Những người mẹ, người chị Xô Viết tuyệt vời

07/09/2020 08:00 GMT+7

Năm 1953 tôi theo đoàn học sinh Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên ra vùng tự do Nghệ Tĩnh học văn hóa . Lúc đó tôi 11 tuổi, lưng mang ba lô con cóc, ngang lưng đeo ruột tượng gạo.

Dọc đường Trường Sơn vượt qua Ba Rền - U Bò sau 12 ngày đến Đức Phong, Đức Thọ. Đoàn chúng tôi ở đây để đi học. Thời gian đó phải học ban đêm để tránh máy bay.
Hòa bình độc lập lại được đi học ban ngày, thật sung sướng. Không ngờ lụt 1955 đê Đức Thọ bị vỡ. Lương thực thiếu thốn, cuộc sống đảo lộn. Tổ chức quản sinh nơi tôi gửi tiền giải thể, buộc học sinh tự do lo cuộc sống, bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Đã có 4 học sinh trong đoàn bỏ đi, 2 người trở về Nam (sau này trở thành cán bộ giải phóng và hy sinh năm 1968).
Tôi buồn phiền lo lắng chưa có cách xử lý. Mẹ Văn nhà bên cạnh biết ý nói với tôi: - Con sang ở với mẹ, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, còn mẹ còn con. Tôi nước mắt chảy dài, mẹ dỗ dành rồi lấy khăn lau mặt cho tôi. Nhà mẹ nghèo có 2 người con: chị Nghiêm 19 tuổi, anh con trai hơn tôi 1 tuổi. Mẹ đau ốm luôn không làm gì được. Chị Nghiêm dệt vải xe sợi kiếm sống hàng ngày. Cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng sinh hoạt đoàn đội không bao giờ bỏ. Một tuần một đêm, thiếu nhi tập trung đi cổ động, hô khẩu hiệu động viên sản xuất và đóng thuế nông nghiệp, rồi vui chơi múa hát.
Tôi là đội viên duy nhất người miền Nam nên các chị phụ trách rất thương, có trái cây, cái kẹo đều để dành cho tôi. Có một hôm trăng sáng sinh hoạt xong, nằm chơi ở hiên nhà thờ, tôi ngủ lúc nào không biết. Các chị sợ tôi muỗi đốt, đánh thức dậy bằng cách hôn vào má, cù vào nách, tôi thức dậy chị Vinh, chị Nghiêm cười khúc khích. Cử chỉ yêu thương đó, không bao giờ tôi quên.

Chợ quê ở Nghệ An

Ảnh: Khánh Hoan

Hè 1956 chú tôi ở bộ đội về xin mẹ đưa tôi đi, vì thấy sự cưu mang của mẹ quá khó khăn. Ngày ra đi cả nhà đều khóc. Tôi không thể theo chú ở bộ đội mãi được. Một là thất học, hai là chưa có tiền lệ “bộ đội con” ngoài biên chế. Chú tôi đành gởi mẹ Nguộn ở Nghi Thạch nuôi tôi. Hoàn cảnh gia đình mẹ Nguộn chẳng khác gì mẹ Văn. Nhà có 5 miệng ăn, tôi nữa là 6. Sống với vài sào khoai lang, nuôi bò và bán củi. Ngày hai bữa ăn, chủ yếu khoai lang ăn với cà và nhút. Mùa đông nằm ổ rơm, thiếu chăn đắp chiếu.
Ngoài một buổi đi học, có việc gì làm được tôi giúp mẹ, thỉnh thoảng chăn bò thay anh Tàng.
Mẹ nói: - Mẹ thương con mẹ sao thì cũng thương con vậy. Ai trong ngày làm việc tốt mẹ thưởng. Tôi chẳng làm gì nhiều, thế mà nhiều lần được mẹ thưởng thêm lưng bát cơm. Không những trong nhà ai cũng thương, mà xóm giềng nhất là các mẹ các chị đều quý mến.
Đầu năm 1957 nhà nước có chế độ trợ cấp cho học sinh miền Nam tự do. Anh Cát học sinh miền Nam về Nghi Thạch xin gia đình, đưa tôi về Yên Thành học.
Mẹ nói với anh Cát: - Tôi nuôi nó coi nó như con, mong sao nó học hành đến nơi đến chốn. Tôi nghèo nhưng cũng đủ sức nuôi nó, bây giờ anh về đưa nó đi, anh Liêm (chú tôi) chưa biết, nếu có chuyện gì thì sao đây. Cuối cùng anh Cát viết giấy cam kết gửi mẹ và chính quyền địa phương để đưa tôi đi. Một lần nữa tôi khóc, mẹ ôm tôi vào lòng hôn tôi: - Con đi mạnh khỏe, cố gắng học giỏi, đừng quên mẹ, có điều kiện về thăm mẹ.
Về Hòa Thành - Yên Thành, tôi, anh Mẫn, anh Thành ở nhà mẹ Hướng. Cũng như hai mẹ trước, mẹ góa bụa, có con trai học trung cấp ở Vinh. Mẹ bán cau trầu tạm đủ sống. Biết anh em tôi có trợ cấp, nhưng không bao giờ mẹ hỏi tiền, mẹ giao lo gạo ăn đủ là được. Buổi sáng hôm nào nghỉ học, tôi thường giúp mẹ gánh hàng ra chợ Dinh bán. Ai thấy lạ hỏi, mẹ đều nói: - Con tôi đó. Hai mẹ con hợp tính hợp nết như mẹ ruột con đẻ.
Học hết cấp II, ba anh em tôi xa mẹ đi học tiếp, rồi lớn lên trưởng thành trong cuộc sống.
Ba bà mẹ Xô Viết Nghệ Tĩnh đều nghèo như nhau về vật chất, nhưng giàu vô kể về tình thương yêu cưu mang đùm bọc.
Năm nay tôi gần 80 tuổi, trên 55 năm tuổi Đảng, sống khỏe mạnh hạnh phúc. Được như vậy có công lao to lớn của các mẹ, các chị quê hương Xô Viết. Mỗi lần nhớ về quá khứ, tôi cảm thấy mình nhỏ bé trong vòng tay ấm áp, chở che của các mẹ, các chị. Sống nhớ đời, chết mang theo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.