Ký ức tuổi thơ tôi và Bắc

01/11/2020 07:11 GMT+7

Quảng Trị ơi! Quê mẹ của tôi ơi! Chẳng thể nào quên tiếng mẹ ru hời...

Đêm khuya, đang làm việc, tôi bỗng lặng người đi khi nghe lời hát ấy trên sóng radio. Có phải giọng Vân Khánh truyền cảm sâu lắng vừa nói thay nỗi niềm người xa xứ hay địa danh Đông Hà, Vĩnh Linh đã khơi dậy trong tôi góc ký ức tuổi thơ với bao thổn thức nghẹn ngào...
“Mảnh đất nơi ta sinh ra mãi mãi là một phần của đời ta!”. Tôi thấu hiểu điều ấy nên nhớ mãi về đêm mẹ sinh tôi năm Mậu Thân. Quảng Trị ngày ấy ngập tràn trong khói lửa chiến tranh, đôi bờ giới tuyến oằn mình trong nỗi đau chia cắt. Nhà nghèo, bệnh viện xa, mẹ giao phó sinh mạng mong manh cho bà mụ vườn... Trong căn phòng trú ẩn mờ tối, mẹ cắn răng vượt qua nỗi đau sinh nở cùng nỗi sợ hãi tiếng bom đạn đang gào thét ngoài kia.
“Mùa hè đỏ lửa”, em họ tôi cũng sinh ra trong hoàn cảnh như vậy. O Sen đặt tên em là Bắc để khắc ghi mối tình đẹp mà buồn với người chiến sĩ gốc Hà Nội. Chú bị thương khi vượt sông đánh trận Thành cổ Quảng Trị. Là một thanh niên xung phong, o đảm nhiệm chăm sóc thương binh. Tình yêu thời chiến đến nhanh và chia ly cũng thật nhanh, đến nỗi khi chú lên đường o còn không kịp báo tin mình đã mang giọt máu của chú...
“Mẹ thương con ra cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu”.
Dòng Ái Tử quê tôi thầm lặng chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chia ly và chờ đợi một ngày có con thuyền cập bến đưa về người thương cho mẹ cho con. Sông chan hòa chia sẻ buồn vui khó nhọc cùng người phụ nữ xứ cát trắng gió Lào. Dù sớm mai giá lạnh khoác áo tơi ra đồng cấy mạ hay trưa nón lá đội nắng hè lên đồi lượm củi, bẻ măng, họ vẫn sống hết mình vì những đứa con thơ dại bởi không có người đàn ông bên cạnh, được bên con ngày nào là hạnh phúc ngày ấy mà thôi.
Tuổi thơ tôi và Bắc khan hiếm niềm vui, không được đi học nên cũng không đếm nổi số lần được ra đồng mà nhìn ngắm lúa vàng hay cò trắng bay. Hai đứa lớn lên như khoai như sắn, quanh quẩn chơi trong mảnh vườn nhỏ sau hè để lúc có “biến” thì xuống hầm cho kịp. Khi tiếng tàu bay làm đứt đoạn tiếng mẹ ru hời, tiếng đạn pháo làm tắt lịm giọng cười con trẻ thì bản năng sinh tồn không cần chỉ dạy cũng trở nên nhạy bén.
Có giây phút bình yên được mẹ đưa ra bến sông tắm, tôi và Bắc lao nhanh xuống dòng nước mà không để ý đến ánh mắt mẹ dõi nhìn về bờ bến xa kia mà dòng lệ chảy tràn trên má. Nghe nói nước biển ngoài cửa Việt, cửa Tùng mặn lắm nhưng nước mắt người vợ chờ chồng cũng làm nước sông quê tê chát bờ môi. Trẻ thơ làm sao biết thế nào là chờ đợi? Thời gian một năm, hai năm hay lâu hơn nữa thì nỗi buồn người ở lại sẽ trĩu nặng đến nhường nào? Chữ “nhẫn” tưởng giản đơn nhưng mấy ai làm được đâu!
Sau ngày đất nước thống nhất, cha tôi trở về nhưng cha Bắc vẫn chưa tin tức gì. Tôi trốn sau lưng mẹ nhìn cha lạ lẫm ngượng nghịu gọi tiếng cha trong khi Bắc nhào tới ôm thật chặt... Tội nghiệp! Em tưởng đó là cha của mình. Mẹ nuốt nghẹn niềm vui trước đôi mắt ngấn lệ buồn của o Sen.
Khi cha quyết định đưa gia đình vào Nam lập nghiệp thì ông mệ dùng dằng không nỡ xa mồ mả tổ tiên, o Sen chần chừ vì sợ người xưa tìm về không thấy, chỉ có tôi và Bắc là mừng thầm vì sắp được đi xa... Đêm cả nhà dắt díu ra ga Đông Hà, ánh trăng như vàng vọt hơn, sỏi đá đường làng như muốn cản bước hai đứa trẻ gói ghém tuổi thơ làm hành trang vào đời mà không ngờ chuyến đi kéo dài hơn nửa đời người.
Bao năm bôn ba, tôi trở về quê hương khi tóc không còn xanh, dẫu biết Quảng Trị luôn đón nhận người quay lại nhưng luôn dằn vặt vì nợ điều gì không trả nổi. Sống chốn đô thị sao lòng còn đau đáu với lũy tre, bến nước làng xưa? Nhìn dòng người ngược xuôi sao dạ vẫn xốn xang với bóng những cô gái rà phá bom mìn trên đồng hoang vắng?
An ủi duy nhất là tôi và Bắc đưa được ông mệ, o Sen về lại cố hương, họ được nằm ở nghĩa trang làng, được kề cận với bà con dòng tộc và không bao giờ chia cách nữa. Bắc đã tìm được gia đình ở Hà Nội, cô con gái của người lính năm nào đã tìm được em theo ước nguyện của chú trước lúc lâm chung. Khi thắp nén hương trước di ảnh cha, Bắc không oán trách vì sự muộn màng, em chỉ khóc thật nhiều cho mẹ mà thôi.
Mỗi lần về thăm chốn cũ, tôi luôn nhìn thật lâu những khuôn mặt thân quen, nghe thật kỹ những câu từ địa phương để tìm lại trong mình chất gì Quảng Trị.
Lúc uống cạn ly nước lá vằn đắng chát, tôi ước như người dân quê nuốt trôi quá khứ đau buồn một cách nhẹ nhàng rồi cùng họ ngắm búp sen hồng vươn lên từ hố bom mà chia sẻ niềm tin. Quê hương sẽ chuyển mình lên tầm cao mới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.