Thơ Nguyễn Thị Minh Thái ‘giấu những giọt nước mắt mà đời không thấy’

08/03/2021 10:21 GMT+7

Đọc thơ Nguyễn Thị Minh Thái bỗng xáo trộn vì nhận ra có những người bề ngoài tưởng mạnh mẽ nhưng lòng đang giấu những giọt nước mắt mà “đời không thấy”.

1. Rút cuộc, bài thơ về hạnh phúc được viết bằng ngôn ngữ nào? Tôi đọc Tị nạn chiều, tập thơ của Nguyễn Thị Minh Thái, tâm tư bỗng nhiên bị xáo trộn, khi nhận ra một điều giản dị: có những con người bề ngoài tưởng mạnh mẽ, ăn sóng nói gió, tự tin chém gió chỗ đông người đến mức đôi khi như “mục hạ vô nhân”… nhưng sâu kín trong lòng, họ đang giấu kín những giọt nước mắt mà “đời không thấy”.
Chỉ đến khi, từ họ, như một nhu cầu giãi bày của tâm hồn, khi tâm hồn phải viện đến những câu thơ, mọi việc bỗng nhiên sáng tỏ.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh cũng như sự quyến rũ của cô đơn. Cô đơn đối với ai đó có thể là tiêu cực, nhưng đối với những người sáng tạo là sự kích thích vùng riêng ngôn ngữ, là giọt cà phê tích tụ của cảm hứng, là phút bất định thăng hoa của trạng thái ngoài ý thức.
Tôi lang thang giữa chiều
Hàng nghìn cánh-cửa-người đã đóng
…chỉ còn chiều với một tôi
Chỉ còn tôi với cả một chiều
(Tị nạn chiều)
Bạn hãy chú ý chữ dùng của tác giả: cánh-cửa-người. Hàng nghìn cánh-cửa-người đã đóng. Như vậy, mọi cánh cửa giao tiếp đã bị đóng kín, cô đơn đã ở trên vạch giới hạn. Bên này vạch giới hạn vẫn là cô đơn. May mắn thay, với một tâm hồn mỏng manh, dễ vỡ nhưng còn chút thăng bằng “cái cốc đứng nghiêng bên mép bàn”, với một trái tim chưa đến mức chai lỳ, nguội lạnh “em đâu nhịn được yêu”, cho dù từng trải đã nhiều: Nghĩ đến yêu là em rùng mình (Bằng lăng), Em vẫn sợ lỡ chân/ngã lần nữa (Nỗi buồn hình cây cung),… Nguyễn Thị Minh Thái đứng ở bên này vạch giới hạn.
Và như thể “tiếng chim hót trong bụi mận gai”, lời thơ cất lên như những nốt nhạc “độc thoại” từ đáy sâu lòng chị:
"Em như cái cốc
đứng nghiêng ở mép bàn
chỉ chạm khẽ là rơi vỡ tan"
(Độc thoại)
Cái thế của ngòi bút không chênh vênh, nhưng cái thế của “người viết” thì quá chênh vênh “nghiêng bên mép bàn”, như thể đang trên sợi dây qua hai đầu vực. Chỉ chạm khẽ là rơi vỡ tan.

