Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 2: Dị nhân và ông bác vật

20/11/2013 09:00 GMT+7

Vùng Thất Sơn còn lưu truyền về sự biến đổi lạ thường của dị nhân Năm Cao, hay hang sâu huyền bí mang tên ông bác vật.

Vùng Thất Sơn còn lưu truyền về sự biến đổi lạ thường của dị nhân Năm Cao, hay hang sâu huyền bí mang tên ông bác vật.

>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 1: Con vua Quang Trung ở Thất Sơn ?

Dị nhân ở Nhà Bàng

 
Mộ dị nhân Cao Nhà Bàn - Ảnh: Thanh Dũng 

Ở thị trấn Nhà Bàng (H.Tịnh Biên, An Giang), người ta hay nhắc đến ông Cao Nhà Bàn, còn gọi là Năm Cao, là người dị tướng. Ông Lê Thanh Phong (55 tuổi, ngụ thị trấn Nhà Bàng) kể ông Cao Nhà Bàn tên thật là Lê Văn Thùy (sinh năm 1849, ngụ ở Tiền Giang), do vợ con bị dịch bệnh chết nên buồn rầu bỏ vào Thất Sơn. Ông Phong nói: “Ông nội của tôi là Lê Văn Sóc đã kết nghĩa huynh đệ cùng cụ Thùy nên tụi tôi gọi cụ là ông nội nuôi. Ông bà nội tôi kể, cụ Thùy lúc đó tướng mạo bình thường nhưng sau lần bệnh chết đi sống lại thì lạ làm sao, cơ thể ông biến đổi dài thượt, cao như người khổng lồ”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu và nhà nghiên cứu Liêm Châu đã sưu khảo các nhân vật kỳ lạ, đều đề cập đến dị nhân này. Cụ Hầu nay là người thiên cổ, còn cụ Liêm Châu năm nay đã bước vào tuổi 90. Cụ Châu kể, lúc đó do mê sưu khảo nên thời trai trẻ, cụ đã đến phần mộ cụ Thùy gặp các nhân chứng sống viết về cuộc đời kỳ lạ của cụ trong tập sách Biên Thùy truyện ký.

Các lão ông kể lại lúc cụ Thùy bắt được con cá trê vàng trên suối đem nấu với canh bầu ăn thì xảy ra chuyện lạ thường. Trước đó, cụ đã mắc trận mưa lớn nên ăn xong canh cá vàng thì ngã bệnh. Đến khi hết bệnh, cơ thể cụ như kéo giãn ra, cao hơn 2,75 m, sự lạ lùng này làm người xung quanh kinh ngạc. Do thấy cụ kỳ hình dị tướng lại hốt thuốc giúp người nên dân chúng rất hiếu kỳ đến xem và xin thuốc. Pháp tình nghi cụ phá rối trị an nên năm 1903 đưa cụ về Châu Đốc điều tra nhưng cho phép cụ được đi lại trong Châu Đốc. Lúc cụ dạo phố, người dân thấy người khổng lồ nên hiếu kỳ xúm lại hỏi chuyện, gây ách tắc đường nên cảnh sát đưa cụ về bót quản thúc. 

Năm 1904, chủ tỉnh Châu Đốc là Doceuil tổ chức hội thi “người khổng lồ” và cụ Thùy đoạt giải quán quân. Vì cụ ở Nhà Bàn (sau này đổi tên là Nhà Bàng), lại cao quá khổ nên người ta gọi là Cao Nhà Bàn. Lúc này, thấy dân chúng mến mộ cụ Cao nên Doceuil e ngại cho ngấm ngầm chích thuốc làm cụ tê liệt tứ chi rồi mới thả. Cũng chưa yên tâm, Pháp tiếp tục theo dõi, sau đó thấy cụ bại liệt nằm một chỗ mới thôi. Có lần Phó tham biện Châu Đốc và Chánh án Tòa sơ thẩm Châu Đốc tới thăm, buông lời khuyên cụ đi trị bệnh để họ đưa cụ đi thi người cao nhất thế giới. Cụ Cao bình thản đáp: “Nhờ mấy lọ thuốc nhiệm màu của các ông chích lúc trước mà tôi từ người khỏe mạnh đã thành bại liệt suốt 20 năm qua, ơn đức ấy còn hơn giam giữ tôi trong khám”.

Theo ông Phong, cụ Cao mất năm 1925, phần mộ chôn ở gần núi Trà Sư, lúc ấy là mộ đất, không để ngày tháng năm sinh hay mất, sau này mới xây lại mộ đá.

