Thượng, đại và siêu

05/11/2011 14:18 GMT+7

(TNTS) Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung kể một câu chuyện ngộ nghĩnh thế này. Tên tội phạm nguy hiểm Điền Bá Quang ngồi đánh, thua cược đệ tử phái Hoa Sơn là Lệnh Hồ Xung. Đáng lẽ khi thua cược, hắn phải giữ lời giao ước, tôn cô nữ ni phái Hằng Sơn là Nghi Lâm làm sư phụ và vung đao tự thiến bộ phận sinh dục của mình. Đằng này, hắn vỗ tuột lời hứa với Lệnh Hồ Xung, ngang nhiên bỏ đi.

Cha của Nghi Lâm là nhà sư Bất Giới bèn phải ra tay trừng phạt thói bội ước của hắn. Bất Giới cắt… một nửa dương vật của Điền Bá Quang để hắn không còn có thể gian dâm ai nữa. Bất Giới buộc hắn phải cạo đầu làm nhà sư. Ông thay mặt con gái Nghi Lâm, buộc Điền Bá Quang làm lễ bái sư, gọi ông là thái sư phụ (bậc cha của sư phụ mình).

Pháp danh của ông là Bất Giới. Bất giới có nghĩa là người đi tu làm hòa thượng mà không bị cấm cản, không phải giữ gìn giới luật thanh quy nào của Phật môn hết. Cho nên, ông chỉ cạo đầu cho có lệ; còn ăn mặn, uống rượu, chửi tục, sinh sự, lấy vợ thì thoải mái. Ông lấy một bà vợ là ni cô, sinh ra cô con gái Nghi Lâm cũng cho đi tu làm ni cô. Nhưng đối với Điền Bá Quang, ông không thể không ràng buộc hắn trong những giới luật nghiêm khắc của đời tu hành. Ông đặt pháp danh cho Điền Bá Quang là Bất Khả Bất Giới – không thể không ràng buộc trong giới luật.

 

Nghe cái pháp danh dài dòng này, hào sĩ giang hồ cười rùm. Theo bọn Đào Cốc lục tiên, nếu Bất Khả Bất Giới Điền Bá Quang sau này thu nhận đệ tử, hắn có thể đặt pháp danh cho đệ tử của mình là Đương Nhiên Bất Khả Bất Giới. Nếu Đương Nhiên Bất Khả Bất Giới thu nhận đệ tử, thì có thể đặt pháp danh cho đệ tử là Lý Sở Đương Nhiên Bất Khả Bất Giới.

Từ câu chuyện trên, bần đạo nghĩ đến công tác… thanh tra của thời đại mình. Thanh tra là một ngành có thẩm quyền kiểm tra các hoạt động xã hội nhằm làm trong sạch và mạnh mẽ hơn bộ máy của hoạt động ấy. Thanh tra cấp trên có quyền xử lý hay đề xuất hướng xử lý các sai phạm của cá nhân, đơn vị, cơ quan cấp dưới. Nói theo ngôn ngữ của báo chí thường trích dẫn, thanh tra cấp trên thấy “sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó”.

Mỗi cơ quan, đơn vị thường có một tổ chức công đoàn làm pháp nhân đại diện cho tiếng nói của tập thể công nhân - viên chức. Mỗi tổ chức công đoàn đều có một ban thanh tra nhân dân - đại diện cho quyền lực được kiểm tra và làm trong sạch nội bộ (nếu có dấu hiệu sai phạm xảy ra trong nội bộ cơ quan đơn vị ấy). Tuy nhiên, võ công của ban thanh tra nhân dân trực thuộc công đoàn dường như chưa đủ hỏa hầu thì phải. Bằng chứng là trong nhiều cơ quan, đơn vị có xảy ra sai phạm mà ban thanh tra nhân dân hình như không biết, hoặc có biết nhưng bị vô hiệu hóa đến nỗi không dám nói lên lời vàng đá nào. Phổ biến nhất là tình trạng họ đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ bởi có biết thì họ cũng chẳng làm được gì. Điều duy nhất họ biết rất rõ là mình là một thứ quyền rơm vạ đá.

Khi một cơ quan đơn vị có dấu hiệu xảy ra sai phạm, cơ quan đơn vị cấp trên bèn cử xuống một tổ thanh tra để làm rõ các sai phạm và đề xuất hướng xử lý. Về mặt thuật ngữ, bần đạo tạm gọi tổ thanh tra này là thanh tra của thanh tra nhân dân. Họ là thanh tra cấp trên của ban thanh tra nhân dân, có nghĩa là… thượng thanh tra.

