Theo dấu xưa, chuyện cũ: Sắc phong đặc biệt ở làng chài Kê Gà

20/12/2016 06:10 GMT+7

Làng chài Kê Gà (xã Thuận Quý, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đang lưu giữ một sắc phong được vua Khải Định ban cho từ gần 100 năm trước ghi công những vị “phúc thần” đặc biệt của làng.

Cụ Lê Văn Hào (87 tuổi) vẫn nhớ như in làng chài Văn Kê (Kê Gà ngày nay) của ấp Văn Phong mấy chục năm trước. “Cả làng chài chỉ khoảng bốn chục cái thúng. Ngư lưới cụ khi ấy là lưới cước rất nhỏ, đánh bắt ở biển nông. Làm gì có thuyền máy to như bây giờ. Cả làng chỉ sống bằng nghề chài lưới”, cụ Hào nhớ lại.
Làng chài bé nhỏ là vậy, lớn lên, những trai làng như cụ Hào khi đó vẫn muốn vươn khơi xa. Biển Văn Kê là vùng biển dữ, không phải ai cũng biến ước mơ vươn khơi của mình thành hiện thực. Nhiều người đi biển đã mãi mãi không về. Nhưng nghề chài lưới vẫn là nghề kiếm cơm duy nhất. Không có lựa chọn khác.
“Không hiểu sao, hồi ấy ông (cá voi) thường xuyên xuất hiện trên vùng biển này. Ông to lắm, vào nhiều lắm. Cứ tháng 6, tháng 7 là ông lại về. Nhưng cũng có nhiều lần ông vào bờ lụy (chết) lại làm cho dân làng chài lo lắng và tổ chức mai táng rất trang trọng” - cụ Hào kể. Cụ Hào đã từng chứng kiến biết bao lễ mai táng ông và cả những chuyện ly kỳ về sự cưu mang của “thần Nam Hải” (cách ngư dân gọi cá voi) với người dân làng chài này.
Cụ kể: “Mùa bấc năm đó tôi còn trẻ. Ông Sáu Hoàng ở làng này đi biển. Ra biển, gặp tàu lớn của giặc bắn phá kinh hoàng. Thuyền chìm, ông Sáu phó mặc cho sống chết. Khi không còn bơi được nữa, ông Sáu thiếp đi. Nhưng khi trời sáng hẳn, mở mắt ra ông thấy mình nằm trên một triền đá ven đảo. Điều kỳ diệu đó chỉ ông xuất hiện mới có thể hành đạo cứu người như vậy”.


Kê Gà hay Khe Gà?
Theo ông Lâm Hòa Hoàng, người từng làm thư ký cho vạn trưởng đầu tiên sau ngày giải phóng ở vạn Văn Phong thì ngày xưa Kê Gà có tên là Khe Gà. Ngày xưa, thôn Văn Lâm có một khe suối, cây cối rậm rạp, rất nhiều gà rừng về trú ngụ nên người dân gọi nó là Khe Gà. Sau này, người Pháp đến đây gọi là Kê Gà. Từ đó, tên làng đổi thành Kê Gà cho đến hôm nay.

Ông Lâm Hòa Hoàng (67 tuổi) giờ đã không đi biển được nữa, nhưng câu chuyện về hai cha con ngư dân Văn Kê đi biển được ông “cứu cha, bỏ con” thì ông và cả làng vẫn nhớ. Đó là chuyện hai cha con ngư dân bị “phá nước”. Khi ấy làm gì có máy bộ đàm như bây giờ để gọi cứu hộ. Cả hai cha con nhảy xuống biển. Nhưng ngày hôm sau thì người cha được ông “đưa” vào bờ. Người con trai phải tự bơi, bị sóng cuốn trôi.
Ghi công cứu hộ
Để tỏ lòng biết ơn cá voi, ngư dân làng Văn Kê đã lập một vạn (miếu) sát ven biển để thờ cúng. Vạn thờ này có tên “Vạn Văn Phong”.
Theo ông Diệp Minh Hùng, Vạn trưởng hiện phụ trách việc thờ cúng, vạn Văn Phong được người dân Văn Kê lập năm 1890. Năm thứ 9 đời vua Khải Định (1916 - 1925), nhà vua đã ban cho làng một sắc phong ghi nhận công trạng cứu hộ dân chúng của “ông Nam Hải” trên biển Văn Kê.
Ông Hùng cho biết, gần một trăm năm qua, vạn Văn Phong chính là nơi lưu giữ sắc phong quý giá này. “Năm 1962, sắc phong được người dân đưa về vùng biển Tân Tiến để lưu giữ tránh bom đạn của chiến tranh. Sau năm 1975, người dân trở về làng cũ và lại đem sắc phong về vạn để thờ cúng. Năm 1990, vạn Văn Phong được xây dựng mới bằng xi măng. Năm nay, nhân kỷ niệm 117 năm thành lập, vạn Văn Phong một lần nữa được trùng tu khang trang”, ông Hùng cho hay.
Hiện xung quanh vạn Văn Phong có khá nhiều ngôi mộ cổ. Theo ông Diệp Minh Hùng thì “đó là mộ của những người xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà”. “Ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1897, đến năm 1899 mới hoàn thành. Trong quá trình xây dựng ngọn hải đăng, người Pháp đã di dời một số ngôi mộ trên đảo Kê Gà đưa vào chôn phía sau vạn (vạn Văn Phong có trước ngọn hải đăng Kê Gà 7 năm). Thậm chí có cả những người trong quá trình thi công ngọn hải đăng bị tử nạn, cũng được người Pháp đưa sang chôn cất bên cạnh vạn Văn Phong để nhờ thờ cúng. Đến bây giờ, ngư dân làng chài Kê Gà vẫn thờ cúng những ngôi mộ này mà không hề biết tên người dưới mộ”, ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.