Mbang Katê linh thiêng bên tháp cổ

12/09/2020 07:05 GMT+7

Ra trường, tôi về miền châu thổ chín cửa sông, còn T về lại Ninh Thuận đầy nắng gió, nên ít gặp nhau. Thời gian rảnh, hai chúng tôi chỉ tương tác qua mạng xã hội .

 Năm rồi, T bảo, tháng chín tới cậu về quê tớ chơi, sẵn tham gia Mbang Katê cùng phùm-lây Chăm.
Tôi xuôi chuyến xe đò về Ninh Thuận, quê T, cùng hòa vào dòng người Mbang Katê bên tháp Poklong Garai. Tháng chín, miền Trung trong tiết trời thu trong veo, lành mát. Những ngày lễ hội, tại các làng, thôn người Chăm sinh sống nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt nhịp nhàng như cánh bướm rập rờn bay của những thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống, làm say đắm hồn tôi. Katê, lễ hội của đồng bào Chăm theo Bà La Môn; tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tiên tổ, mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, T nói cho tôi biết.
Tôi theo chân T đến tháp Poklong Garai khi mặt trời còn nhấp nhô trên mặt biển. T bảo, thế vẫn còn muộn đấy, cậu à! Vâng, tôi đồng ý với T khi đứng từ xa đã nhìn thấy bà con người Chăm nô nức xiêm y từng đoàn kéo nhau lên tháp cúng lễ. T nói, đâu chỉ có người Chăm, người Raglai tập trung về nữa đấy. Người Chăm và Raglai là anh em. Hai dân tộc chúng tôi sống trong tình đoàn kết keo sơn. Điều T nói thật sự đã làm cho tôi hiểu thêm về một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Trong tiếng bước chân hối hả, trong tiếng nói cười rạng rỡ nét xuân là bầu không khí nghiêm trang, lòng kính thành của hậu nhân đối với thần linh, tiên tổ. Vang vọng giữa bầu không gian rộng lớn - tiếng đàn của thầy Kanhi như nhắc nhở mỗi người dân về tín ngưỡng linh thiêng đã tồn tại hàng ngàn năm trên dải đất miền Trung khô cằn sỏi đá; người miền Trung mến khách, chắt chiu, tằn tiện, đứng lên từ giông bão đã bao đời!
Đứng dưới chân cổ tháp, tôi nhớ những vần thơ mà T tặng tôi ở Trường đại học Cần Thơ hồi ấy:
“Poklong Garai trầm mặc
dấu thời gian in lên những phiến đá nhẵn lì, xám lạnh
từ ô cửa nhỏ, bao người vội bước qua
cúi đầu trước Shiva tối thượng
ngước mặt nhìn lên vòm tháp
ngỡ như tấm áo choàng của vua Poklong Garai thuở trước…”
Vâng! Poklong Garai trong Mbang Katê rực rỡ ánh đèn, rộn rã thanh âm, khói trầm thơm tỏa, nhưng vẫn trầm mặc, cổ kính và rêu phong, thu vào tầm mắt tôi những triền cao vút lên bầu trời xanh thẳm. Đó là những gì tôi thấy, tôi nghe; nhưng những viên gạch tạc vào thời gian làm nên hình hài cho tòa tháp bởi những nguyên liệu kết dính thì đến hôm nay, thời đại công nghệ 4.0 cũng chẳng ai thấu hiểu tận tường. Phải chăng, với tinh thần người Chăm, với khối óc, bàn tay, với những giọt mồ hôi thấm đẫm từ tình yêu đất mẹ và lòng thành kính tổ tiên đã tạo ra những tòa tháp bí ẩn ấy, để cho chúng ta hôm nay nghiêng mình kính cẩn trước tiền nhân.
Mỗi dân tộc sống trên đất nước hình chữ S này mang một bản sắc văn hóa riêng đậm nét. Từ ải Nam Quan, rừng dương Trà Cổ đến mũi Cà Mau mênh mông rừng tràm, bạt ngàn mắm, đước ngày đêm lấn biển xanh tươi cộng hưởng với nhau đã góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà và độc đáo. Tôi yêu Truyện Kiều, yêu văn hóa Chăm, yêu những tòa tháp cổ soi mình trong nắng gió phùm-lây. Người Chăm, họ đến Poklong Garai - đến cội nguồn tiên tổ; còn tôi đến Poklong Garai ngắm bản sắc văn hóa tộc người Chăm sống trên dải đất miền Trung ruột thịt. Bởi thế, dù Poklong Garai mang linh hồn của người Chăm, nhưng Poklong Garai vẫn là của tất cả chúng ta!
Đêm Mbang Katê ở phùm-lây Chăm, trong nhà T, nhộn nhịp xiết bao. Những anh chị của T dù đi làm ăn xa cũng kịp về nhà mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình cùng với amek (mẹ), amư (cha) với những lời thăm hỏi, chúc phúc tốt lành cho nhau. Bàn tiệc được bày biện tinh tươm, có ít thứ sắm sanh từ ngoài chợ, còn đa phần thức ăn và bánh trái được làm từ đôi bàn tay khéo léo của amek bởi những sản vật mà gia đình nuôi trồng trong một năm qua. Trước khi dùng bữa, amek và amư đã dâng cúng ông bà quá cố những lễ vật ấy một cách thành kính và trang nghiêm trong lời khấn nguyện cầu xin phúc ân của tiên tổ ban cho con cháu họ hàng.
Trong bầu không khí tưng bừng náo nhiệt của Mbang Katê, mọi khoảng cách giữa con người với nhau dường như bị xóa nhòa ranh giới. Lời ca, tiếng hát, điệu nhảy đến tận đêm khuya ở phùm-lây vẫn còn mãi vang. Trong ngày hội, tôi đã bắt gặp hình ảnh những cô gái Chăm đội chum nước được làm từ đất sông Quao rất khéo léo và thật duyên dáng làm sao trong cuộc thi để nhanh về đích.
Tôi yêu những cô gái Chăm có đôi mắt huyền óng ánh. Và tôi đã yêu T!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.