Thương về miền nhớ

13/10/2020 08:00 GMT+7

Xóm nhỏ của chúng tôi, bố mẹ đa phần đều là những cặp vợ chồng trẻ chuyển từ trong làng ra ngoài bãi ven sông để định cư.

Thời đó nhà nào cũng đông anh em cả, có nhà đến hơn mười anh chị em cứ ai lập gia đình trước thì được bố mẹ (ông bà) cắt cho một suất đất, một sào ruộng để ra riêng. Bố mẹ tôi cũng vậy, quả thật lúc đấy khó khăn trăm bề. Bố tôi là bộ đội mới vừa xuất ngũ còn mẹ thì là con gái mới lớn, mặc dù là người cùng làng nhưng cũng phải nhờ mai mối mà bố mẹ mới nên duyên. Cả hai đều bước ra cuộc sống mới với không nhiều những hành trang. Rồi đến cái nhà cũng là bố phải đi bè ngược lên thượng nguồn sông Bưởi (Thanh Hóa) trong những ngày giông gió mới có vài bó nứa để mang về dựng tạm, phần còn dư thì mang ra chợ bán để có vài đồng “dầu đèn mắm muối”.

Khi tôi lên chín tuổi cả xóm mới có hơn chục cái nóc nhà chụm lại quây quần bên nhau. Đi quanh xóm chẳng có ai để chào ông chào bà nữa, bác nào nhiều tuổi nhất cũng mới ngoài bốn mươi. Xóm toàn người trẻ lại thêm lũ nhóc chúng tôi đều trạc trạc tuổi nhau nữa nên lúc nào không khí cũng tưng bừng vui vẻ. Cứ khi nào mùa màng đồng áng xong xuôi là tối đến các mẹ lại tập trung ở nhà bác trưởng xóm đánh mảng, còn các bố thì cứ hôm nào có mồi là buổi trưa lại tập trung “thiết kế” bên nhà bác Cẩm; hôm thì là con chuột con rắn bắt được ngoài đồng, hôm thì là ít lươn ít nhái buổi tối đi soi được.

Đám chúng tôi cũng hay đi soi lắm, nhưng thường không đi với người lớn. Cứ khoảng tháng 6 tháng 7, khi cây mía đã cao quá đầu người vào mùa châu chấu đang trứng. Tối đến nhà nào cũng chuẩn bị một, hai cái đèn pin để đi soi. Hồi ấy, đèn pin đa phần là loại vỏ inox trắng loáng hệt như màu bạc, dài khoảng hai mươi cen-ti-mét, nhà nào khá lắm thì mới mua được cái đèn bình. Vì để cầm tay vậy thì không tiện cho việc vồ vập, bắt móc nên hầu hết chúng tôi đều tự chế nó giống đèn bình để đeo lên đầu cho tiện và “oách”. Với một tên vụng về như tôi thì cũng phải loay hoay, hì hục cả một buổi mới xong được. Trời vừa chập choạng tối là đã phải ăn vội trước bát cơm rồi, có nhiều hôm còn chẳng kịp ăn chỉ cho nhanh cầm cái đèn chụp cái giỏ và co cẳng chạy cho nhanh không chúng nó đi trước. Cả tối cứ đi ruồng rẫy hết các bãi mía lại đến các bụi tre, rồi dọc theo các khe nước đổ ra sông nơi có các cây lau um tùm. Đi kiếm bữa ăn mà cứ như đi hội vậy, tiếng người nói, tiếng gọi nhau, tiếng hát, tiếng va vào cây mía cây cỏ lào xào… lúc nào cũng văng vẳng. Thi thoảng có cơn gió nhẹ phả vào mùi thơm của đồng nội thật làm cho con người ta cảm thấy lâng phâng, dễ chịu.
- Ha ha, tao vừa bắt được con chấu voi to kềnh này chúng mày ơi! Tiếng cười lớn của một đứa nhóc nào đó.
Có đôi lúc tôi chậm chân một chút không theo kịp đám bạn, nhìn từ xa các ánh đèn lấp ló, nhấp nháy y hệt những ngôi sao trên bầu trời đêm kia. Đẹp tuyệt !
Rồi cứ đến khoảng 10 giờ là chúng tôi bắt đầu về, nhưng trước khi về là phải tập trung lại xem đứa nào bắt được nhiều hơn. Và thường thì lần nào chúng cũng phải chia cho tôi, mỗi đứa một ít vì tôi chẳng bao giờ bắt được đủ bữa cả. Tôi khá vụng lại hay sợ ma nên chỉ dám đi sau chúng nó, mà đi sau thì còn gì đâu mà bắt, khi thì tôi ăn cây mía, khi thì chạy qua chỗ người này người kia xem được nhiều chưa móc mỗi đứa một tí. Kể cả đi soi nhái soi lươn cũng vậy, cứ đến lúc về là phải chia cho tôi bởi trong cái xô của tôi chỉ lằng nhằng có vài con ngọ nguậy. Rồi xong đó cả đám chụm lại rọi đèn pin lên trời xem đèn ai nhanh hơn, sáng hơn, chiếu đến được những ngôi sao xa kia. Đùng cái: Tắt đèn. Ma… ma… chạy đi… Thế là cả đám cắm đầu cắm cổ chạy, về đến đầu xóm đứa nào đứa đấy thở hổn hển. Mặc cho lũ chó sủa ầm ĩ, cả đám vẫn đứng nhìn nhau cười răng rắc.
Tôi và “cái đám ấy” thực sự rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên bên nhau ở một xóm nhỏ ven sông yên bình đến thế. Có lẽ trong những thời khắc hoài niệm như này tôi mới nhận ra rằng mình thực sự đã lớn và cũng có lẽ chúng tôi đã là thế hệ 9x cuối cùng được sống trọn với tuổi thơ trong veo, dữ dội ấy!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.