Quê hương thơ ấu

29/11/2020 17:00 GMT+7

Ba mẹ tôi trở về sống cùng ông bà nội. Lúc đó, tôi còn rất nhỏ, chưa đến tuổi đi học. Vùng đất quê nội tôi ở Điện Bàn, Quảng Nam, thường gọi là Gò Nổi, bao bọc chung quanh là dòng sông Thu Bồn.

Quê tôi vốn có nghề trồng dâu nuôi tằm. Tôi thường sang các nhà bên cạnh để xem các chị cho tằm ăn. Lũ tằm giống như những con sâu, bò lúc nhúc trong những chiếc nong đan bằng tre rất lớn. Các chị hái lá dâu, cắt nhỏ, rồi hốt từng nhắm to rải đều lên trên lũ tằm. Tằm ăn rất nhanh nên mấy chị rải đầy mặt nong, thế mà chỉ một lát sau đã thấy vơi đi nhiều rồi. Bởi vậy người ta hay nói “Ăn như tằm ăn lên” để ám chỉ những người ăn nhiều và nhanh. Tằm rất mau lớn, một thời gian sau các chị lại xếp lên những chiếc giàn tre dựng đứng, một lớp cành cây rang khô (loại cây thường dùng để bó lại thành chổi quét sân) để cho những con tằm bám vào đó, nhả tơ bọc chung quanh thân nó, tạo thành những cái kén (to cỡ bằng quả trứng của các loài chim nhỏ) màu vàng óng mịn màng. Sau đó, các anh chị mới gỡ những cái kén bỏ vào thúng và mang sang lò ươm để kéo tơ.
Tôi cũng thường đi theo cô tôi đến lò ươm để mua nhộng về làm thức ăn. Lò ươm thấp và chật hẹp, trong đó chỉ có một cái bếp lò hình tròn được đắp bằng đất sét, chừa trống một phía để đun củi đốt. Phía trên lò đặt một chiếc nồi lớn chứa gần đầy nước, sôi sùng sục. Kén được đổ từ từ vào nồi. Phía bên trên của khu vực từ nồi vào, có đặt một giàn khung để kéo sợi. Bác thợ ươm ngồi gần bên bếp lò, khói lửa cùng với hơi nước sôi trong nồi tỏa nghi ngút. Một tay bác cầm một đôi đũa tre dài vích đầu đũa vào những cái kén trong nồi để kéo sợi tơ lên đầu khung kéo sợi, rồi cho quấn vào guồng tơ, dùng tay quay đều. Hai tay bác thợ ươm cứ làm thoăn thoắt. Một tay dùng đũa chận chận lên những cái kén trong nồi để nó không chạy lên theo sợi tơ, một tay cầm tay quay, quay đều đều cho sợi tơ cuốn vào guồng tơ. Bác phải khéo léo để giữ cho sợi tơ được kéo lên liên tục, không bị đứt. Nếu lỡ bị đứt, bác phải dừng lại, rồi dùng hai ngón tay vê hai đầu sợi tơ cho dính lại với nhau để quay tiếp. Lửa trong lò thì đỏ rực, nồi nước thì mãi sôi, mặt bác thợ ươm đỏ gay, thế mà bác vẫn cứ miệt mài với công việc, không ngơi nghỉ. Tôi mới vào có một lát mà nóng quá, chịu không nổi, mồ hôi nhễ nhại. Thấy thương bác thợ ươm quá!
Bác thợ ươm cứ làm mãi cho đến khi kén trong thúng ươm hết sạch mới thôi. Sau đó bác tắt lửa, lấy rổ vớt nhộng từ trong nồi nước ươm ra, những con nhộng này ở trong kén rớt ra. Con nhộng to cỡ bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, dài cỡ một lóng tay. Cô tôi mua một ít về làm thức ăn. Thường thì cô tôi um hơi mằn mặn để dễ ăn với cơm. Đôi khi lại trộn với bắp chuối, rau thơm hay xào. Con nhộng có lớp da bên ngoài mỏng, màu vàng nâu hơi dai, bên trong màu trắng ngà, ăn mềm, ngọt béo. Bác thợ ươm còn vớt trong nồi một chùm tơ bị hỏng có lẫn những con nhộng lép và tằm nhỏ còn dính trong đó, đưa cho cô tôi. Cô tôi về rửa sạch rồi luộc với một chút muối, xong vớt ra rổ để lũ nhỏ chúng tôi xúm vào gỡ từng con tằm, con nhộng còn dính trong đùm tơ ra ăn. Nó béo béo, bùi bùi, mặn mặn cũng ngon nên chúng tôi rất thích.
Ngoài món nhộng đặc sản của xứ tơ tằm, tôi còn thích món mắm dưa, cà của cô tôi làm. Những chiếc hũ sành lớn được sắp hàng ở gian nhà bếp, lúc nào cũng có chứa các loại mắm cá cơm, cá nục mà cô tôi đã muối vào mùa cá, để ăn và làm mắm dưa, cà. Cô tôi thường làm miếng mắm to cỡ nửa bàn tay, nên khi ăn, phải lấy ra xắt lát dày, rồi trộn với ớt, tỏi giã nhuyễn và bày ra từng đĩa trông rất hấp dẫn. Chúng tôi thường ăn kèm với canh, nấu đủ loại rau được hái ngoài vườn. Rau vừa tươi vừa non lại vừa đủ mùi vị, được nấu với ruột hến và nước luộc hến rất ngon, ngọt, thơm lừng. Hồi đó, tuy còn bé nhưng chúng tôi ăn rất nhiều. Hương vị các món ăn dân dã của quê hương ngày xưa ấy, sao mà nó đậm đà thấm thía không thể nào quên được…
Bây giờ, dù thời gian đã trôi qua rất lâu rồi, cũng gần hết cả một đời người, mọi ngành nghề đều đã công nghiệp hóa, nghề tơ tằm cũng vậy. Tôi chỉ muốn ghi lại đây một đôi nét đặc trưng của vùng quê năm cũ qua ký ức trẻ thơ mà thôi. Đó là vùng đất Gò Nổi - Quảng Nam, quê hương yêu dấu của tôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.