Hoài niệm - ước mơ tôi

24/09/2020 08:00 GMT+7

Miền quê tôi êm ả... Nhà tôi nằm dưới ngọn đồi, từ xưa tên gọi: núi Đất vì chỉ có cây chim chim và múi dẻ mọc dày, thơm ngát khi hoa nở vào cuối buổi chiều.

Lúc khoảng 12, 13 tuổi, tôi cùng lũ bạn thường lên đồi mót những cành khô và tò mò đi lên cao hơn một chút để rình xem thử cái tin đồn có cặp rắn thần trong hang dưới một nền nhà cũ? Cuối đồi có một ụ đất còn vết tích của một cái miếu thờ thần tên gọi là Cửa Miễu. Nghe nói cầu gì được nấy nên có một lần sắp thi lên cấp ba tôi và hai thằng bạn đã lấy hết can đảm, thành tâm quỳ mọp mà khấn vái. Vào giữa năm một lần, cả làng góp lại cúng một con heo, chè xôi, bánh trái, cầu mong sao làng xóm được yên lành, mùa màng bội thu và nhất là có đỗ đạt cao trong con cháu.
Tầm tháng bảy là lúc gió Nam cồ thổi về, mạnh đến xác xơ hàng chuối, cháy xém ngọn dừa, là lúc đàn ông trong xóm ra tận ngoài soi gánh cát về bỏ bao để đè lên mái nhà, lo lắng mất mùa khi lúa đang trổ làm đòng sẽ ngã rạp thảm thương... Gió mạnh đến nỗi có thể xô ngã tụi tôi xuống ruộng, hoặc bay tập vở lên trời. Hồi đấy nhà đứa nào cũng nghèo không mua nổi một chiếc cặp, toàn ôm dụng cụ học tập trên tay. Tôi sợ má tôi không có tiền mua vở mới, nên hôm nào gió đập mạnh quá là tôi sẽ bỏ áo vô quần rồi cho vở vào trước bụng, đi cúi gập người, hai tay ôm khư khư mà “cày” tới... Mùa mưa tôi được má cắt, may tay cho một “chiếc cặp” hình thức giống cái bì thư to, nguyên liệu là tấm nhựa dẻo đựng phân u-rê được giặt sạch - lòng tôi cũng vui lắm rồi, có đòi hỏi gì đâu!
Từ trường về đến nhà xa ngái, phải băng qua một cánh đồng mông quạnh chẳng lấy được một bóng cây. Tôi nhớ hai câu thơ của bạn Điệp hồi học lớp mười mỗi khi gió táp: "Bực mình cái gió nam cồ/ Em đi nó cứ hồ đồ bứt khuy".
Vào thu, cánh đồng vụ tháng tám vàng một màu lúa chín. Mỹ Thạnh làng tôi nức tiếng canh tác tốt. Học một buổi còn lại tôi phụ với mẹ đi dần công, tôi cắt dở lắm nên cứ tụt lại đằng sau, được cái tôi biết hát nên có khi mấy chị bảo: “Gái hát đi để chị rước lên cho”. Tôi nghe lời lập công bằng một bài nhạc sến: “Tôi nghèo em cũng chẳng cao sang, tay trắng cùng nhau hai đứa dệt mộng vàng...”, chị em nghe mùi tai, họ vớt vát giùm tôi cho đến cuối cái bờ xa lơ lắc.
Sau khi đóng thuế cho hợp tác xã xong là má cho đi xuống phố Tuy Hòa ăn cà-rem, hoặc ghé ngã năm ăn bánh cuốn nem thịt dông. Nhà có thằng em, đầu nó hay sinh mụt nần nên má dặn nhớ mua về một ít nem dông cho nó ăn làm thuốc.
Sau mùa, nhà ai muốn sửa sang lại cái sân hay lợp mái mới thì bán lúa ra mà làm, nhà tôi vụ đấy quyết định mua một chiếc ghe mới để má và tôi đi bắt ốc hay hái rau ven bờ, không còn đi mượn của bác Tám hoặc “chèo chùa” ghe ai đó neo sẵn dưới bến Bàu Hương.
Tôi nhớ hai câu thơ trong sách như thế này:
Bàu Hương đất tốt trồng hành.
Đã xinh con gái lại lành con trai”
Lúc nhỏ chỉ đọc vì thấy nó hay chứ thật ra chưa quan niệm gì về giá trị của hai câu thơ trên. Một hôm má kể: Lúc trước nguồn gốc nhà nội ở bên kia bầu, bên đó trồng sắn trên triền núi dưới mé bầu trồng khoai lang, đêm đến mà không canh chừng thì heo rừng nó xuống ủi cho tróc gốc, có khi nai, mễn chạy thẳng xuống bầu mà uống nước, nghe đâu trên núi Hương ở ngọn giồng Bồ có một con cọp trắng nhưng đã tu rồi thoắt ẩn thoắt hiện giữa những ngày trăng náu.
Sau này vì đi lại khó khăn nên nhà tôi mới dời qua bên xóm để tiện việc sinh hoạt hàng ngày.
- "Tụi bay là gái bàu Hương chính gốc đấy, con à!"
Con gái bàu Hương lớn lên rồi đi lấy chồng, bút nghiên xếp lại mà lo chuyện áo cơm. Ai chẳng muốn học cao lên nữa nhưng cũng đành thuận theo hoàn cảnh.
... Rồi tôi đi xa làm ăn lâu lắm mới về một lần. Quê hương ngày càng đổi khác, cánh đồng đã có máy gặt, nhà cửa kiên cố, xe cộ nhiều hơn... Tất cả nhờ vào công sức và sự chịu thương chịu khó của bà con - người miền Trung cơ bản là thế!
Những kỷ niệm một thời trên cánh đồng mưa nắng, những lời mẹ tôi răn dạy lớn lên phải làm người tử tế “dù là con có nghèo đi nữa...”. Tôi nuôi chí lớn một mai nếu tôi không làm được thì con cháu tôi hãy làm việc gì đấy có ích cho quê hương mình. Tôi ước có được cây cầu bắc qua con nước xanh trong muôn đời thương nhớ, dựng trang trại trồng rau, nuôi gà mang lấy tên tôi vì tên tôi - tên đất một vần... Mỗi sáng thức giấc cho bầy gà nắm thóc, tỉa một luống rau và kể cho cháu tôi nghe lòng trắc ẩn của mình về những điều chưa làm được cho làng quê yêu dấu.
Ai hỏi quê tôi ở đâu?
Tôi, bằng giọng nẫu khó nghe một chút nhưng nhỏ nhẹ, tự hào: "Phú Yên khúc ruột miền Trung, hoa vàng nở rộ muôn trùng cỏ xanh”.
Là xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” đó các bạn!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.