Nón cời của mạ

Nơi gác bếp nồng ấm mùi cây cỏ khô, mạ luôn dành riêng một góc để úp mấy cái nón cời tơi tả. Nón đã bung quai, rách lá và xệch khung, lạ là mạ vẫn dấm dúi cất giấu để thỉnh thoảng lại che mái đầu muối tiêu mà tất tả bước giữa nắng mưa.

Thương lắm cái vóc dáng đậm người chân quê của mạ suốt thời thanh xuân nhọc nhằn lo miếng cơm manh áo. Nón cời theo mạ ra sông giặt thuê mớ quần áo bẩn của người ta. Nón cời theo mạ huỳnh huỵch bước từng nhịp gánh thuê đôi thùng nước. Nón cời theo mạ ra đồng miệt mài gặt lúa thuê mỗi mùa vụ vàng ươm nắng…
Và khi lúa lũ lượt theo người về nằm phơi mình trên sân bãi, cái nón cời của mạ vẫn nhấp nhô trên đồng. Cái thời máy gặt đập liên hợp chưa hề hiện diện nơi mênh mông đồng ruộng ấy, lúa rơi vãi theo từng công đoạn thủ công của người gặt nên mạ có thêm nghề… mót lúa.
Dù trưa nắng chang chang xối lửa xuống mặt ruộng nứt nẻ hay chiều giông ầm ầm gió rít, mạ vẫn tha thẩn từ đồng gần đến đồng xa nhặt nhạnh từng nhánh lúa rơi vãi, nâng niu gom thành bó, khệ nệ bưng vác về lúc trời sầm sập tối. Chúng con còn bé xíu xiu đâu theo mạ ra đồng, chỉ có nón cời bầu bạn cùng mạ. Che nắng. Chắn mưa. Phe phẩy tìm làn gió hong đỡ giọt mồ hôi lúc ban trưa.
Chiều muộn, về trước hiên nhà, mạ ngồi phịch xuống cạnh bó lúa vàng ươm. Nhà mình nghèo lắm, làm gì có quạt điện quay tít thổi gió vù vù, chỉ có cái nón cời thế quạt giấy phơ phất cho vơi cơn bức bối vì nắng hè. Mạ ngồi hong khô đôi chân lội sình, tưới mát thân thể cả ngày ướp nắng hanh hao.
Đêm. Khi bầu trời nhấp nháy ánh sao và đàn con chìm vào giấc ngủ êm đềm, mạ vẫn thao thức bên đống lúa mót ban chiều vội vàng cơm nước mà chưa kịp thu vén. Đôi chân trần đạp từng bó lúa, hạt lúa vàng ươm rơi vãi đầy vun dần. Mắt mạ sáng bừng dưới ngọn đèn dầu nghĩ đến ngày mai, ngày kia, ngày sau đàn con được ấm bụng.
Rồi cái bóng lủi thủi ấy cẩn thận vơ cái nón cời ụp lên chồng nón cũ trên gác bếp. Thế là mạ khép lại một ngày nhọc nhằn mưu sinh. Sớm mai ánh mặt trời chưa lên mạ đã dậy sớm đội nón cời ra đồng mót lúa, nhặt nhạnh cần mẫn như con ong chăm chỉ. Nón cời vẫn thủy chung tắm nắng uống sương cùng người phụ nữ chưa một lần dành riêng cho mình miếng ăn ngon, giấc ngủ nướng.
Nhớ về nhọc nhằn đời mạ là bóng hình lam lũ cùng nón cời lại thấp thoáng ẩn hiện trong dòng ký ức. Đức hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này dường như lặn sâu hơn vào cái dáng người tất tả một nắng hai sương. Để rồi thỉnh thoảng ai đó buông vội câu chê bai cái nón cời “hết đát” là mạ lại bênh “người bạn đường” chằm chặp.
Mà mạ chẳng phải chỉ có một cái nón cời đâu. Nón cũ người ta sắp vứt đi, mạ lại xin về úp chồng làm “của để dành”. Hễ ai đến xin cái nón cũ để đội đỡ dăm ba hôm cho kịp chuyến ghe, cho xong đợt sửa nhà hay mùa vụ là mạ lại nâng niu cho cái nón này nón kia với tấm lòng thơm thảo dễ mến. Rồi tự nhiên như một “điểm hẹn”, mạ trở thành “thủ kho” cho những cái nghèo nghe mách miệng tìm gặp nhau, sẻ chia nhau cái nón cời, ly nước mát, củ khoai luộc…
Giờ thì con cái đủ lớn để mua tặng mạ cái nón mới tinh tươm, dù vậy mạ vẫn tiếc hùi hụi mấy cái nón cời rách bươm ấy. Có lẽ sự khốn khó của một đời kham khổ đã in hằn trong ký ức của mạ nếp sống tiết kiệm, giản tiện nên nón mới được mạ bọc ni lông móc vào nơi cao ráo, còn mớ nón cũ xếp chồng góc bếp cứ tiện tay vớ lấy đội đầu.
“Chừ bây có chút tiền, nhớ đừng chê cái nghèo, đừng bạc bẽo với ký ức…”. Lời mạ dặn chúng tôi luôn văng vẳng trong tâm khảm để mà nhớ mà nhắn mà nhắc nhau sống trọn vẹn ân nghĩa với người, với cảnh, với vật…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.