Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả

07/08/2012 03:20 GMT+7

Ở xã Thanh Hòa (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có một con rạch mang tên rạch Ông Tang. Theo tài liệu lịch sử địa phương, ông Tang tên thật Lê Phước Tang, là một nhân vật gắn với nhiều huyền thoại trong vùng.

Ông Tang nguyên là cai quản đồn điền, dẫn đoàn người từ miền ngoài vào Nam khai hoang lập nghiệp, lập nên làng Hòa Thuận (nay thuộc xã Long Khánh, H.Cai Lậy). Nhờ chí thú làm ăn, chẳng bao lâu ông trở thành người giàu có. 

Mặc triều phục... đi ruộng

Giai thoại dân gian kể rằng lúc chúa Nguyễn Phúc Ánh bị Tây Sơn truy đuổi đã chạy đến vùng này. Sau một ngày chịu đói khát, nhờ mấy cụ già chỉ bảo, đoàn người đã tìm đến nhà ông Lê Phước Tang và lưu lại đây mấy hôm. Trước khi giã từ, Nguyễn Ánh đem một số hành lý gửi lại nhà ông Tang. Ngoài ra, ông Tang còn cống hiến một số tiền lớn cho chúa. Hành động hào hiệp của chủ nhà làm chúa Nguyễn Ánh cảm động, phong cho ông Tang làm Khâm sai Cai cơ.

 Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả 1
Ngôi mộ ông Tang bị rêu phong, cỏ lấp - Ảnh: H.P

Một thời gian sau, hai người con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi là cậu Gương, cậu Sen) tò mò mở gói hành lý của Nguyễn Ánh gửi lại ra xem. Thấy trong số đồ đạc có bộ triều phục đẹp mắt, hai cậu công tử bèn mượn tạm để mặc đi... coi ruộng! Những người làm thuê thấy vậy khuyên can: “Hai cậu không nên vô lễ với người trên. Biết đâu sau này ngài phục quốc thì tội hai cậu không nhỏ”. Gương và Sen khinh khỉnh trả lời: “Thằng Nguyễn Ánh dở ẹc. Chừng nào con c. lỏ lợi da thì nó mới phục nghiệp được”. Khi ông Tang mất, hai người con lại lấy bộ triều phục khâm liệm cho cha.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, gửi chiếu chỉ tìm Lê Phước Tang để đền ơn, nhưng vợ chồng ông đã qua đời. Lúc bấy giờ trong làng có người thù oán bèn dâng sớ tố cáo “hành động khi quân” của hai cậu con trai Gương và Sen. Vua Gia Long tức giận ra lệnh tru di tam tộc và tịch thu toàn bộ gia sản của gia đình họ Lê. Chẳng những thế, vì sanh con mà không biết dạy nên Lê Phước Tang còn bị tội đánh roi và xiềng mộ. Ngoài ra, nhà vua lại cho trồng cây thị trước mộ ngụ ý khinh khi miệt thị.

Hiện nay, trong ngọn rạch Ông Tang ở ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, còn khu mộ của vợ chồng Lê Phước Tang. Khu mộ rộng khoảng 200 m2, chôn theo nguyên tắc nam tả nữ hữu, quynh thành bao quanh và bốn trụ hình búp sen (hiện đã gãy mất hai trụ) cùng bình phong hậu và bình phong tiền. Đặc biệt, cạnh khu mộ còn một cây thị cổ thụ. Theo một số bô lão ở địa phương, có lẽ đây là cây thị còn sót lại trong số cây trồng làm hàng rào bao quanh khu mộ. Cây thị có tuổi thọ hàng trăm năm này hiện nay còn rất hiếm ở đất Nam bộ. Gần đây có tin một số “kiểng tặc” đã tới dòm ngó, song không dám bứng vì nó quá to, đồng thời gốc rễ ăn sâu vào trong quynh thành.

 Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả 2
Cây thị hơn 200 năm tuổi bên mộ ông Tang - Ảnh: H.P

Giai thoại xiềng mả

Hai ngôi mộ ông và bà Lê Phước Tang được xây bằng chất liệu vôi và ô dước theo hình lá sen úp. Những đường gân lá sen trải qua hàng trăm năm vẫn còn hằn rất rõ nên có người tưởng tượng là dây xích mộ.

Theo chữ khắc trên bia mộ thì ông Tang mất vào tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức năm 1779, nhưng rất tiếc phần năm sinh đã bị sứt mẻ, không đọc được. Hai người con đứng ra lập mộ cha là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ “lão tiên sanh”, ắt hẳn ông Tang mất khi tuổi đã cao. Nếu vậy, so sánh thời điểm năm ông Tang mất thì lúc đó Nguyễn Phúc Ánh chưa lên ngôi thì lấy đâu ra triều phục?

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì dòng họ Lê Phước là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn Ánh, vì vậy việc ông ghé nhà ông Tang lúc bôn tẩu rất có thể xảy ra. Còn Khâm sai Cai cơ là chức vụ “đặc tấn”. Riêng việc ông Tang bị tội có thể là do hai người con trai về sau thân Tây Sơn. Năm 1785, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã làm chủ nhiều làng dọc theo sông Ba Rài, nên có thể hai ông này đã hỗ trợ hoặc cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn. Đến năm Đinh Mùi (1788), quân của chúa Nguyễn trở lại đánh đuổi quân của Ngự úy nhà Tây Sơn đóng tại vàm Ba Rài, ra lệnh cho Tiền quân Tôn Thất Hội đắp đồn Mỹ Trang và Thanh Sơn (nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy).

Như vậy, việc làm của hai người con ông Tang đối với chúa Nguyễn Ánh là hành động “bất trung”. Vì thế nên ông Tang bị vua Gia Long kết tội “dưỡng bất giáo”, ra lệnh xiềng mả và tịch thu ruộng đất cấp lại cho con cháu Tiền quân Tôn Thất Hội. Số ruộng đất này theo thống kê trong Địa bạ Minh Mạng năm 1836 có tới 125 mẫu. Dân gian gọi là “đồng quan”. Đến đời vua Tự Đức, “đồng quan” được giao khoán cho một người có thế lực là ông Trâu Văn Điền coi sóc, lập kho chứa lúa thuế tạm trữ, trước khi chuyển về Huế. Ở gần vàm rạch Ông Tang còn địa danh Bến Kho và xa hơn một chút về phía nam có con rạch mang tên Bầu Điền.

Chắc chắn hai người con trai của ông Tang bị tội vì đã theo Tây Sơn, song dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, hằng năm con cháu khắp nơi vẫn về tảo mộ. Tuy nhiên, giai thoại dân gian đã lấn át sự thật lịch sử nên vào năm 1985, có người tin rằng áo mão tư trang của vua Gia Long ắt hẳn nằm trong mộ, nên đã lén đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên kẻ trộm phải đào hầm ngầm xuyên phía bên hông để tìm moi quan tài. Nhưng kẻ trộm đã thất vọng vì ngoài hài cốt đã hóa thành bùn đất, tài sản trong mộ chỉ là một chiếc ống ngoáy bằng đồng và một chiếc lược sừng dành cho nam giới thời xưa.

Mộ ông Lê Phước Tang là một ngôi mộ cổ, gắn với lịch sử thời khai hoang lập làng vùng Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung, song hiện thời đã trở thành phế tích. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần lưu ý đưa vào danh sách bảo vệ chứng tích của tiền nhân.

Ngọc Phan - Hoàng Phương 

>> Theo dấu người xưa - Huyền thoại về chiếc đại hồng chung
>> Hành trình theo dấu người xưa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.