Theo dấu tích 'hoa cái' vua Quang Trung: Tượng phỗng trước bệ thờ Miếu Đôi

15/09/2016 05:48 GMT+7

Có thể do tin vào phong thủy, triều Nguyễn không cho “hoa cái” của các thủ lĩnh Tây Sơn nhập thổ vì sợ “kết phát”.

Để giữ bí mật, lúc bấy giờ nhà Nguyễn cho đưa “hoa cái” Quang Trung vào một ngôi miếu hoang để tiếp tục giam dưới hình thức hết sức đặc biệt.
Hai ông Phan Công Hắc và Phan Công Vá vì tội đưa sọ vua Quang Trung khỏi Khám đường (nay thuộc P.Tây Lộc, TP.Huế) về chôn, bị phát giác, vua Đồng Khánh đã ra lệnh xử tử hình. Con cháu không được lót chữ Công nên phải đổi thành Phan Văn… vì sợ tru di tam tộc.
Đó là ghi chép của PGS-TS Đỗ Bang trong sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, 1988). Cũng trong sách nêu trên, PGS-TS Đỗ Bang cho biết vào ngày 25.3.1988 PGS-TS Đỗ Bang đã trao đổi với các bô lão làng Thanh Thủy Chánh (nay thuộc xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) ở nhà thờ tộc Phan, nghiên cứu các bản tộc phả, gia phả họ Phan còn lưu giữ, xác minh các nhân vật lịch sử truyền thuyết nêu trên là khả tín.
Tuy nhiên, lại một vấn đề khác trong hành trình tìm “hoa cái” vua Quang Trung được tác giả nêu: “Sau khi bị bắt, ông Phan Công Hắc có khai chỗ chôn đầu lâu của vua Quang Trung? Nếu đã khai báo thì triều đình Đồng Khánh có còn để đầu lâu nhà vua ở lại Thanh Thủy Chánh không hay đã có cách xử lý khác mà sử sách và lời truyền không để lại cho chúng ta? Hoặc có còn vụ đánh cắp nào xảy ra sau đó nữa không?”. Các bô lão kể rằng: “Miếu Đôi nằm ở bên kia cầu ngói Thanh Toàn, ngày trước có hai miếu, dáng tò vò nằm song song cách nhau chừng 1,5 m. Miếu Đôi thờ hai vị “lang lại nhị đại tướng quân”. Khoảng giữa hai ngôi miếu, chếch về phía sau có một ụ đất trông như một nấm mộ nhỏ. Ngày xưa khu vực này nổi tiếng là linh thiêng, ngày rằm, mồng một hằng tháng dân làng đến thắp hương ở “ụ đất” đó, nhưng không người nào biết rõ là mộ của ai. Đấy là trường hợp đặc biệt, vì mộ dân trong làng đã có các nghĩa địa dành sẵn, không ai chôn ở đó” (Sách đã dẫn, trang 179).
Như thế có thể từ tháng năm năm 1885, “hoa cái” vua Quang Trung được chôn giấu ở khu vực Miếu Đôi gần cầu ngói Thanh Toàn. Sau sự kiện việc chôn giấu “hoa cái” của hai vị họ Phan bị phác giác, triều Nguyễn đã “xử lý” “hoa cái” vua Quang Trung như thế nào?
Tiết lộ của vị quan triều Nguyễn
Cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng từng học và tốt nghiệp ở Quốc Tử Giám Huế, được bổ làm việc ở Văn phòng ngự tiền thời vua Bảo Đại. Năm 1957, Viện Đại học Huế thành lập, cụ giảng dạy Hán Nôm ở Văn khoa. Cụ là người biết nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của triều Nguyễn.
Trong nhiều nội dung cụ kể có nhắc đến sự kiện vị “cai ngục” đã mang “Ông Vò” (“hoa cái” vua Quang Trung) về cầu ngói Thanh Toàn, chôn giấu trong đất miếu, bị phác giác và bị triều đình xử tử. Còn “hoa cái” của vua Quang Trung, theo như cụ kể, đã được lấy khỏi đất, bọc đất sét trộn trấu, mang vào một ngôi miếu của Miếu Đôi, đặt trên nền miếu, trước bệ thờ như một tượng phỗng… Lời kể của cụ rất khớp với những thông tin do PGS-TS Đỗ Bang đã cung cấp.
Tại sao Miếu Đôi lại trở thành miếu hoang vào thời Nguyễn và vua Đồng Khánh đã cho thuộc hạ giam “hoa cái” vua Quang Trung trong ấy?
Kết quả nghiên cứu từ tài liệu tộc phả họ Trần làng Thanh Thủy Chánh (do TS Trần Duy Phiên, hậu duệ của họ Trần làng Thanh Thủy Chánh, hiện sinh sống tại TP.HCM thực hiện) cho biết Khâm sai Phan Trọng Phiên trong đoàn quân bình Nam của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc là chồng bà Trần Thị Đạo - người cúng tiền xây cầu ngói Thanh Toàn. Về sau ông Phan Trọng Phiên đổi tên là Phan Lê Phiên. Bà Trần Thị Đạo có trang thờ ngay trên cầu ngói, còn vị phu quân và người mai mối cho tình duyên của hai người là Nguyễn Hữu Chỉnh được thờ ở Miếu Đôi, nên dân làng truyền khẩu Miếu Đôi thờ “lang lại nhị vị đại tướng quân”.
Đến thời vua Gia Long thì Miếu Đôi không còn được tế lễ, trở thành miếu hoang, vì hai vị Phan Trọng Phiên và Nguyễn Hữu Chỉnh có vai trò quan trọng trong cuộc Nam chinh năm Giáp Ngọ (1774), tiêu diệt họ Nguyễn Đàng Trong.
Một số vị bô lão, làng Thanh Thủy, từng tham gia Việt Minh cho biết trước 1945, khi vào miếu hoang để trốn, họ vẫn còn thấy tượng phỗng đặt trước bệ thờ, dưới nền gạch trong miếu trái của Miếu Đôi.
Nhưng tại sao triều Đồng Khánh không hủy “hoa cái” của “chúa Ngụy”? Không đưa vào lại Khám đường giam giữ mà lại tiếp tục giữ ở Miếu Đôi?... Theo chúng tôi, do tin vào phong thủy, triều Nguyễn không cho “hoa cái” của các thủ lĩnh Tây Sơn nhập thổ vì sợ “kết phát”. Để giữ bí mật, lúc bấy giờ người ta đưa “hoa cái” vào miếu hoang (Miếu Đôi) để tiếp tục giam dưới dạng tượng phỗng.
Theo cụ Hồng Hoài Lê Văn Hoàng thì năm 1944 có cuộc lễ của hội Tiên Thiên thánh giáo ở Miếu Đôi và sau đó người ta đã rước “tượng phỗng” đến chỗ mới. Nhưng rước đi đâu thì cụ không tiết lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.