Ông Phong cho biết lúc sống cụ Cao không xỏ vừa các dép, guốc thường do đôi chân quá khổ nên hay đi chân trần. Khi cụ mất, do khổ người quá lớn nên không quan tài nào vừa.

Hang ông bác vật

Núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên) là ngọn núi cao nhất Thất Sơn, với chiều cao 720 m, có nhiều hang động sâu thẳm. Một trong những hang động còn lưu truyền sự bí ẩn là hang ông bác vật Lang với câu vè: “Đàn kêu tích tịch tình tang /Đố ai biết được trong hang là gì?/Đàn kêu tích tịch tì tì /Đố ai biết được cái gì trong hang?”.


Ngôi trường mang tên ông bác vật 

Ông bác vật Lang tên thật là Lưu Văn Lang, quê ở Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Nhứt Thống, Trưởng ban Tuyên giáo TP.Sa Đéc, Đồng Tháp kể cụ Lang xuất thân gia đình trung nông, năm 17 tuổi được học bổng sang Pháp du học. Năm 1904, cụ tốt nghiệp loại ưu, xếp thứ hạng 8/250 sinh viên du học ở Pháp. Pháp biết cụ giỏi muốn giữ lại nhưng cụ từ chối. Pháp muốn triệt tiêu ý chí, làm nhục cụ nên giao cụ xây dựng đường sắt xuyên Việt Nam - Trung Quốc, dù lúc này cụ mới bước qua tuổi 20. Họ muốn cụ chết ở môi trường khắc nghiệt hoặc nản do khổ cực mà quay lại cầu cạnh.

Ông Thống nói cái tên bác vật do người dân Sa Đéc kính trọng đặt, bởi cụ giỏi như bác học. Sau này, có nhiều nhà bác vật nhưng không tên tuổi nào qua được cụ Lang. Người già vùng An Giang, Đồng Tháp vẫn xem cụ như là nhân vật huyền thoại với biệt tài gõ đất. Họ kể cụ Lang cầm cây gậy ba toong gõ đất vài cái là biết vùng đó sẽ bị lở hay không mà khuyên người dân lo trước.

Như vùng đất Mũi Cần Dố ở Sa Đéc, cụ Lang xem xong nói nơi này bị sạt lở nặng. Người dân nghe, tin nhưng các quan chức Pháp cười cợt vì cụ Lang học ở Pháp thì tài năng không thể giỏi hơn kỹ sư của họ. Nhưng không lâu sau đất lở sâu vào cả chục thước nên người Pháp cũng rất nể cụ. Cụ Lang còn có tài gõ cầu, nghe tiếng dội lại biết cầu xây yếu chỗ nào nên Pháp nhiều lần mời cụ đến khắc phục. Vì cụ quá giỏi địa chất nên Pháp đã chỉ định cụ thám hiểm hang động trên núi Cấm với mục đích xem trong hang có khoáng sản, kho tàng như dân gian đồn đoán không.

Câu chuyện ly kỳ ấy được cụ Ba Lưới (98 tuổi, ngụ trên núi Cấm) kể lại. Do chưa biết miệng hang sâu thế nào nên đoàn người cột một con khỉ thả xuống hang nhưng kéo lên thì con khỉ biến mất. Đoàn người lấy làm lạ bèn cột con chó thả xuống nhưng chó cũng biến mất. Ai nấy hãi hùng, sợ sệt không biết dưới hang có bí ẩn gì nhưng cụ Lang vẫn điềm tĩnh buộc dây vào người chui xuống hang. Đoàn người thả dây quá cả trăm thước, họ cứ chờ đợi trong mỏi mòn lẫn lo sợ. Đến rạng sáng hôm sau mới thấy ông bác vật bò lên, hỏi có gì dưới đó, cụ không nói, chỉ ú ớ lắc đầu... Đến nay, chưa ai chui xuống thám hiểm hang động này nên bí ẩn trong lòng hang vẫn bao trùm cùng ông bác vật.

Cụ Lang rất có khí phách, làm cho Pháp nhưng lại chống Pháp đến cùng, tên cụ Lang được đặt tên đường và tên trường ở Sa Đéc. Ông Thống nói, hiện trong văn khố Pháp còn lưu giữ lại tư liệu cụ Lang, cho thấy họ cũng xem trọng cụ.

Thanh Dũng

>> Thất Sơn truyền kỳ - Kỳ 1: Con vua Quang Trung ở Thất Sơn ?
>> Thảo dược Thất Sơn - Bài 2: Dược liệu quý dần biến mất
>> Thảo dược Thất Sơn - Kỳ 1: Phố… thuốc núi
>> Tranh đá Thất Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.