúng tôi được gọi là “dân tắm gáo”, tức là xuống sông tắm, vì sợ chết đuối do không biết bơi nên đem theo gáo múc nước lên bờ để tắm gội. Không thể nào tả nổi tâm trạng sướng vui khi được hòa mình vào dòng nước mát lạnh, trong xanh. Không biết bơi thì sẽ lội dọc theo triền sông vậy, miễn sao ngoi cái cổ lên cho khỏi sặc nước là được. Con người vốn sinh ra trong trứng nước, được nuôi dưỡng từ dòng nước ngọt lành, nên yêu thích và đắm chìm trong nước cũng là lẽ phải của quy luật tự nhiên. Chính vì vậy mà sông hiền hòa luôn bao dung che chở bao kiếp người quê tôi là thế.
Sông cũng thật dữ dội, tàn khốc mỗi khi mùa mưa lũ tràn về.
Nước từ thượng nguồn bên Lào đổ xuống, ào ào, cuồn cuộn, cuốn trôi theo bao hoa màu, nhà cửa; bao bùn đất và côn trùng vào nhà.
Nước lênh láng, miên man ngập nhà, ngập vườn, ngập đường, ngập sá; ngập vào từng ruộng đồng, mọi ngóc ngách quê tôi, trở thành quy luật, “đặc trưng thường niên” không thể thiếu được của làng quê tôi mỗi độ mưa bão tràn về.
Sông như bầu sữa mẹ, hiền hòa nhân từ, vẫn ôm ấp, chở che lớp lớp bao thế hệ người dân quê tôi. Tuy có lúc dữ dội, tàn nhẫn, xấu xa nuốt chửng bao mái nhà, bao cuộc đời lênh đênh sóng gió. Nhưng cứ thế, người dân quê tôi vẫn bao đời lam lũ, bấu víu không thể nào rời xa sông được. Dù đi xa tận khắp phương trời, góc bể cũng luôn đau đáu tìm về bến sông xưa. Bởi sông không chỉ là cội nguồn, gốc rễ, mà còn là bản quán, họ hàng, tổ tiên ngàn đời không quên.
Trở về dòng sông ấy sau bao năm trời cách biệt, sông vẫn lưu giữ tuổi thơ tôi vẹn nguyên, tròn trịa như thủa đầu đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.