'The Shape of Water': Tình yêu mang hình hài của nước

02/02/2018 11:35 GMT+7

Tình yêu cũng như nước vậy. Nước chỉ có thể mang hình hài của vật chứa chứ tự thân không mang bất kỳ dáng hình nào. Cái tên bộ phim vì thế là một cách diễn giải nên thơ cho mối tình trong câu chuyện.

Lịch sử điện ảnh chứng kiến không ít những mối tình kỳ lạ, như nàng Belle yêu chàng quái vật trong Beauty and the Beast, hay chuyện tình trắc trở giữa mỹ nhân và King Kong trong các loạt phim về chú khỉ khổng lồ. Dường như khán giả đã chán những mối tình nam nữ thông thường, nên chuyện tình đồng tính hay tình yêu vượt qua khoảng cách chủng loài lên ngôi.
Thế nhưng, những chuyện tình dị thường này không phải để gây sốc, mà hầu hết đều ẩn chứa thông điệp nhân văn.
Những cảnh nhạy cảm của phim được quay rất nghệ thuật
Cổ tích của những kẻ bên lề
Như cô bé Alice chạy theo chú thỏ trắng để đắm chìm vào thế giới thần tiên, các nhân vật trong phim của Guillermo del Toro cũng thoát li vào miền đất tưởng tượng để quên đi thực tại khắc nghiệt. Bối cảnh luôn là giữa thời chiến, thế nhưng không có quân đội hay mưa bom lửa đạn, chỉ có một gã độc tài tàn nhẫn sẵn sàng dập tắt mọi mơ mộng để ném trả ta về thế giới thực. Mô-típ này đã được Guillermo del Toro ứng dụng thành công trong Pan's Labyrinth (2006) - câu chuyện cổ tích đầy chông chênh và tăm tối dành cho người lớn, hội tụ những con quái vật đáng sợ nhất trong giấc mơ của cậu bé del Toro thuở nhỏ. Thế nhưng bộ phim cuối cùng chỉ ra rằng con người còn đáng sợ hơn cả quái vật.
So với Pan's Labyrinth, The Shape of Water hãy còn nhẹ đô. Bộ phim tập hợp đủ công thức đã từng làm nên thành công của Pan's Labyrinth: một nữ chính hay mơ mộng, một gã bạo chúa, một con quái vật, và một kết thúc ảo mờ có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Dù vậy, tất cả đều được tiết chế sao cho bớt tăm tối và dễ xem hơn đối với khán giả phổ thông. Ta có thể thấy thủy quái trong The Shape of Water không hề đáng sợ, nữ chính Elisa cũng có bạn bè giúp đỡ chứ không đơn độc như cô bé Ofelia ngày nào.
Vào vai một cô gái câm, Sally Hawkins phải diễn xuất bằng nét mặt và đôi mắt để nói lên tâm tư của nhân vật

Riêng với The Shape of Water, đạo diễn gốc Mexico nhấn mạnh hơn vào cuộc sống của những kẻ bên lề. Đó là thủy quái bị ruồng rẫy, là người da màu bị đối xử bất công, là người đồng tính bị kỳ thị và một nàng lao công bị xem là dưới đáy xã hội, tự nhận mình là con người "không hoàn chỉnh" (incomplete). Nhưng nào phải nàng không hoàn chỉnh? Elisa có một tâm hồn đẹp, một trái tim biết yêu thương, điều đó làm nàng còn hoàn chỉnh hơn cả Richard Strickland, gã bạo chúa tự xem mình là kẻ "không thể nào thất bại".
Vẫn là một bộ phim an toàn
The Shape of Water có thể là tác phẩm mới lạ trong số những phim được đề cử hạng mục Phim hay nhất tại Oscar lần thứ 90. Thế nhưng, xét trên toàn bộ sự nghiệp của Guillermo del Toro, đây vẫn chỉ là một tác phẩm "bình cũ rượu mới". Fan của ông có thể sẽ thất vọng vì điều này. Dường như Guillermo del Toro đã quá tâm đắc với công thức xây dựng kịch bản của Pan's Labyrinth nên không đem lại cho The Shape of Water một sự đột phá nào mới trong cách kể chuyện, còn tạo hình nhân vật lại có nhiều điểm tương đồng với Abe Sapien trong Hellboy (2004).
Tạo hình thủy quái trong phim
Viện Hàn lâm Mỹ không có truyền thống tôn vinh tình yêu lãng mạn, trừ khi phải kéo theo cả con tàu bị đắm như Titanic (1997). Lại thêm yếu tố fantasy vốn chẳng phải gu của họ. Tính thời sự của The Shape of Water cũng không quá cao. Bản thân tình yêu giữa chàng thủy quái với cô gái câm có lẽ không quá thuyết phục đối với nhiều khán giả. Chưa kể bộ phim còn dính nghi án đạo nhái khi so với Let Me Hear You Whisper, chỉ có điều Let Me Hear You Whisper là kể về tình bạn của một nữ lao công với chú cá heo bị nhốt trong phòng nghiên cứu.

Dù vậy, The Shape of Water vẫn là một tác phẩm điện ảnh tròn trịa thể hiện rất rõ phong cách thẩm mỹ của Guillermo del Toro. Cốt truyện đơn giản, không quá tham vọng và cũng không khiến người xem suy tư nhiều nhưng bù lại khâu chỉ đạo, sản xuất đều chỉn chu. Quay phim tuyệt đẹp với bảng màu gồm các sắc độ xanh kết hợp với vàng mustard tạo không khí rất vintage. Phần âm nhạc êm ái, dễ nghe. Các tình tiết vừa đủ lãng mạn và đáng nhớ. Dàn diễn viên tài năng cũng là một điểm cộng. Tất cả đều thể hiện sự chuyên nghiệp của ê-kíp làm phim. Thế nên có thể nói số lượng 13 đề cử của bộ phim là vô cùng xứng đáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.