Theo dấu văn thơ - Kỳ 28: Giai thoại 'Dạ cổ hoài lang'

03/04/2014 00:00 GMT+7

Ra đời gần thế kỷ nhưng đến nay bài Dạ cổ hoài lang vẫn còn nhiều giai thoại.

Người truyền bá Dạ cổ hoài lang


Nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã có công truyền bá bản Dạ cổ hoài lang - Ảnh: Tư liệu 

Vẫn còn các tranh luận chưa ngã ngũ về thời điểm ông Sáu Lầu tức nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) sáng tác cũng như hoàn cảnh ra đời bản Dạ cổ hoài lang (DCHL)... Nhưng rất ít tài liệu đề cập ai là người truyền bá và thời điểm nào nó được đưa lên sân khấu phổ biến rộng rãi thành bài vọng cổ vua.

Trên Bách khoa toàn thư (mở) có ghi: “Bài này được đưa lên sân khấu lần đầu bởi gánh hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, rồi sau đó được sử dụng rộng rãi, nhất là trong các tuồng cải lương. Và cũng vì thế, bản DCHL được chuyển thể thành nhiều nhịp...”.

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô (TP.Cần Thơ) vốn tâm huyết với sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, nhận xét: “Ghi vậy là trật lất, thầy Năm Tú không hề đưa bản này lên sân khấu. Người có công là nghệ sĩ tài danh Bảy Nhiêu và soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền của gánh Tập Ích Ban rất nổi tiếng ở Cần Thơ”.

Theo hồi ký Những vui buồn trong đời đi hát của nghệ sĩ Bảy Nhiêu - tên thật là Huỳnh Năng Nhiêu (1903 - 1976, tại Cần Thơ) thì ông chính là người đi truyền dạy từng lời ca, ngón đờn cho các gánh bạn vì lúc này bài DCHL mới phổ biến ở Bạc Liêu. Thấy gánh Tập Ích Ban hốt bạc với DCHL nên nhiều gánh lớn đã lôi kéo Bảy Nhiêu.

Năm 1922, ghe hát của gánh Tập Ích Ban cập bến chợ Bạc Liêu, Bảy Nhiêu là kép chính của gánh đi dạo thơ thẩn ở mé sông chợt nghe giọng ngân nga buồn buồn nhưng lời bài ý tứ sắc bén: Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng... Giai điệu bài lạ và hay quá nên Bảy Nhiêu nghe mê mẩn. Đến khi dứt bài, ông Nhiêu nhìn rõ hóa ra người ca là cô gái trẻ. Ông hỏi thì cô cho biết tên bài là DCHL. Theo lời cô gái chỉ, ông Bảy Nhiêu đi tìm gặp thầy đờn Ba Chột, rồi gặp Nhạc Khị - là thầy của Cao Văn Lầu, lúc này bản đờn DCHL mới hé lộ. Rồi sau đó cô ba Trương hay còn gọi cô Ba Vàm Lẽo, một nữ danh ca ở Bạc Liêu, đã dạy cho Bảy Nhiêu ca trọn bài DCHL theo nhịp đôi.

Bảy Nhiêu đưa bản đờn cho soạn giả Nguyễn Trọng Quyền và ông Quyền mê bài này đã soạn bổ sung vào tuồng Châu Trần phải nghĩa. Năm 1922, DCHL đã đưa lên sân khấu Tập Ích Ban, kép chính Bảy Nhiêu thủ vai Châu Bá Hòa ca mùi mẫn: Từ ngày đi ứng thí/Tình đã có trót mấy trăng... Ông Nhâm Hùng còn cho biết thêm vào ngày 31.3 và 1.4.1923 cũng lần đầu tiên bài DCHL lên sân khấu tại Nhà nhạc hội bờ hồ (Hà Nội).

