Xóm trọ nghĩa tình

24/09/2019 09:02 GMT+7

Chẳng biết từ bao giờ tôi đã xem Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình và thật sự yêu mến thành phố này dù rằng đây không phải là nơi tôi sinh ra.

Tôi quê gốc ở Tây Ninh nơi nổi tiếng với đặc sản bánh tráng phơi sương, sinh trưởng trong gia đình thuần nông bản thân lại sống theo kiểu hướng nội nên chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có một ngày mình rời xa mảnh đất này để lập nghiệp ở một nơi khác. Nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ mà không thể đoán trước được. Năm 2012 cha mẹ ly hôn, tôi theo mẹ về ở bên ngoại một thời gian, thương ngoại gia cảnh nghèo khó hai mẹ con quyết định dắt dìu nhau lên Sài Gòn lập nghiệp và từ đây cuộc đời tôi bước sang một trang mới.
Những ngày đầu bước lên thành phố với tôi vô cùng khó khăn. Tôi phải từ bỏ tất cả mọi thứ dường như đã rất quen thuộc với mình từ nhà cửa, bạn bè, nương rẫy để tập quen với cuộc sống mới nơi phồn hoa đô hội. Xung quanh tôi mọi thứ đều mới mẻ và lạ lẫm từ cảnh xe cộ chạy tấp nập, dòng người chen nhau vội vã đến những tòa nhà chọc trời cao rộng lấp lánh ánh đèn màu…
Bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu, để ổn định cuộc sống hai mẹ con tìm một căn phòng trọ trên đường Phan Bội Châu để ở tạm với giá tầm 1 triệu. Phòng hơi nhỏ nhưng sạch sẽ, thoáng mát, lại gần trường học và chợ sẽ tiện cho mẹ buôn bán sau này.

Cửa đông chợ Bến Thành, TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Biết hoàn cảnh mẹ con tôi khó khăn cô chủ nhà và những người dân xung quanh thường xuyên giúp đỡ nhiều thứ từ nồi cơm, cái chén đến chiếc xe đạp để mẹ có phương tiện đi lại. Tôi từng nghĩ Sài Gòn rất khó sống và tồn tại nhưng chính nơi đây trong khu trọ nhỏ này tất cả mọi người điều xem nhau như một gia đình luôn vui vẻ, hòa đồng, quan tâm, giúp đỡ nhau, tình cảm ấy thật đáng trân trọng.
Với số vốn ít ỏi, mẹ quyết định mở một quán cóc ven đường để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mẹ nấu ăn rất ngon đặc biệt là món bánh xèo. Ngoài bánh xèo mẹ còn làm thêm gỏi cuốn, bánh tráng cuốn thịt luộc và nhiều món ăn vặt khác để bán. Tôi thường hay ra phụ mẹ từ bưng bê phục vụ, giao hàng đến quét dọn rửa bát...
Thời gian đầu quán còn hơi vắng khách vì chưa nhiều người biết đến nhưng lâu dần ngày càng đông, chủ yếu là các bạn sinh viên và dân văn phòng nhiệt tình ủng hộ mẹ con tôi. Đối diện quán là cửa đông chợ Bến Thành nên một số tiểu thương trong chợ cũng là khách ruột của quán, họ thường đặt bánh khi chợ vắng khách. Ai cũng tấm tắc khen ngợi bánh xèo của mẹ ngon, giòn và đúng vị miền Tây. Nhiều khách dù ở xa vẫn tìm đến ủng hộ hoặc đặt hàng giao tận nhà.

"Tôi nghĩ mình như đang được sống trong một gia đình thật sự, một tổ ấm nơi xứ lạ quê người..."

Ảnh: Ngọc Dương

Trời về khuya hai mẹ con lại ngồi ngắm phố phường con đường dài xe cộ đông đúc, dòng người hối hả người mua kẻ bán những tiếng rao gọi mời chào hủ tíu đê... xôi đậu xanh đê... của những cô bán hàng rong vang lên ồn ã mỗi đêm. Hôm nào các cô nghỉ bán không nghe nữa lại buồn, lại nhớ.
Thấm thoát đã 1 năm mẹ con tôi lên Sài Gòn và thuê trọ ở đây. Trong khu trọ nhỏ này cũng có nhiều chuyện vui buồn khó quên như hồi chị Ngọc trở dạ sinh nở, vợ chồng nghèo không có tiền thuê xe vào bệnh viện vậy là tất cả mọi người không ai bảo ai tự nguyện góp tiền giúp vợ chồng chị, tất thảy được hơn 2 triệu đồng.
Nhớ những mùa Sea Games hay World Cup, xóm trọ nghèo lại được dịp xôn xao khi cô chủ nhà trọ mang hẳn chiếc tivi 65 inch ra ngoài sân nhà để phục vụ mọi người thưởng thức những trận cầu nảy lửa. Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng cổ vũ rất nồng nhiệt.
Vì chỗ trọ gần chợ Bến Thành nên những lúc rảnh rỗi là cả xóm trọ gần 50 người lại rủ nhau đi chợ ăn chè. Mọi người quyết định chơi trội bao cả chiếc xe lôi chở trái cây của chú Tâm cho cả xóm đi chung. Những người dân lam lũ trong xóm trọ nghèo hôm ấy đặc biệt được tài xế chở bằng xe lôi trên đường phố Sài Gòn tấp nập. Mọi người vừa ăn vừa cười đùa thoải mái, khiến tôi nghĩ mình đang được sống trong một gia đình thật sự, một tổ ấm nơi xứ lạ quê người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.