Theo dấu văn thơ - Kỳ 17: Nghề võ ở Thất Sơn

07/12/2013 03:05 GMT+7

Núi Dài huyền bí chốn rừng rú đã khép dần, cũng như băng đảng khét tiếng Cánh buồm đen nay đã thành dĩ vãng.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 16: 'Con cá' hào hoa
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 15: Tan tác hội ba khía
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 14: Đời cỏ bàng

 Theo dấu văn thơ - Kỳ 17: Nghề võ ở Thất Sơn
Núi Dài nay thuộc huyện Tri Tôn, An Giang - Ảnh: T.D

Từ nhỏ, Sáu Bộ theo bạn vào vùng Thất Sơn, An Giang học đạo. Hết đạo Ớt, đạo Đất đến đạo Nằm, nhưng không đạo nào quyến rũ được Sáu Bộ lâu dài. Sáu Bộ bỏ vào núi Dài, như có duyên kỳ ngộ chốn thâm u, được cao nhân truyền dạy võ công. Năm năm sau, Sáu Bộ hạ sơn, mang theo cây roi và đường quyền Lưu Thủy, lập đảng Cánh buồm đen. Sáu Bộ được tôn là chúa đảng, xưng hùng xưng bá trên vùng biển từ mũi Cà Mau đến tận Hà Tiên, chuyên cướp của người giàu, giúp người cô thế (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam).

Lời mào tập truyện có ghi: Truyện xảy ra năm 1939 - 1940, các nhân vật đều hư cấu, tưởng tượng mà ra, nếu trùng với những người có thật ngoài đời thì ngoài dụng ý của tác giả. Sơn Nam lo xa vậy mà vẫn “đụng” hai băng cướp cỡ bự có thật ngoài đời. Anh nào cũng mang tên Cánh buồm đen, đều dữ dằn. Tuy trùng tên nhưng một hoạt động ở quần đảo Hải Tặc, Kiên Giang; một hoạt động ở Tân Châu, Châu Đốc.

Quần đảo hải tặc thuộc Hà Tiên, Kiên Giang đến nay vẫn còn lưu truyền băng cướp Cánh buồm đen với cột buồm treo cây chổi, như có ý quét sạch tàu qua lại, hoạt động trên một vùng biển rộng lớn của vịnh Thái Lan, gây nhiều vụ cướp. Ít ồn ào hơn nhưng Cánh buồm đen ở Tân Châu do tên Cáo làm xếp sòng cũng gây mất ăn, mất ngủ những người giàu có. Cáo mở các trường gà, sòng bạc, bắt cóc người có của, đòi tiền chuộc.

Do mua chuộc, bắt tay với nhà cầm quyền nên Cáo mang súng, đi lại nghênh ngang giữa Châu Đốc, Sa Đéc như vào chốn không người. Sau đó, do trúng kế nên Cáo bị bắt ở Châu Đốc, đàn em Cáo hay tin đã ém sẵn trên các tuyến đường dẫn về Sài Gòn, chờ dịp xông ra cứu trùm. Lúc này, vây cánh Cáo còn mạnh nên cảnh sát phải đưa máy bay xuống Châu Đốc áp giải Cáo, vì ngại chuyển bằng xe dễ bị phục kích. Người bắt Cáo sau đó từ Châu Đốc chuyển sang tỉnh khác làm, để tránh bị đàn em Cáo phục hận, trả thù.

Ở An Giang xưa còn có nhiều băng cướp lừng danh như Đơn Hùng Tín, Bảy Đởm, Con Cua Vàng, Thanh Long, cướp Du Bao... Sau này, có thêm tướng cướp Bạch Hải Đường, giỏi võ Thiếu Lâm.

Võ công sơn cước

Núi Dài cao 540 m, nay thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Tri Tôn, An Giang, là một trong 7 ngọn núi tiêu biểu của Thất Sơn. Xưa, núi hoang vắng, nơi thâm sơn cùng cốc thường có cao nhân dị sĩ nên võ công vùng Bảy Núi truyền miệng với bao huyền hoặc.

