Thừa Thiên-Huế lên tiếng về con đường lát gỗ lim dọc sông Hương gây tranh cãi

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
09/03/2018 11:12 GMT+7

Hai cơ quan tham mưu, thẩm định dự án thí điểm xây dựng hệ thống mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương đã lên tiếng về con đường lát gỗ lim gây tranh cãi những ngày qua.

Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 8.3, ông Lê Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng và ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế là đại diện hai cơ quan tham mưu của UBND tỉnh lên tiếng về con đường lát gỗ lim dọc sông Hương.

Ông Lê Toàn Thắng, cho biết đây là dự án thí điểm trong quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương với kinh phí tài trợ 6 triệu USD (hơn 130 tỉ đồng), phạm vi quy hoạch từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh với chiều dài khoảng 15km, diện tích quy hoạch khoảng 840 ha, thuộc địa bàn TP.Huế và một phần thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang.
Dự án đang được thi công Ảnh: Lê Toàn

Theo ông Thắng, thời gian qua nhiều thông tin trên báo chí phản ánh về kinh phí của phần gỗ lim được nêu không chính xác, dẫn đến dư luận thắc mắc về số tiền lát gỗ lim quá lớn của công trình này. Thực tế, trong 6 triệu USD là cho toàn bộ công tác lập quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, trong đó chỉ có 3 triệu USD (tương đương khoảng 52 tỉ đồng) dành cho dự án thí điểm kết nối tuyến phố đi bộ nam sông Hương.

Theo đó, dự án sẽ làm con đường đi bộ dài khoảng 400m, mặt đường 4m, bằng kết cấu bê tông, cốt thép, mặt sàn lát gỗ lim, với tổng diện tích sàn khoảng 2.400m2. Kinh phí dành cho phần sàn lát gỗ này hơn 5,1 tỉ đồng.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư giải thích thêm, trong quá trình triển khai dự án, phía đơn vị thực hiện quy hoạch là Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) đã nhiều lần họp và đưa ra lấy ý kiến góp ý của người dân. Qua nhiều cuộc họp và lấy ý kiến cũng có nhiều góp ý về việc sử dụng vật liệu cho công trình. Trong đó có việc đề xuất sử dụng vật liệu composite, lát đá… Tuy nhiên, sau khi phân tích, các chuyên gia cho rằng vật liệu composite sau thời gian sử dụng, việc bào mòn sẽ khiến công trình không đảm bảo tính thẩm mỹ, còn lát đá thì trọng lượng mặt sàn sẽ tăng lên và đòi hỏi hệ chịu lực cũng phải tăng lên, hệ cọc cũng sẽ to lên không đảm bảo mỹ quan.

Bên cạnh đó, các yếu tố như dòng chảy, tác động của thiên tai, lũ lụt… đều đã được đặt ra và được các nhà chuyên môn tính toán kỹ. Vì vậy, những lo ngại của người dân là đúng nhưng tất cả những lo ngại này đều đã được các nhà chuyên môn tính toán và giải quyết.

Hệ cọc chịu lực của tuyến đường được đóng xuống sông Hương Ảnh: Lê Toàn

Ông Định cũng giải thích thêm: “Đây là dự án nhằm mục tiêu kiếm thêm tiền thông qua việc thu hút khách, phát triển du lịch cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nó tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận gần sông Hương nhất, trong một khung cảnh tương xứng với vẻ đẹp đẳng cấp của con sông Hương. Nó phải được thiết kế làm sao đó để thu hút càng nhiều du khách càng tốt. Hiệu quả kinh tế của nó được tính trên cơ sở lợi ích của nó mang lại trừ đi giá trị đầu tư (hiện đang được cho không) và trừ đi chi phí bảo trì trong từng khoảng thời gian nhất định".

Ông Định nói: “Chúng ta, ai cũng muốn thu hút khách du lịch đẳng cấp, tiêu nhiều tiền thay vì thu hút khách số lượng nhiều nhưng chi tiêu ít. Muốn vậy, ta cũng phải đầu tư những thiết chế tương xứng. Các chuyên gia Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta về tầm nhìn này. Dự án này được thiết kế với lan can bằng đồng, sàn gỗ lim vì mục đích đó. Tôi đã tiếp cận với những người chủ của các công ty lữ hành du lịch lớn, các doanh nhân đang sở hữu những tập đoàn lớn, những nhà đầu tư dịch vụ đã và đang có ý định đầu tư vào Huế, họ đều đánh giá và ủng hộ cao dự án".

Tiềm năng, lợi thế là những yếu tố có tính chất lịch sử. Tiềm năng, lợi thế không được phát huy kịp thời sẽ bị cạnh tranh và mất đi. “Lót gỗ lim đường đi bộ thành phố Huế: điểm nhấn không là những thớ gỗ lim mà là ở tầm nhìn và góc nhìn”, ông Định nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.