Thị trường karaoke miền Bắc 'đóng băng'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/01/2019 13:18 GMT+7

Theo thống kê, tiền thu tác quyền âm nhạc 2018 đối với karaoke tại miền Bắc chỉ bằng một phần tư so với miền Nam.

Sáng 25.1, Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) công bố báo cáo hoạt động năm 2018. Theo đó, tổng thu của trung tâm năm 2018 là 111 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong tổng thu này, tại miền Bắc thu được 41 tỉ đồng, miền Nam thu được 70 tỉ đồng.
Trong số tiền VCPMC thu được cho các tác giả âm nhạc, trong lĩnh vực karaoke, có thể thấy sự chênh lệch giữa miền Nam và miền Bắc. Tại mục này, miền Bắc thu được 2,5 tỉ đồng, còn miền Nam thu được 11 tỉ đồng.
Ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC, cho biết chênh lệch này không xuất phát từ việc thu tiền ở miền Bắc khó hơn miền Nam, hay miền Nam hát nhiều hơn miền Bắc. “Nó xuất phát từ việc sau vụ cháy quán karaoke lớn ở Hà Nội thì nhiều quán đã đóng cửa. Số lượng quán đóng cửa đã làm giảm doanh thu tác quyền karaoke”, ông Cẩn nói.
VCPMC có 2 nguồn thu từ karaoke. Với các đơn vị sản xuất đầu máy karaoke, theo biểu mức của VCPMC, việc thu tác quyền karaoke được thực hiện dựa trên số lượng tác phẩm. Chẳng hạn, dưới 500 tác phẩm, mức nhuận bút là 1,2 triệu đồng/tác phẩm/3 năm/thương hiệu đầu máy karaoke. Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ karaoke phòng, mỗi phòng thu 2,5 triệu đồng/năm. Số tiền thu cho mỗi phòng cũng sẽ giảm nếu số phòng karaoke của doanh nghiệp tăng lên. Chẳng hạn, từ phòng số 5 - 10, mỗi phòng sẽ giảm chỉ còn 80% số nhuận bút trên.
Hiện tại, vấn đề tính tiền karaoke cũng hay được nhắc tới trong các hội thảo tác quyền âm nhạc. Theo ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), việc thu tác quyền karaoke cần dựa trên số lần quy định của tác phẩm cho đúng quy định hiện hành. “Nghị định 22 nói rõ rồi, phải công khai. Thu tù mù thì chia lại không thể minh bạch được”, ông Thái nói.
Chính vì thế, có ý kiến cho rằng cần gắn "con bọ" lên từng đầu karaoke để kiểm đếm số lượt sử dụng bài hát. “Chẳng hạn đầu máy karaoke đến vài ngàn bài, nhưng có bài không phát lần nào, có bài phát hàng trăm ngàn lần. Công nghệ giải quyết rất đơn giản. Nếu Bộ yêu cầu đơn vị sản xuất đầu karaoke đính “bọ”, khi dùng là có thể đếm được bài nào được sử dụng bao nhiêu lần. Việc minh bạch đó có tác dụng cho tất cả các bên”, ông Đặng Đình Long, CEO Công ty AIBIZ (một công ty chuyên kiểm đếm lượt sử dụng tác phẩm trên truyền hình), cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.