'The Beguiled' gây chia rẽ trong giới phê bình

17/07/2017 08:20 GMT+7

Đạo diễn Sofia Coppola vốn nổi tiếng với những bộ phim 'chia rẽ' khán giả thành nhiều luồng ý kiến. Tác phẩm đánh dấu sự tái xuất của cô, The Beguiled (tựa tiếng Việt: Những kẻ khát tình ), cũng không phải ngoại lệ.

Tiểu thuyết The Beguiled của Thomas Cullinan được đưa lên màn ảnh hai lần. Lần đầu vào năm 1971, lần kế tiếp vào năm 2017. Dù cùng khai thác một chất liệu, thế nhưng hai bộ phim lại có chọn những hướng tiếp cận kịch bản riêng biệt.
Phiên bản năm 1979 của đạo diễn Don Siegel có nhiều cảnh nóng loại nhẹ, dẫn dắt câu chuyện theo góc nhìn của anh lính McBurney (do Clint Eastwood thủ vai). Đạo siễn Siegel cũng quan niệm bộ phim thể hiện “mong muốn thiến đàn ông của phụ nữ”.
The Beguiled (1971) phản ánh nỗi sợ thầm kín của nam giới. Ảnh: Universal Pictures
Trong khi đó, phiên bản năm 2017 của Sofia Coppola gần như không có cảnh hở hang, lại chọn góc nhìn của nữ giới làm chủ đạo. Trả lời phỏng vấn với Independent, Sofia Coppola cho biết: “Bộ phim lật nhào ảo tưởng của nam giới” và bác bỏ ý kiến của đạo diễn Siegel: “Tôi không đồng ý, nhưng tôi hiểu tại sao nhiều người lại diễn giải theo hướng đó”.
Chính vì tính đa chiều của thông điệp mà giới phê bình phim cũng vô tình chia thành hai phe: hoặc rất tán thưởng cách tiếp cận mới của Coppola, hoặc chê bai bộ phim không đủ kịch tính, gây cấn như phiên bản năm 1979. Nhiều cây bút phê bình của các trang danh tiếng như Hollywood Reporter, Variety hay USA Today nghiêng về luồng ý kiến thứ hai.
Nữ đạo diễn nổi tiếng vì những bộ phim đa chiều gây tranh cãi Ảnh: Reuters
Cây bút Brian Truitt của USA Today nhận định: "The Beguiled không đủ gai góc để làm nên một bộ phim trả thù rùng rợn, càng không thể khiến khán giả nóng người...". Todd McCarthy của Hollywood Reporter thì nhẹ nhàng hơn: “The Beguiled cũng là một phim đáng được ghi nhận, nhưng thật nhạt nhẽo khi đem so với phiên bản kịch tính, nóng bỏng của Don Siegel cách đây 46 năm trước”. Trong khi Owen Gleiberman của trang Variety lại mập mờ: "Phiên bản 1971 có cốt truyện như phim khiêu dâm”, rồi thêm vào "Nhưng sau khi loại bỏ những chi tiết gợi dục trong bản phim trước, The Beguiled của Coppola chỉ còn là một bộ phim biếm họa không có sức nặng, pha thêm chút mùi chính trị".
Chưa kể, nữ đạo diễn 46 tuổi còn bị dư luận công kích khi cố tình loại bỏ nhân vật nàng hầu da màu trong câu chuyện gốc. Kẻ tố cáo cô kỳ thị chủng tộc, người lại gán cho The Beguiled cái mác phim “tẩy trắng” (whitewashing: tuyển diễn viên da trắng vào vai vốn không phải da trắng).
Dù vậy, phe ủng hộ Sofia Coppola vẫn khen ngợi cách tiếp cận mới lạ của cô. Trong thực tế, The Beguiled vẫn đạt số điểm 77 trên Metascore, 78% trên Rotten Tomatoes cùng nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Mới đây, cây bút Carrie Rickey trên trang Indiewire soạn hẳn một bài viết để “phản pháo” những vị trên, cho rằng bài phê bình của họ có mùi “bài trừ nữ quyền trong vô thức” và chỉ ra hàng loạt điểm không thuyết phục trong lập luận. Dù gì, con gái nhà làm phim huyền thoại Frank Coppola cũng đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 70, và The Beguiled được xem là một dấu ấn quyết định trong sự nghiệp của nữ đạo diễn 46 tuổi, đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của nữ đạo diễn Mỹ. 

tin liên quan

'The Beguiled' - Cuộc chiến khốc liệt từ một chữ tình
Ngoài yếu tố chuyên môn đã được các nhà làm phim thế giới dành nhiều lời khen, Những kẻ khát tình (tựa gốc The Beguiled) còn để lại dấu ấn ám ảnh với cách miêu tả cuộc xung đột tình ái chân thật, đầy tính nghệ thuật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.