Thích thì viết vào ca khúc thôi?

16/11/2016 07:24 GMT+7

Lần đầu tiên Hồ Ngọc Hà - Noo Phước Thịnh trình làng ca khúc mới: Mình thích thì mình yêu thôi , hàng chục nghìn khán giả có mặt trong live concert mới đây của Noo Phước Thịnh đã hòa giọng, thích thú hát theo.

Vài tháng nay, câu nói “mình thích thì mình vẽ thôi” mà ca sĩ Sơn Tùng M-TP trả lời trong một chương trình truyền hình thực tế về dòng chữ lạ trên mặt anh, khiến fan của anh lẫn cộng đồng mạng dấy lên làn sóng yêu thích, rồi chia sẻ rầm rộ. Hàng loạt những dòng trạng thái kiểu “mình thích thì mình mua thôi/ăn thôi/xem thôi/đi thôi/nghe thôi…” xuất hiện trên cả mạng xã hội lẫn trở thành câu cửa miệng của nhiều người trong sinh hoạt thường ngày. Thế nên, việc khán giả hò reo và hát theo ngay cùng ca sĩ câu hát “mình thích thì mình yêu thôi” cũng là điều không khó hiểu, khi ngôn ngữ đời thường đã được người viết nhẹ nhàng đưa vào lời bài hát.
“Vậy có gọi là nhạc ?”
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà cho biết ca khúc Mình thích thì mình yêu thôi (nhạc: Dương Khắc Linh, lời: Hoàng Huy Long) không phải là “gu” mới của cô, mà cô muốn mang lại sự bất ngờ, niềm vui cho khán giả. Cô chọn ca khúc này để biểu diễn và sau đó là tung bản audio vì biết đây là “từ khóa” được yêu thích hiện nay. Và điều đó thể hiện sự gần gũi, mang hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là giới trẻ.
Chính vì ngôn ngữ mang hơi cuộc sống đời thường, cập nhật nhanh những câu chuyện thời sự nên sức sống của nó cũng không lâu bền như những tác phẩm âm nhạc trước đây. Thực tế cho thấy có nhiều ca khúc cách đây vài năm được nghe nhiều nhưng nay thì không ai hát
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Cũng chính sự gần gũi bình dị trong ca từ mà bài hát Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh thời gian qua đã được chia sẻ ồ ạt. “Giờ em đã là vợ người ta”, lời hát nghe rất thật, rất đơn giản, cũng có thể bị cho “vậy cũng gọi là nhạc”; nhưng chắc hẳn có rất nhiều người “thấm” với câu chữ bình thường đó, khi họ cùng cảnh ngộ. Thế nên sau khi ra mắt 2 tuần, lượt nghe lên đến hơn 20 triệu. Đặc biệt, ca khúc Sau tất cả (Khắc Hưng), do Erik thể hiện, chỉ 5 tiếng sau khi phát hành đã có hơn 10.000 lượt chia sẻ, còn lượt nghe lên đến 100.000. Để rồi sau đó, đi đâu cũng có thể nghe được những giai điệu dịu dàng của một chuyện tình nhiều sóng gió nhưng kết thúc là “happy ending”: Sau tất cả mình lại trở về với nhau, tựa như chưa bắt đầu, tựa như ta vừa mới quen...
Mới đây, nhóm MTV tung ra ca khúc Đừng nhìn bề ngoài, đề cập những mặt tiêu cực không chỉ của đời sống xã hội mà còn chỉ trích một số scandal trong showbiz. Ca khúc này nhanh chóng gây ấn tượng với người nghe, xem (hơn 100.000 lượt xem sau vài giờ ra mắt MV). Nói về tính thực tế, gần gũi của Đừng nhìn bề ngoài cũng như ca khúc của nhiều tác giả khác hiện nay, nhạc sĩ Anh Tuấn, thành viên nhóm MTV, cho rằng: “Ở thời điểm hiện tại, với nhịp sống năng động hối hả, âm nhạc cũng có sự chuyển mình rõ rệt, tiết tấu của những ca khúc nhanh hơn rất nhiều so với những bài hát thời xưa. Ngôn ngữ sử dụng trong cuộc sống cũng có nhiều thay đổi đáng kể, thẳng thắn hơn, thực tế hơn”. Theo anh, cũng vì mục đích của âm nhạc là phản ánh chân thực cuộc sống, cho nên bài hát càng chân thực, gần gũi thì càng dễ đi vào lòng người.
Dễ dàng bắt gặp các dòng trạng thái trích lời bài hát trên trang cá nhân, hay nghe những câu bông đùa từ tên bài hát: “Anh xa nhớ anh có khỏe không, em lâu lắm không viết thư tay, đầu thư em chẳng biết nói gì, ngoài câu em ở đây nhớ anh vơi đầy” (Gửi anh xa nhớ, Tiên Cookie); “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, cứ yêu đi dù rằng mình ngu si” (Vì tôi còn sống, Tiên Tiên); Mình là gì của nhau (Only C), Thật bất ngờ (Lê Đức Hùng), Anh cứ đi đi (Vương Anh Tú), Mình yêu nhau đi (Tiên Cookie)…
Đời thường nhưng không phản cảm, thô tục
Nhìn nhận sự yêu thích của một bộ phận khán giả đối với các ca khúc có ca từ như ngôn ngữ đời thường, nhạc sĩ Hoài An cho rằng: “Khi cuộc sống thay đổi, cách nhìn của người viết hay người nghe cũng sẽ khác đi. Mình không thể áp đặt tư duy của thế hệ trước đối với thế hệ sau, mà trái lại đôi khi cần học hỏi người đi sau để bắt kịp xu hướng mới. Đưa ngôn ngữ dung dị đời thường vào ca từ đang là cách viết của một số nhạc sĩ trẻ. Tôi nghĩ ca từ dù thiếu tính văn học nhưng nếu mang lại thông điệp ý nghĩa thì vẫn được ủng hộ”.
Cùng quan điểm này, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng: “Một ca khúc có thể có ca từ rất bình thường, thậm chí vô duyên với người này nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt với người khác, đó là chuyện bình thường. Việc đưa ngôn ngữ đời thường vào âm nhạc cũng là xu hướng chung của thế giới. Thêm một phong cách viết là thêm sự đa dạng cho đời sống âm nhạc, vậy thì sao mình không ghi nhận?”.
Ghi nhận xu hướng “đời sống hóa ca từ”, song các nhạc sĩ đều nói thêm rằng: bình thường hay đời thường cũng có nhiều mức độ, vì thế người sáng tác cần cân nhắc để ca từ không bình thường quá đến mức trần trụi hay thô thiển, phản cảm. Đứng ở góc độ nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng đồng tình khi đưa ra quan điểm: “Lớp trẻ bây giờ viết theo xu hướng chung của thế giới. Theo đó, ca khúc đại chúng được viết đơn giản, không hoa mỹ, văn vẻ, bóng bẩy mà dùng khẩu ngữ cùng thông tin nhanh. Tôi vẫn nghe lời hát hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh và thấy chất thơ hiện đại trong bài hát này (Mình yêu nhau đi). Quan trọng là, ca từ bình thường nhưng đừng thô tục, đừng làm mất cái chất nghệ thuật vốn có của một ca khúc”. Và theo ông: “Chính vì ngôn ngữ mang hơi cuộc sống đời thường, cập nhật nhanh những câu chuyện thời sự nên sức sống của nó cũng không lâu bền như những tác phẩm âm nhạc trước đây. Thực tế cho thấy có nhiều ca khúc cách đây vài năm được nghe nhiều nhưng nay thì không ai hát”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.