Chút hình dung về con trai miền Trung

19/11/2020 08:00 GMT+7

Con trai miền Trung hay người miền Trung luôn có những nét rất riêng, không lẫn vào đâu được, giống như chất giọng “dễ cưng” độc quyền của miệt miền Trung vậy đó.

1.

Hồi nhỏ, mỗi lần dỗ tôi ngủ là mệ nội lại đọc câu thơ, được truyền miệng là của vua Thành Thái: “Kim Luông nhiều ả mĩ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Đọc xong, mệ sẽ xuýt xoa: “Con gái miền Trung nhìn giản dị chứ đến bậc cửu ngũ chí tôn còn mê đắm hen mi hỉ?”. Tôi nằm nghe, chữ hiểu chữ không, cất giọng thắc mắc: “Vậy con trai xứ mình thì ra răng?”, lần nào mệ cũng ngâm thơ trả lời: “Con trai của mạ là tiên/ Là vàng, là ngọc, là tiền trời ban”. Dù là trẻ con nhưng tôi lờ mờ hiểu được ý mệ là tụi con trai được cưng hơn mình. Tôi nhích người khỏi vòng tay mệ, lăn vào sát tường, vừa tức lại vừa ghen tị.
Tôi thấy con trai miền Trung được gia đình chăm lo, bảo bọc dữ lắm. Nhà nội tôi là một ví dụ, các chú, các anh không bao giờ phải động móng tay vào chuyện bếp núc hay giặt giũ phơi đồ. Nghe thì có vẻ nhàn nhưng dần dần, tôi nhận ra đàn ông Trung kỳ thực phải âm thầm chịu rất nhiều áp lực. Người Trung luôn kỳ vọng con trai phải là trụ cột gia đình, phải học cao hiểu rộng để đứng ra đầu sóng ngọn gió, lèo lái cả một dòng tộc. Tôi nghĩ chắc nề nếp nhất, trách nhiệm nhất là con trai miền Trung mà vụng việc bếp, dở việc nhà nhất cũng là con trai miền Trung luôn quá!

2.

Gia đình chuyển vào Sài Gòn năm tôi chín tuổi. Ngoài nhà tôi người Quảng Trị, xóm có chú Thương cũng người Trung. Chú gốc Huế. Mấy cô mấy dì trong xóm mến chú lắm, khen chú vừa mặt mày thư sinh vừa ăn nói văn vẻ như thi sĩ. Tôi vinh hạnh được “thưởng thức tài hoa” của thi sĩ Thương một lần.
Đầu hẻm có tiệm xôi chè. Sáng nọ, tôi ra mua chè, tới nơi cũng vừa lúc thi sĩ ăn xong chén chè đậu đen, chắc chè ngon nên thi sĩ kêu thêm chén nữa. Nhưng thay vì gọi món như bình thường, thi sĩ Thương cất lên chất giọng Huế “ngọt như mía lùi” (mấy dì trong xóm tôi bảo thế), ngâm liền hai câu thơ Hàn Mặc Tử: “Mơ khách đường xa khách đường xa/ Chè ăn ngon quá gọi thêm nha”. Lời thơ vừa dứt, chủ tiệm, khách khứa phá lên cười, có người tấm tắc khen tài thi sĩ. Riêng tôi ngạc nhiên mất vài giây, xong phải chặc lưỡi công nhận tiếng đồn quả thiệt không sai. Thi sĩ Thương văn vẻ đến nỗi gọi chè ăn thêm cũng “thơ thẩn” khác người!
Tôi kể chuyện này cho mệ nội. Nghe xong, mệ bảo: “Ông mi hồi trước cũng đầy bụng thơ mới lấy được mệ”. Tôi gắng hỏi ông ngâm thơ gì cho mệ thì mệ chỉ cười trừ, làm tôi tò mò ghê gớm.
Sau lần đó tôi được “mở mang tầm mắt” về con trai miền Trung. Mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” cằn cỗi vậy mà sản sinh toàn những bậc thi nhân, thơ ca chữ nghĩa lai láng như thác đổ!

3.

Chú Thương hay sang nhà tôi chơi. Lần nào ba cũng ghẹo chú chuyện tình duyên: “Sao đẹp mã mà lại còn nguyên như này?”. Chú gãi đầu, miệng cười cười chứ không đáp. Duy có một lần, chú với ba uống rượu, chắc men vào thì lời ra, chú kể khổ: “Thường ngày em nhả chữ phun thơ chứ gặp con gái là á khẩu, chữ nghĩa bay hết”. Ba bảo: “Mày thích hay yêu nói đại ra chứ cần gì chữ với chả nghĩa”. Chú lại lắc đầu xua tay: “Mần răng mà được, nói thẳng vậy quê lắm”. “Ừ, mày sợ quê nên gái đi lấy chồng hết cũng không đến lượt mày”. Chú Thương lại cất giọng ngâm thơ hòng đổi đề tài: “Bây giờ em đã có chồng / Như chim vào lồng như cá cắn câu…”. Nghe sầu não ruột.
Tôi nghe người ta bảo con gái miền Trung thẹn thùng, e lệ nhiều rồi, giờ phát hiện thêm con trai miền Trung cũng ngại ngùng, hay “nói bóng nói gió” y vậy. Đến thi sĩ Thương mà yêu đương cũng dở tệ!

4.

Thủ quỹ lớp tôi là thằng Thiện, người Bình Định. Tần suất nó nhai đi nhai lại hai chữ “tiền đâu” nhiều đến nỗi cả lớp đặt cho nó biệt danh “Đầu tiên”, tức “tiền đâu”. Nhỏ bạn cùng bàn của tôi không ưa “Đầu tiên”. Nhỏ nói với mấy đứa khác: “Tao thề không lấy chồng miền Trung. Thứ con trai gì chi li tính toán thấy sợ”. Chắc nhỏ biết tôi cũng gốc miền Trung nên không nói với tôi. Thực sự đôi lúc tôi cũng thấy “Đầu tiên” hơi phiền, nhưng không thể phủ nhận nó là một thủ quỹ thật cừ. Từ việc thu tiền mấy đứa “nợ xấu”, tính toán ngân sách thu chi đến cả trả giá với mấy cô ở tiệm photo “Đầu tiên” đều làm rất tốt. Con trai miền Trung tính toán chi li đôi khi cũng có cái lợi của nó mà!
Nãy giờ tôi khen con trai miền Trung quá chừng. Hì! Nói chứ đây chỉ là vài nét tính cách cá nhân tôi cảm nhận được từ những “đấng mày râu” gốc miền Trung tôi quen biết. Chung quy lại, con trai miền Trung hay người miền Trung luôn có những nét rất riêng, không lẫn vào đâu được, giống như chất giọng “dễ cưng” độc quyền của miệt miền Trung vậy đó. Thương lắm!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.