Soạn giả Nguyễn Trọng Quyền đã bổ sung bài DCHL thành bài chính cho các vở tuồng lưu diễn từ Hậu Giang đến Sài Gòn. Từ đó, dần dà bài hát trở thành bài ca chủ lực trên sân khấu cải lương, được công chúng yêu chuộng từ nam tới bắc. Thời đó, tại Cần Thơ, hễ gánh Tập Ích Ban diễn ở rạp Thầy Lý thì vé không đủ bán. Mấy hương chức ở làng Nhơn Ái thích quá mời gánh về hát cúng đình, diễn 3 đêm liền và tiền giao kèo là 1.200 đồng, quá lớn trong thời đó.

Và chuyện tình hư ảo

Ông Trần Phước Thuận, Hội Khoa học lịch sử Bạc Liêu, cho biết đúng là nghệ sĩ Bảy Nhiêu và gánh Tập Ích Ban đã truyền bá DCHL để từ trong tỉnh lẻ nó phổ biến rộng khắp nơi. Nhưng theo ông Thuận, gánh đầu tiên đưa bài DCHL lên sân khấu là gánh Tân Minh Kế ở Bạc Liêu. Nhưng lúc ấy nó chỉ là bài hát giúp vui khi mở màn sân khấu, chưa được dùng trong các tuồng tích hay.

Ông Thuận nói thêm, trong các câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của DCHL có nhiều giai thoại mà đời sau ngộ nhận như mối tình của cô Ba Vàm Lẽo được mệnh danh là “Nữ hoàng nam ai” với ông Sáu Lầu. Rằng cô Ba Vàm Lẽo hay còn gọi là Ba Phấn, sắc nước hương trời với giọng ca mùi mẫn. Còn ông Sáu Lầu là tay đờn cự phách nên cùng trong ban nhạc lâu ngày hai người đã nảy sinh tình cảm. Trong số người theo ve vãn cô Ba có cả công tử Bạc Liêu. Rồi không chiếm được trái tim người đẹp nên kẻ ác đã hãm hại, quăng xác cô xuống sông. Quá đau đớn trước hung tin, ông Sáu Lầu với nỗi bi ai tột đỉnh hai lần mất người yêu đã bật nên kiệt tác DCHL.

Ông Thuận nhận định: “Cô Ba Phấn và cô Ba Vàm Lẽo là 2 người khác nhau, bản thân cô Ba Vàm Lẽo có chồng sống êm ấm đến bạc đầu. Mối quan hệ giữa ông Sáu và cô Ba Vàm Lẽo bình thường thôi, tôi là nhà nghiên cứu nên cái nào có thì nói có, ghi chép sai đời sau lầm lẫn có thể gây ra tai hại”. Vậy có ai phản đối? Ông Thuận giải thích vì là giai thoại nên con cháu đời sau của ông Sáu Lầu không mấy chú tâm.

Liên hệ với bà Cao Thị Gấm, cháu nội của ông Sáu Lầu, bà Gấm cho biết ông Sáu Lầu có 7 người con, 6 người đã qua đời, còn lại chú Tư Cao Văn Hoai đã già yếu, trí nhớ giảm sút. Bà Gấm cho biết vì có nhiều giai thoại về cuộc tình quá nên lớp con cháu không rõ cũng như không nghe các cô chú nhắc đến chuyện tình cô Ba Vàm Lẽo. Bà Gấm kể: “Mới đây có người xưng tên là Cao Văn S. đứng trước mộ ông nội tôi xưng là cháu nội và hát bài DCHL, nhưng chúng tôi tra lại trong lớp cháu không có ai tên S. cả”.

Thanh Dũng

>> NSƯT Thanh Hoàng: Sẽ có Dạ cổ hoài lang 2
>> Tôi phục hiện "Dạ cổ hoài lang
>> Dạ cổ hoài lang" diễn tại rạp Hưng Đạo
>> Hoài Linh diễn “Dạ cổ hoài lang”
>> Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm Dạ cổ hoài lang  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.