Thú vui 'coi cọp' của trẻ nghèo

Thú vui 'coi cọp' (trốn vé) của những cô cậu bé nghèo ngày xưa mang đến cảm giác hồi hộp khi vượt qua trở ngại để lọt vào rạp, lại được thưởng thức tuồng hay không tốn tiền. Đó là kiểu kỷ niệm tuổi thơ không phải ai cũng có.

Một anh bạn dân Sài Gòn gốc, tuổi gần 60, kể rằng: Hồi còn nhỏ, tức nửa thế kỷ trước, anh sống trong Chợ Lớn, gần khu La Kai (Q.5 bây giờ). Vì chung quanh đó có nhiều rạp hát và rạp xi nê nên anh thích coi hát. Lúc đó nhà anh sống khá thoải mái do ba anh chơi đàn trong vũ trường. Tuy vậy, mỗi lần xin tiền để đi xem phim hay coi hát ở một rạp nào đó, ông thường móc túi cho anh một số tiền chỉ đủ đi... xe xích lô đến rạp. Hỏi ông tiền mua vé đâu, ông chỉ cười.
Biết tính cha, anh lẳng lặng đến rạp, vào cửa bằng cách thức rất phổ biến đối với con nít thời bấy giờ, là tìm cách “coi cọp”, khỏi tốn tiền vé. Anh áp dụng đủ cách: năn nỉ người soát vé, nhờ dắt vào, lẻn vào, hầu như trót lọt hết. Sau này nghĩ lại, anh thấy cách nghĩ của ba anh “kỳ khôi”, nhưng rõ ràng có hiệu quả, buộc anh “tự thân vận động” như những đứa nhỏ khác.
Con nít tiền đâu mà mua vé!
Nghe kể lại câu chuyện trên, ông anh trên 70 tuổi bảo rằng: “Đúng quá, thời đó con nít nào chẳng coi cọp, tiền đâu mà mua vé. Người lớn là dân lao động ham coi hát cũng chẳng dám mua vé, vì lo kiếm ăn là trên hết!”.
Anh hỏi có biết rạp Cẩm Vân không? Hồi đó, Phú Nhuận chỉ có hai rạp hát đều ở trên đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng): rạp Cẩm Vân (bây giờ là một trường học) và rạp Văn Cầm (không còn dấu tích, gần chợ Phú Nhuận). Nhà nghèo không có gì giải trí, không có cả chiếc radio, lâu lâu được người cậu hay ba cho đi xem xi nê là quá cao xa rồi. Đợi người lớn quan tâm thì còn lâu mới được xem, thôi thì tự đến rạp Cẩm Vân xem cải lương ké. Anh mê mẩn các tuồng Tàu do Ban Đồng Ấu đóng, thích mấy anh chị lớn hơn mình có vài tuổi mà diễn xuất thần những vai Lý Thần Phi, Quách Hòe, Bao Công, nhà vua, thái giám. Không có tiền, cứ đến giờ trình diễn là anh diện bộ đồ bà ba trắng, dấp nước chải tóc qua một bên lộ cái trán dồ, đứng ngay cửa rạp, gặp ông khách nào trông có vẻ dễ dãi là níu áo, xin vào coi cọp. Thấy thằng bé mặt mũi trông sáng sủa, mặc đồ bà ba sạch sẽ mê xem hát, không mấy ai từ chối.
Có lần anh níu áo một ông. Lúc đầu, ông gạt tay ra và rảo bước. Nhưng bỗng dưng ông quay lại, nói: “Nhà cậu ở đâu, ba má làm gì?”. Anh trả lời là nhà ở hẻm Iwai (trên đường Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận hiện nay) gần đây, mồ côi cha. Ông ta nói: “Nhìn tướng là biết con nhà tử tế, sao lại coi cọp? Coi nè, tóc chải bảy ba, trán cao mặt sáng sủa vậy. Nói cho cậu biết, hồi nhỏ bằng tuổi cậu, tui thích chải tóc như vậy lắm, nhưng không biết cách, người lớn còn cười cho. Thôi, đi với tui!”. Ngồi trong rạp, anh cứ nghĩ mãi vì sao ông này kêu mình tới chức “cậu” lận.
Chứng kiến hậu trường
Có lúc gặp một người gác cửa khó tính, xét nét. Ông quen mặt thằng nhỏ hay coi cọp nên tống ra khỏi rạp. Anh lủi thủi ra về nhưng quành ra bên hông rạp, leo lên bệ cửa nhìn vào chút khoảng khe trống. Trong đó lộ ra chút cảnh xiêm y mũ mão giáp bào rực rỡ, vẳng ra tiếng ca ngâm, tiếng thanh la não bạt. Đỡ ghiền, anh lủi thủi ra về. Dù mắc cỡ vì bị đuổi, đêm sau lại mò ra và tiếp tục xin coi cọp. Việc đó kéo dài nhiều ngày, đến một lúc anh không vào rạp bằng cách đó nữa, mà nhờ một bác có con là nghệ sĩ dẫn vào hậu trường.
Anh bảo: “Tao mê nhất chị Kim Cương, hơn tao vài tuổi mà diễn hay thần sầu!”. Không vở diễn nào của chị mà anh bỏ sót. Bà bác dẫn vào hậu trường rồi bỏ đó, chẳng ai để ý. Anh đứng tha thẩn một góc, nhìn những cô vũ công có cặp đùi thoa kem óng mượt trước khi ra nhảy điệu “tuýt” hay lắc “hu la húp”. Lúc đứng bên cánh gà nhìn xuống sân khấu, anh quan sát khán giả đang lặng yên theo dõi những tấn trò đời buồn vui mà đoàn kịch tái hiện, dường như họ đang thấy lại những cảnh đời họ trải qua thường ngày. Nhiều bà già lam lũ nhín chút tiền chợ hằng ngày đi coi tuồng, liên tục chậm nước mắt khi cảnh tủi nhục của nhân vật trên sân khấu được diễn tấu mộc mạc nhưng rất thật.
Trong hậu trường, anh chứng kiến bao cảnh hỉ nộ ái ố của giới nghệ sĩ. Có khi hai ông bà vừa chửi nhau chí chóe, đến lượt diễn nhảy ra sân khấu diễn ngay cảnh yêu đương mùi mẫn. Có khi cô đào chánh vừa thổ huyết ngã xuống lấy bao nhiêu nước mắt của khán giả, khi màn hạ đã thét gọi đem nhanh đến cho cô điếu thuốc. Sòng bạc sau hậu trường được mở ra thường xuyên, sát phạt mải mê đến mức có lúc nghệ sĩ quên cả đồ diễn, cứ thế chạy ra sân khấu. Anh hụt hẫng, rồi quen dần. Sau này lớn lên anh hiểu phía sau hình tượng vua quan uy nghiêm, tiên đồng ngọc nữ, công chúa hoàng tử đẹp đẽ... họ là những người đang kiếm sống bằng lời ca tiếng hát, cố gắng khóc cười để mưu sinh và cũng hao tâm tổn sức trên sân khấu. Anh không biết mình lớn lên nhờ những điều trần trụi như vậy, cho dù chỉ ở trong một góc rạp hát.
Đến tuổi mười bốn, anh bỏ chuyện đi coi hát cọp, vì không thích bị la hay xua đuổi nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.