Một thời, người dân các tỉnh khác ngán ngại khi biết người trước mặt đến từ Thất Sơn. Xảy ra chuyện gì, người ta hay khuyên nhỏ: “Nhịn nó đi, thằng đó ở Bảy Núi xuống đó, đánh không lại đâu”. Các võ sư vẫn truyền lại rằng vùng Thất Sơn có pho võ gọi là võ thần hay thần quyền. Cách luyện võ rất lạ, người luyện đọc thần chú rồi đêm nằm ngủ xuất hồn luyện võ cùng núi, trăng; khi đối địch thỉnh thần nhập vong nên lợi hại.

Khoảng năm 1972 - 1980, trên các sàn đấu võ đài tự do ở An Giang xuất hiện một người tóc bạc, được giới mộ võ gọi là võ sư Bảy Núi. Võ sư này võ nghệ cao cường, thượng đài đánh nhiều đối thủ hộc máu nên nhiều người e dè. Còn trước đó, có đôi mãnh hổ Thất Sơn là ông Năm Đài và Tư Thọ ở núi Dài, nổi tiếng một thời, là truyền nhân của môn phái võ thần. Hai ông từng ác đấu diệt beo dữ, rắn độc vùng Thất Sơn trừ họa cho dân trong vùng.

Đấu võ đài ngày xưa là cuộc đấu chết chóc, các đấu sĩ ký tên vào tờ khế ước để rủi quyền cước vô tình, ai tử vong thì người thân hay đồng môn không được báo cừu đòi mạng, mà khiêng xác kẻ thua bỏ vô cái hòm đem về quê chôn. Sau này, có võ sĩ Nguyễn Kim Tuấn (50 tuổi, ngụ H.Lai Vung, Đồng Tháp), tự xưng là Kim Mao Sư Vương, nổi lên ở miền Tây. Tuấn bái nhiều sư, trong đó có một thầy võ trên núi Dài. Sư phụ dạy Tuấn mỗi ngày gánh chuối lên xuống núi để luyện đôi chân săn chắc, dẻo dai; luyện chẻ dừa khô để bàn tay cứng như thép. Khi hạ sơn, lên đài thi đấu với cú đá quét, cú đấm mạnh như sấm, Tuấn đã làm nhiều đối thủ gục ngã. Khi đấu võ tự do bị dẹp, Tuấn đi biểu diễn nghệ thuật dùng tay và chân lột vỏ sầu riêng, dừa khô và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người lột dừa nhanh nhất.

Một nhân vật khác, nhà thơ Huỳnh Duy Lộc, ngụ TP.Cần Thơ, có duyên nợ với Thất Sơn, từng tự nhận: “Vào Bảy Núi học được vài ba miếng phòng thân”. Lộc còn có biệt danh là Lộc “khỉ”, bởi tướng tá còm nhom, nhỏ người nhưng mang võ Thất Sơn nên nhiều người nể. Trong tiệc rượu, Lộc hay để cái ly không lên đầu mình rồi tung cú đá từ dưới quét lên trúng cái ly bể nát. Lộc còn đứng tấn, vận khí công cho bạn nhậu lấy dao đâm vào người, lưỡi dao bật ngược ra. Có lần cánh nghệ sĩ Hà Tiên lấy số đông ép rượu, dồn phe Cần Thơ, Lộc trổ tài đưa ly rượu lên miệng nhai rau ráu như nhai kẹo. Phe Hà Tiên chịu thua không ép nữa. Năm 1980, Lộc tham gia cùng công an Cần Thơ bắt được đạo chích gây hàng loạt vụ trộm, nhờ biệt tài “bích hổ du tường”, tức dùng tay bám theo mép tường leo như thằn lằn nên tên tuổi Lộc khá nổi.

Võ sư Nguyễn Văn Tạo, nhà ở gần núi Dài, nổi tiếng với tuyệt kỹ bí truyền “liên hoàn tứ nguyệt” và “ngũ lôi công thủ”, kể rằng xưa vùng núi còn hoang vu, thú dữ tới phá nương rẫy, tấn công người; trộm cướp, đạo tặc cướp của nên trai tráng thôn quê biết vài miếng võ để tự vệ... Còn bây giờ thời bình, người luyện võ để thân thể tráng kiện, sống yên vui với nương rẫy.

Bây giờ ở núi Dài, người dân lên đó làm nương rẫy, trồng cây dó bầu lấy trầm. Dân địa phương còn mở đường cho xe gắn máy, cơ giới chạy lên núi. Núi Dài nay đã khép lại những huyền bí chốn thâm u cùng những ông đạo, một thời tạo nên huyền bí Thất Sơn.

Thanh Dũng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.