Thương nhớ tiếng rao

04/11/2019 08:00 GMT+7

Sài Gòn, hai chữ thân thương giờ đây đối với tôi không chỉ có một tình yêu thương đong đầy mà tôi xem mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình.

Tôi không phải là người con của vùng đất Sài Gòn “chính gốc”, tôi từ dải đất miền Trung đầy nắng gió vào Sài Gòn lập nghiệp. Nói chính xác hơn, tôi từ một miền quê nghèo khó của tỉnh Quảng Ngãi vào Sài Gòn học tập và lập nghiệp hơn 20 năm qua. Sài Gòn, hai chữ thân thương giờ đây đối với tôi không chỉ có một tình yêu thương đong đầy mà tôi xem mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình.
Thú thật, xa Sài Gòn độ chừng đôi ba ngày trong tôi lại rạo rực, dâng lên nỗi nhớ da diết. Tôi nhớ nhịp sống vội vã, ồn ào của người Sài Gòn, nhớ từng những con hẻm, góc phố, con đường mà mình đã đi qua bởi lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Tôi nhớ và trân quý tính hào sảng, tấm lòng hào hiệp và rộng lượng của người Sài Gòn.
Đặc biệt, tôi nhớ và thích nghe âm thanh của những tiếng rao… nghe như “lạc lõng” trên phố chiều, nghe như “quê mùa” nhưng đối với tôi có thứ gì đó dường như đặc biệt và vô cùng ấm áp, đầy tha thiết phát ra từ những vành môi của những người chị, người mẹ nghèo tha hương, xa quê từ miền Trung hay các vùng miền khác, bon chen” đến với mảnh đất Sài Gòn vì cuộc sống mưu sinh, vì “chén cơm manh áo”.

Lối vào một chung cư cũ ở Quận 5, TP.HCM

Ảnh: Khả Hòa

Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường hay có có thói quen tản bộ một mình hàng giờ đồng hồ, lang thang trong các ngõ ngách của hẻm phố Sài Gòn quen thuộc. Tôi thích nhìn ngắm những gánh hàng rong lang thang trên những con phố Sài Gòn trên đôi bờ vai gầy guộc của những người mẹ, người chị. Tôi thích nhìn và lắng nghe từ vành môi của họ phát ra những tiếng rao nghe thân thương, quen thuộc. Tôi cũng thích “lân la” làm quen và ngồi bên những gánh hàng rong trò chuyện hàng giờ với những người mẹ quê nghèo khó, tần tảo.
Có điều thật kỳ lạ, tôi thích nghe những tiếng rao, những thứ âm thanh như ru ngủ lòng người (theo cảm nhận của riêng tôi) vào những lúc Sài Gòn yên tĩnh, khuya khoắt hoặc những lúc mưa đêm rả rích, tí tách canh thâu… Lúc đó, tôi có cảm nhận dường như vào những khoảnh khắc ấy, tiếng rao dường như trĩu nặng hơn, buồn hơn và cũng đầy tha thiết, khắc khoải hơn. Những tiếng rao “khàn khàn” cổ họng nghe quá quen thuộc mỗi đêm “Ai ăn hột vịt lộn nóng hông?”của chị Hồng (quê tận Phú Yên), “Ai ăn bánh bao nóng hông?” của chị Sen (quê tận miệt vườn Bến Tre)…là thứ âm thanh cuộc sống, của những cuộc mưu sinh đầy vất vả, tảo tần và cũng đầy gian nan của những người mẹ, người chị và cũng là nét đặc trưng của Sài Gòn về đêm trong những con hẻm…
Bao nhiêu tiếng rao trên những đôi quang gánh hàng rong thân thương, “quê mùa” ấy là có bấy nhiêu hoàn cảnh, những phận đời. Mang theo nó là cả những niềm mong ước, niềm hi vọng của những người mẹ, người chị muốn được “đổi đời”, con cái được nên người và thành đạt ở Sài Gòn. Thật vậy, đã có biết bao nhiêu số phận con người, họ có thể là những kỹ sư, bác sĩ, là những luật sư giỏi nghề đã trưởng thành, thành đạt nhờ những đôi gánh hàng rong cùng tiếng rao khàn đến rát khô cả họng của mẹ ở các hẻm phố Sài Gòn vào những đêm mưa rả rích, tí tách canh thâu đó.

Đã có biết bao nhiêu số phận con người, họ có thể là những kỹ sư, bác sĩ, là những luật sư giỏi nghề đã trưởng thành, thành đạt nhờ những đôi gánh hàng rong

Ảnh: Ngọc Dương

Nơi tôi thuê trọ trước đây trong một con hẻm nhỏ đường Lạc Long Quân, Tân Bình cũng có nhiều người mẹ quê nghèo từ miền Trung hay miền Tây đến Sài Gòn mưu sinh. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Như hoàn cảnh của cô Huệ (quê tận Quảng Ngãi) vào Sài Gòn mưu sinh với gánh đậu hủ nóng cùng với tiếng rao khàn khàn đậm đặc đã mười mấy năm. Cô có khuôn mặt hiền từ nhưng gầy gò và đầy khắc khổ vì dãi dầm sương gió. Ấy vậy mà cũng nhờ gánh tàu hủ nóng cùng tiếng rao quen thuộc vào mỗi trưa hay chiều mà cô đã nuôi 2 người con ăn học nên người và thành đạt (người là kỹ sư, người là luật sư). Có lần tôi hỏi vui về “của để dành” của cô sau khi vào Sài Gòn “lập nghiệp”. Cô cười giòn tan và chỉ nơi góc phòng trọ ẩm mốc tấm ảnh 2 con tốt nghiệp đại học,cô bảo đó là của để dành của một đời cô với đôi quang gánh đậu hủ nóng. Hiện cô không còn bán đậu hủ nóng nữa vì hai con cô đã thành đạt, cô chỉ việc ở nhà nghỉ ngơi.
Chiều cuối tuần, tôi lại có thói quen tản bộ, lang thang trong các ngỏ hẻm quen thuộc của phố Sài Gòn, từ một dãy trọ lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh vào những thập niên 1990 vang lên :“Có tiếng rao nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao. Có tiếng rao ngơ ngác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao. Có phải chị tôi ra đi từ chốn quê nghèo. Có phải mẹ anh bôn ba từ miền trung xa xôi…”. Tôi cố nán lại chút xíu để nghe trọn lời bài hát.
Cảm ơn Sài Gòn, mảnh đất mà tôi yêu thương. Tôi đã trưởng thành, thành đạt từ đôi quang gánh hàng rong cùng tiếng rao của mẹ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.