Thức cùng đôi bờ sông Tắc

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
30/11/2019 07:00 GMT+7

Đêm. Những tiếng côn trùng chạy đuổi bắt nhau theo cơn gió sông lùa, dường như đã lùi vào một cõi rất xa nào đó. Bởi đôi bờ sông Tắc không còn như dạo ấy. Những chuyến xe chở vật liệu xây dựng rầm rập ngày đêm, để bật dậy những dự án vốn nằm yên khá lâu. Không khí thị thành đã phả đến nơi này sau nhiều năm tôi trở lại...

Câu chuyện ngày cũ

Một ngày, tôi xách chiếc xe Cub cánh én đã hơi cũ chạy lọc xọc từ văn phòng kiến trúc sư trưởng ở số 60 Trương Định (Q.3, TP.HCM), xuôi theo đường Điện Biên Phủ rồi băng qua xa lộ Hà Nội ra ngoại thành để tìm đến một khu vực vừa có thông tin quy hoạch. Đó là năm 1998. Nơi tôi tìm hiểu là dự án Khu du lịch sinh thái Vườn Cò, thuộc địa bàn Q.9.
Là bởi, vừa chạm mặt ông Kiến trúc sư trưởng thành phố Lê Văn Năm tại cơ quan, qua vài câu thăm hỏi, ông cho biết vừa mới họp xong với Q.9 để quy hoạch khu du lịch sinh thái. Nghe ông diễn tả với chất giọng rất truyền cảm và cuốn hút về dự án này, biết được vài thông tin cơ bản, tôi xách xe đi ngay. Ông Năm nói rằng với khu du lịch sinh thái này, thành phố sẽ có một điểm đến sinh hoạt dã ngoại rất hay cho bà con nội thành vào dịp cuối tuần. Vì vậy, muốn có bài viết theo quá trình diễn tiến của dự án phải xuống đến nơi “nắm bắt” trước một chút.
Chạy xe theo xa lộ Hà Nội, rẽ phải theo đường Nguyễn Thị Định rồi vòng theo Nguyễn Duy Trinh, rẽ phải chạy một đoạn nữa, tôi gặp cây cầu Trường Phước bắc qua một con sông rộng, hai bên dừa nước um tùm. Hỏi người dân địa phương, họ cho biết đây là sông Tắc, một chi lưu của đoạn hạ nguồn sông Đồng Nai chảy về. Lan man mấy câu, tôi được biết lúc này mỗi công ruộng (1 sào, 1.000 m2) ở ven bờ sông này được rao bán khoảng 5 - 7 chỉ vàng. Ấy là ở đoạn thuộc xã Long Phước hoặc P.Trường Thạnh, còn cứ đi ngược lên phía Q.2, càng gần giáp với P.Bình Trưng Đông, thì giá đất ruộng nhỉnh hơn một ít (vào khoảng 1 cây vàng). Chẳng hạn như ở P.Phú Hữu, nơi có vị trí đẹp là 1 - 1,2 cây vàng/công. Giữa cơn gió bời bời thổi ven bờ dừa nước, người nông dân nói với tôi: “Nếu chú mua thì tui để lại 2 công giá 1,5 cây, sau này cất cái nhà vườn là đẹp”.
Thời điểm này, các dự án hạ tầng giao thông đang manh nha và thông tin về việc phóng đường như thế nào, sẽ chạy qua đâu và dài rộng bao nhiêu vẫn đang trên bàn các vị lãnh đạo, chưa được chính thức tiết lộ. Nên thông tin về các tuyến đường này rất được săn đón. Nhưng cũng đã có một số người đổ về đây mua đất đón đầu, có thể là hợp vốn mua hàng chục công đất để sau này làm dự án, hoặc cũng có thể đầu tư để đó, sau được giá thì bán lại. Bắt đầu cho một “hành trình” xâm nhập của thị trường bất động sản đến chốn ruộng vườn sông nước nơi đây!
Thức cùng đôi bờ sông Tắc1