Tị nạn chiều là tập thơ viết nhiều về nỗi cô đơn

Ảnh NVCC

2. Nguyễn Thị Minh Thái tuổi “dần”. Tuổi dần mạnh mẽ là phải rồi. Mạnh mẽ là thế, tự tin là thế, vững chãi là thế… sao lại ví mình là “cái cốc/nghiêng bên mép bàn”? Câu thơ gây cảm giác “rùng mình” và “mỏi”. Tôi cảm thấy rất mỏi khi phải lưu giữ trong trí nhớ câu thơ này! Vì sự mong manh, dễ vỡ… như thể chúng ta từng trải qua trạng thái chỉ còn một que diêm để đốt lên ngọn đèn trong đêm cả gió. Không ai dám chắc suôn sẻ. Cảm giác “bất an” này không phải chỉ do ngôn từ gợi ra mà đó là một trạng thái tâm lý có thật được gợi ra bởi ngôn từ. Đã khá nhiều lần tác giả thú nhận:
“…lang thang phố
Con hổ ta
Âm u
Liếm nỗi buồn hang ổ”
(Sóng Hồ Tây như sóng biển)
Có thể hiểu rằng “người tuổi dần” này đã từng trải, đã từng đau, đã từng thương tổn, đã từng trong trạng thái âm u. Vì sao ư? Thì đây:
"Vườn sau mưa
Con hổ ta trong thơ buồn muốn chết
Nhớ rừng, nhớ người"
(Cỏ và rượu)
Lời thú nhận cho ta một ý niệm về cái đẹp: con hổ trong thơ buồn muốn chết vì nhớ rừng, nhớ người! Nhớ rừng thì đã đành, nhưng nhớ người thì đúng là thi nhân. Thi nhân vốn đa mang, chưa ai buồn đã buồn, chưa ai nhớ đã nhớ. Nhưng “nhớ người” không phải nhớ bâng quơ. Nhớ người đến đâu rồi rút cục cũng sẽ quy về nhớ một người:
"Em bảo anh
em nhớ
nhớ đến quên mình là ai"
(Hạt gạo)
Nhớ đến quên mình là ai. Tức là đã đánh mất bản thể mình trong nhớ. Tức là biến mất về mặt tinh thần. Chưa đủ, Nguyễn Thị Minh Thái tự ví mình là ngọn lửa âm ỉ lâu ngày, là… như thể muốn nổ tung... Tức là có thể biến mất về thể xác. Chàng trai nào đó thật là hạnh phúc khi là chủ nhân của những câu thơ đinh ninh này:
"Một nghìn người qua
một triệu người qua
trước mặt em dửng dưng
một nghìn người qua
một triệu người qua
chỉ vắng một mình anh
chỉ thiếu một mình anh"
(Độc thoại)
Quả là tâm trạng người đang yêu: thế gian vốn đông vui, phố phường vốn chật hẹp, nhưng thế gian, phố phường trở nên vắng vẻ chỉ vì thiếu một người! Người đó đã từng làm chị “quên mình là ai”. Vậy ai đã “chạm khẽ” vào tâm hồn chị để làm chị suýt “rơi vỡ tan”? Bạn có thể chọn “ngôi sao hy vọng” cho câu trả lời này!

Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái còn là một nhà phê bình sân khấu nổi tiếng

Ảnh NVCC

3. Nguyễn Thị Minh Thái làm thơ đã khá lâu, từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng chị hình như chỉ viết cho mình, viết để ghi nhớ một tâm trạng, một kỷ niệm, một nỗi đau, một tổn thương, hoặc một vẻ đẹp của phố xá tại một thời điểm nào đó, một mùa sen đã đi qua trên mặt nước hồ Tây
Cho đến mấy chục năm sau, chị mới công bố tập thơ đầu. Giữ kín những xúc cảm của mình cũng là một phẩm chất. Công việc chính của chị là giảng dạy và viết tiểu luận, phê bình văn chương, nghệ thuật. Nhưng qua tập thơ này, có thể nhận ra phẩm chất thi sĩ của ngòi bút Nguyễn Thị Minh Thái.
Nguyễn Thị Minh Thái không chú ý vần điệu. Chị không làm thơ lục bát, không thơ năm chữ, sáu chữ, không thơ cổ phong, thất ngôn bát cú… Thơ chị được viết từ những cảm nhận, cảm nghĩ, những cảm nhận, cảm nghĩ từ sâu trong nhận thức, lưu trú trong tâm hồn, rồi từ đâu đó ngôn ngữ được đánh thức, nhạc điệu được cựa quậy, câu chữ hiện ra. Nét hiện đại này có từ thời “thơ không vần” của Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyên Hồng… Nó là câu chữ “tự do” trong “khuôn khổ” của những cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống qua những trải nghiệm cá nhân, những tích lũy vốn liếng trí thức, những suy ngẫm về cuộc đời…
Chị viết: "Buồn, một mình, quay đầu lại, mịt mù sương…". Ai đã từng qua Tây hồ vào buổi mịt mù sương, hẳn sẽ cảm nhận được sự cô đơn của tâm trạng, sự bất định của tâm thức, sự giăng mắc của tâm hồn qua những câu thơ của Nguyễn Thị Minh Thái.
Phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Thị Minh Thái còn là khả năng gia tăng sắc thái biểu cảm của ngôn từ. Với chị không có những từ nhợt nhạt. Ngôn ngữ thơ được đẩy đến tận cùng ngữ nghĩa để diễn đạt sắc thái của tâm trạng, vì vậy, có thể bài thơ hay hoặc chưa hay, nhưng không có thứ thơ nhạt.
Xáo trộn tâm tư khi đọc thơ Nguyễn Thị Minh Thái còn là vì nhận ra những góc buồn của một ngòi bút. Thơ chị có nhiều đau đớn, nhiều xót xa, nhiều mất mát, nhiều cam chịu, cũng ít có niềm vui, niềm hoan lạc.
Thơ chị biểu hiện chân thành những sắc thái tình cảm tế nhị, kín đáo của người viết. Một ngòi bút đủ từng trải để tâm sự những điều sâu kín với người đọc. Chính điều này làm nên vẻ đẹp run rẩy của câu chữ trong thơ chị. Vẻ đẹp của sự không nguyên khối, không vẹn toàn, không cân xứng… thường gặp trong cuộc đời - vẻ đẹp của nỗi buồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.