Tuy nhiên, thanh tra của thanh tra nhân dân (thượng thanh tra) có khi cũng còn vướng bận điều này điều kia nên làm chưa hết chức năng của mình. Có thể do “non kém nghiệp vụ” hay do tác động của tình cảm, mối quen biết cùng ngành, thượng thanh tra có khuynh hướng dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười. Thượng thanh tra tuy chưa phải là những nghệ sĩ tấu hài xuất sắc nhưng lắm khi họ đề nghị những hình thức “kỷ luật nghiêm khắc” rất mắc cười. Có những vụ việc được thượng thanh tra làm rõ nhưng lại để lâu cho nên... hóa bùn hết.

Vì vậy, để giữ nghiêm giềng mối của sự nghiệp thanh tra, cần có một tổ chức cấp trên nữa là đoàn thanh tra các hoạt động của tổ thanh tra của ban thanh tra nhân dân. Ta có thể gọi tổ chức này là đoàn thanh tra của tổ thanh tra của ban thanh tra nhân dân. Cái tên nghe quá dài dòng. Để dễ nhớ, bần đạo tạm gọi đây là… đại thanh tra. Về chức năng quyền hạn, đại thanh tra lớn hơn thượng thanh tra.

Tuy nhiên (trời ạ, nhiều tuy nhiên lắm vậy cà!), biên niên sử của hoạt động thanh tra từng cho mọi người biết rằng đã có những vị đại thanh tra sai phạm, từng… cầm nhầm tiền bạc, đất đai, xe pháo của những đối tượng bị thanh tra. Cho nên, do yêu cầu giữ nghiêm phép nước, ắt lại phải lập thêm một tổ chức nữa nhằm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hoạt động do đoàn thanh tra của tổ thanh tra của ban thanh tra nhân dân, thực hiện. Để dễ nhớ, bần đạo gọi đây là… siêu thanh tra. Về chức năng quyền hạn, siêu thanh tra lớn hơn đại thanh tra.

Như vậy về mặt thuật ngữ, bạn đọc chịu khó thuộc lòng giùm: Siêu thanh tra là thanh tra của đoàn thanh tra (đại thanh tra). Đại thanh tra là thanh tra của tổ thanh tra (thượng thanh tra). Thượng thanh tra là thanh tra của ban thanh tra nhân dân cơ sở. Có thuộc lớp lang thứ bậc như vậy thì mọi chuyện mới rõ ràng, đầu óc mới sảng khoái. Đó là nguyên tắc danh chính ngôn thuận.

Lấy thí dụ một số anh em cán bộ kiểm lâm một hạt kiểm lâm cấp huyện đã làm luật các xe chở gỗ lậu rồi cho họ ra đi. Ban thanh tra nhân dân nội bộ của hạt kiểm lâm đã không thể làm rõ được điều ấy nhưng anh em báo chí thì biết. Họ viết phóng sự, đưa hình ảnh, bình luận. Chi cục kiểm lâm cấp tỉnh phải cử tổ thanh tra tức thượng thanh tra, xuống thanh tra làm rõ. Tổ thanh tra làm không xong, Cục Kiểm lâm phải cử đoàn thanh tra tức đại thanh tra xuống điều tra làm rõ những gút mắc mà tổ thanh tra chưa điều tra làm rõ. Nếu kết luận của đoàn không sướng lỗ tai, dư luận còn hoài nghi thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử thêm một tổ chức xuống để thanh tra các kết luận của đoàn thanh tra…

Bạn đọc đọc tới đây, có thể cự bần đạo đề xuất những thuật ngữ dài dòng quá, đọc muốn tẩu hỏa nhập ma luôn! Dạ vâng, cái gì ngắn gọn mới khiến người ta dễ thuộc, dễ nhớ. Ngay chính bần đạo cũng tẩu hỏa nhập ma với nhiều tên gọi của tổ chức, đơn vị, ngành nghề của nước ta. Nước nào cũng có khuynh hướng đặt tên ngắn gọn cho các bộ, ngành nghề, cục vụ, tập đoàn, tổng công ty, đơn vị... Duy ở nước ta, nhiều cái tên đặt ra dài sọc, nhớ được nó cũng không phải dễ.

Cho nên, có thêm cái tên gọi “thanh tra của đoàn thanh tra của tổ thanh tra của ban thanh tra nhân dân” tức “siêu thanh tra của đại thanh tra của thượng thanh tra của thanh tra cơ sở” thì cũng không phải là nhiều mà bỏ đi thì cũng không vì thế mà ít. Cán bộ, công chức của ta sợ sự dài dòng nên có khuynh hướng ghép từ lại. Thí dụ phối hợp và kết hợp thì nói phối kết hợp; thanh tra và kiểm tra thì nói thanh kiểm tra... Thế nhưng trong trường hợp này, kính mong quý vị nói cho đầy đủ.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.