Theo dấu văn thơ - Kỳ 11: Cô Ba Trà Vinh

16/08/2013 00:00 GMT+7

Cô Ba Thiệu là con thầy Thông Chánh, có nhan sắc tuyệt trần. Phận má hồng đa đoan nên đời sau có nhiều giai thoại.

Huê khôi Nam kỳ

Vì mẹ cô Ba nhan sắc mặn mòi nên biện lý Jaboin theo đuổi dẫn đến vụ nổ súng chết người. Mẹ đẹp nên cô chẳng kém gì. Trong Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển miêu tả vẻ đẹp của cô Ba Thiệu như sau: “Kể về người đẹp trong Nam, xưa hơn hết, có cô Ba, con thầy Thông Chánh - Thông Chánh dám xách súng bắn biện lý Tây Jaboin ở Trà Vinh, năm xửa năm xưa, con là cô Ba được hãng xà bông Việt Nam in lại hình trên mỗi viên xà bông bán chạy vo vo”.

Đời cụ Sển có nhiều cái thú, trong đó có thú cổ ngoạn và si người đẹp. Nên trong các tập sách của cụ đều phảng phất bóng giai nhân. Bởi thế trong Sài Gòn xưa, cụ Sển lại tả tiếp cô Ba: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia, hồi Tây mới đến, có cô Ba, con gái thầy Thông Chánh, là đẹp không ai bì; đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà thơ Dây thép (Bưu điện), và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba; muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại!".

 
Hình được cho là cô Ba Thiệu in trên vỏ hộp xà bông Viet-Nam - Ảnh: tư liệu

Nếu vào Google gõ tên cô Ba Thiệu Trà Vinh, cô Ba xà bông sẽ thấy hàng trăm thông tin trên các trang báo mạng như cô Ba Trà Vinh là một trong “tứ đại mỹ nhân Sài Gòn” xưa gồm cô Ba Thiệu, Ba Trà, cô Tư Nhị và cô Sáu Hường. Nhiều trang mạng còn nêu cô Ba Thiệu là vợ Trương Văn Bền và chính ông đã tận dụng nét đẹp đài các của vợ in hình trên xà bông? Còn trong Sài Gòn tạp kỹ (sgtt.vn) có ghi lại rằng một người đẹp thuộc hàng “đại mỹ nhân” của Nam kỳ vào đầu thế kỷ trước, đó là cô Ba Thiệu ở Trà Vinh, người mẫu đầu tiên của Việt Nam, sản phẩm là cục xà bông Cô Ba vang bóng một thời. Cô là vợ nhà tư sản Trương Văn Bền và được ông chọn làm người mẫu in hình lên sản phẩm xà bông của hãng mình vào năm 1930.

Đến đây lại phát sinh chi tiết lý thú vì hãng xà bông ông Bền quá nổi tiếng không cần bàn cãi thêm. Riêng chi tiết cô Ba là vợ ông Bền lại mâu thuẫn với tập thơ thầy Thông Chánh vì trong tập thơ có ghi rõ: cô Ba Thiệu lấy chồng Tây lúc 17 tuổi (có sách ghi là 15).

Số phận bí ẩn ?

Nói về cô Ba khi hay cha mắc nạn đã đùng đùng: “Thứ này đến thứ cô Ba/mới mười bảy tuổi lấy chồng người Tây/nghe cha mắc phải nạn này/... tay cầm súng sáo miệng hầu kêu xe/...  mau chân bước tới châu thành/tai nghe quan soái xử mà làm sao/Nếu mà xử hiếp cha rày/Ta bắn ngươn soái phát nay mới đành/cha ta dù thác bỏ mình/cũng trong đạo Chúa cầu xin thiên đường/Mã tà phú lích áp vào/Cô Ba bèn đá té nhào sảy tai/Ta không thù oán chi bây/để ta đánh với người Tây mới tài”. Vì cô Ba giỏi võ đánh bạt văng mã tà nên Phủ Hơn giả đò khuyên lơn rồi bất thần: “Phủ Hơn rình lại nắm đầu/Phủ Bình giựt súng nắm đầu cô Ba/Cả kêu phú lích mã tà/Đem còng nó lại bỏ ngoài đề lao” (trích tập thơ thầy Thông Chánh). Nhưng đoạn thơ này tới đây là ngưng nói về cô Ba, nên không ai rõ sau đó số phận cô Ba ra sao, bị xử thế nào.

Hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp - người có duyên với bài thơ thầy Thông Chánh thì ông cho biết chuyện về cô Ba ông không rõ lắm, cũng như không biết cô có phải là người làm mẫu cho xà bông Cô Ba hay không. Còn có giai thoại cho rằng sau khi bị bắt giam, cô Ba đã tự tử chết trong tù, ông Hiệp cũng không rành. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bạch Yến (77 tuổi), là cháu cố của thầy Thông Chánh đang ngụ tại TP.HCM, lại nhớ mang máng. Bà Yến nói nghe cha, ông kể lại sau khi gây ra náo loạn với quan soái, cô Ba bị nhốt rồi dưới áp lực của Tây, cô và người chồng Tây đã ly dị. Còn lại thì quãng thời gian sau bà không biết hết số phận cô Ba.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (ngụ H.Cai Lậy, Tiền Giang), rất có thể học giả Vương Hồng Sển nhầm lẫn vì cô gái trong hình con tem xưa và hình cô Ba xà bông có cách bới tóc rất khác nhau. Một chi tiết nữa theo ông Tường là năm 1906, Pháp chọn ngẫu nhiên 6 mẫu hình cô gái Đông Dương để in tem và trong đó có hình cô gái Nam kỳ búi tóc, như vậy không phải do cô Ba Thiệu quá đẹp nên được chọn in? Theo ông Tường, đích thị cô Ba Thiệu là con gái thầy Thông Chánh nhưng quãng đời của người đẹp này rất ít người biết đến.

Trong hồi thuật về cô Ba Trà - một huê khôi xưa ở Sài Gòn - cụ Sển tả tường tận về tình duyên cô lận đận mấy đời chồng, về bùa ngải cô dùng “thôi miên” người khác nhưng chỉ đôi lời thoáng qua về nhan sắc. Cụ Sển viết muốn biết cô Ba danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà sinh cỡ năm 1900 hỏi lại! Hỡi ôi cụ Sển, giờ tất cả ra người thiên cổ, hậu sinh làm sao hỏi đây?

Cùng với cô Ba Thiệu thì cô Năm Hà Tiên vẫn là bí ẩn. Trong Hà Tiên ngoại ký sự tiểu thuyết mang tên Nàng Ái cơ trong chậu úp, nữ sĩ Mộng Tuyết thuật lại ghê rợn hơn hết là mộ cô Năm tên tục là Mạc Mi Cô ở núi Bình San (Hà Tiên, Kiên Giang). Rằng cô là con của Mạc Thiên Tích và Hiếu Túc phu nhân, vừa sinh ra lớn phổng phao như lên 9 tuổi, mái tóc dài như người lớn, mày thanh mắt đẹp, biết ngâm nga những câu sấm truyền không ai hiểu hết. Ngâm xong tiểu thư nhắm mắt tắt thở, thân hình thu nhỏ lại, tiểu thư được chôn ở núi Bình San.

Ngày nay về Hà Tiên nhắc đến Mạc Mi Cô, người dân địa phương vẫn còn sợ gọi là cô Năm, ít dám nhắc tên tục. Người dân tin rằng cô Năm rất linh nên hay đến đó cầu xin. 

Thanh Dũng

>> Trà Vinh hỗ trợ 70 triệu đồng/bác sĩ công tác tuyến xã
>> Giải đua thuyền rồng tỉnh Trà Vinh năm 2013: Huyện Càng Long đoạt 3/4 chức vô địch
>> Trà Vinh: 138 tỉ đồng hỗ trợ bảo hiểm tôm
>> Trà Vinh: Đặc sản tết sốt giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.