Tìm một chốn bình yên

20/09/2019 06:55 GMT+7

Người Sài Gòn ai cũng có một góc cà phê quen thuộc trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Với tôi, đó là dãy quán ngay vòng xoay Hồ Con Rùa.

Thời gian biến chuyển sao dời, đến nay các quán vẫn hoạt động. Dù chủ quán thay đổi nhưng mô típ vẫn không khác nhau. Đó là những ly cà phê đen đá trong cửa kính đợi khách nhìn ra mặt hồ. Ngồi ở đây cho người ta cái cảm giác bình yên đến lạ.

Hồ Con Rùa

Ảnh: Hà Tiên

Ăn theo dãy quán này là một số quán ăn. Mỗi sáng, nhiều ông cha, bà mẹ cho con đến đây ăn sáng. Sau đó, họ tất tả đưa con đến trường và phải quay lại nơi này để thưởng thức những giọt cà phê sóng sánh rơi. Nhiều công chức thứ bảy và chủ nhật ở nhà, không đến đây lại nhớ cái không khí nhẹ nhàng, nắng thanh khiết trong mùa noel và xuân về. Nắng ở đây không hanh hao như ở ngoại thành, không có dáng vẻ tất bật, lam lũ của người lao động nên là dấu ấn đáng yêu mà ít nơi nào có được.
 Ngoài những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” hao như như ở Hà Nội với những ly cà phê sữa đậm chất Sài Gòn, ẩm thực của đô thị lớn nhất nước này cũng có nhiều điều đặc biệt. Người ta bảo rằng, ở Sài Gòn có phố.. hẻm, nghĩa là trong hẻm nhưng người dân bẫn uôn bán sầm uất, nhất là phục vụ ẩm thực cho “thượng đế”. Chẳng hạn, cạnh chân cầu Thị Nghè (nơi giáp ranh giữa Q.1 và Q. Bình Thạnh), có con hẻm số 2 Nguyễn Thị Minh Khai.

Du khách tham quan thành phố

Ảnh: Hà Tiên

Nơi đây, trước đây phục vụ món ăn cho rất nhiều thực khách gốc Bắc nhưng nay đã biến thành nhiều quán ăn, cà phê phục vụ cho du khách và người dân ba miền. Sài thành có rất nhiều hẻm…phố, phục vụ các món ăn. Tiêu biểu nhất là nằm dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai với đủ món ăn từ miền Bắc, miền Trung cho đến miền Tây. Đó là bún riêu, bún bò, bún mắm, hủ tiếu Nam Vang…Người Sài thành gốc không nhiều, chủ yếu là dân tứ xứ, mà người ta hay gọi là “liên hiệp quốc”. Bởi vậy nên thức ăn, đồ uống ở đây từ hẻm ra phố phải có đầy đủ khẩu vị thì quán xá mới tồn tại và kinh doanh phát đạt. Giữa lòng phố thị, người miền Trung thì thường có xu hướng dạt về thưởng thức quán xá các con hẻm nhỏ ở đường Lạc Long Quân, Bàu Cát… (Q. Tân Bình); người Bắc thường chọn quán ăn trong hẻm của các đường Phan Huy Ích, Quang Trung… (Q. Gò Vấp) vốn hình thành những khu xóm mới từ năm 1954, dần đông lên sau năm 1975.

Đồng hồ ở vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), chỉ cách ngã tư Hàng Xanh (Q. Bình Thạnh) khoảng 1 km

Ảnh: Hà Tiên

Món ăn quen thuộc nhất của người Sài thành ngoài hủ tiếu là còn có bún bò viên. Ngay cạnh ngã tư Bùi Thị Xuân – Tôn Thất Tùng, gần Bệnh viện phụ sản quốc tế (P. Bến Thành, Q1) ngày trước có một quán bún kiểu vậy. Nó truyền đời qua hai thế hệ, trước khi bàn giao mặt bằng cho một quán kiểu vậy nhưng của chủ khác. Còn quán “chân truyền” này thì dạt vào con hẻm cạnh đó. Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng (Q.1) ngày nào còn có phố bán thịt bò nướng lá lốt, hơn 20 năm rồi, nhiều gia đình đã sống bằng nghề này.
Ngoài quán ăn “hẻm trong phố” thì mặt tiền nhiều con đường cũng có nhiều quán xá rất nổi tiếng. Quán không lớn lắm nhưng thương hiệu đã vượt thời gian. Đường Bùi Thị Xuân (Q.1), phía đầu đường khi đêm về đã có quán A Bửu. Quán này có lâu đời nhưng thật sự náo nhiệt khi phục vụ dân chơi đêm. Cạnh khu bến xe dã chiến của đường Lê Hồng Phong (Q.5) thì có quán “ca 3”, chỉ dành cho những cuộc vui suốt sáng khi thực khách ở các quán khác bị mời khéo ra về vì quá khuya rồi.
Dưới những bóng cây cổ thụ của đường Pasteur (Q.3), lẫn trong ánh sáng hiu hắt của ban đêm là nhiều quán ăn đêm, vội vàng vài cái bàn nhựa nhưng từ lâu đã trở thành “dốc sương mù mới” của người Sài Gòn. Thực ra, địa danh “dốc sương mù” của “quận nhứt” bắt nguồn từ mấy quán lề đường, nằm cạnh bưu điện thành phố, trên vỉa hè đường Nguyễn Du với món chân gà nướng, khói than bốc lên nghi ngút. Giữa thời tiết se lạnh khi đêm về, nhất là vào dịp cuối năm, hình ảnh ấy được dân chơi đặt cho cái tên mĩ miều: dốc sương mù.

Ngã tư Hàng Xanh ngày nay

Ảnh: Hà Tiên

Sau này, ngoài quán xá của đường Pasteur thì dưới chân cầu Bông (Q. Phú Nhuận), dân chơi cũng đặt cho mấy quán này là “dốc sương mù 3”. Ở khu vực này, lâu đời nhất là quán Mười Trí với món bò nhúng dấm nức tiếng. Vài năm qua, dọc bờ kênh Thị Nghè đi qua các quận: 1,3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, được cải tạo và làm lại, nước đã xanh trong thì quán xá cũng mọc lên nhan nhản, đây là bãi đáp lí tưởng cho nhiều thực khách muốn xả xì trét sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Khi đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận: Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức thông tuyến, dẫn vào sân bay, quán xá lộng gió cũng nô nức không kém. Nó trở thành điểm hẹn của nhiều người trong các dịp cuối tuần hay đêm về...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.