Đất đã lên đời

Ngày 25.11, tôi đi xuyên suốt từ Q.2 băng qua Q.9. Con đường Nguyễn Duy Trinh vốn đã chật hẹp bây giờ lại càng chật hơn. Trong nắng, bụi mờ mờ, thấp thoáng nhiều dự án cao ốc nghễu nghện chọc thẳng lên trời. Xuôi qua các phường Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh, tôi dừng xe bên bờ sông Tắc, hình dung lại đã từng có một đêm ngồi với bà con khiếu nại giá đền bù đất thuộc dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Quốc gia TP.HCM có quy mô 80 ha. Đêm ấy rất khuya, vị phó giáo sư của một bệnh viện lớn trong thành phố và một số thầy cô giáo của vài trường học nội thành ra đây mua đất lập vườn, tỏ bày với tôi vô vàn bức xúc vì giá đền bù quá rẻ. Nhưng cái chính là ước vọng có một mảnh vườn bên bờ rạch Bà Cua, một nhánh của sông Tắc của họ, đã tan tành mây khói.
Bây giờ thì đất nền ở vài dự án thuộc Q.9 đã vọt lên với giá 25 - 40 triệu đồng/m2 tùy khu vực. Nhưng tôi khá chú ý đến cái sự bỏ tiền ra mua căn hộ của nhiều gia đình để dời về đây sinh sống. Một vùng đất vốn là ruộng đồng, nay nhiều nơi đã xây dựng lên các tòa nhà nguy nga tráng lệ. Ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP An Việt Real, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực bất động sản suốt 20 năm qua, cho biết: “Mức giá căn hộ một số dự án ở Q.9 tính từ năm 2017 đến nay tăng từ 12 - 28%. Cá biệt, với một vài dự án tiện ích đầy đủ, mật độ xây dựng thấp, tạo nên không gian sống chất lượng cho cư dân, thì mức tăng có thể lớn hơn nữa”. Ông Đạt dẫn chứng: “Ví dụ như theo khảo sát thị trường của chúng tôi, dự án Flora Kykio của Công ty Nam Long trong 2 năm qua tăng từ 25 triệu lên 31 triệu đồng/m2. Hoặc dự án Jamila của Công ty Khang Điền cũng trong khoảng thời gian ấy tăng từ 22 triệu lên 30 triệu đồng/m2 (27%). Nhìn tổng quan khoảng 10 dự án có sức hút lớn, thì giá căn hộ chung cư tại Q.9 so với nhiều khu vực khác trong thành phố có mức tăng khá lớn, dường như đột biến trong năm nay, vì năm 2019 rất ít dự án ra hàng, trong khi nhu cầu ngày càng lớn…”.
Rẽ chuyện một chút, trong khi phía bên kia khu vực Rạch Chiếc, xuôi về khu công nghệ cao, khát vọng hình thành nên các cụm đô thị của các chủ đầu tư vẫn đang mắc phải những vụ thanh tra lùm xùm, vì người dân khiếu nại đền bù giải tỏa, thì phía khu vực ven bờ sông Tắc vẫn có vẻ êm đềm. Mới hôm kia đây, đọc bài báo phỏng vấn một chuyên gia quy hoạch có tựa đề Ba quận phía đông TP.HCM sẽ là “thành phố trong lòng thành phố”, tôi liên tưởng đến Q.9 sẽ là một đoạn khúc quan trọng trong cái trục “liên kết” với vùng kinh tế trọng điểm của Đông Nam bộ. Ở bài báo trên, ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch tham gia ý tưởng và thiết kế đồ án, đã nói một câu tôi rất tâm đắc: “Khó khăn lớn nhất đang bao trùm hiện nay là sự thiếu vắng một chiến lược tổng thể dành cho phía đông TP.HCM. Quy hoạch của các quận hiện nay vẫn chỉ được thực hiện riêng rẽ như các khu vực độc lập”. Như vậy, tình trạng “rời như cơm nguội” hiện tại, mà tôi cũng nhận thấy như thế, liệu có được cải thiện trong một bối cảnh “mạnh ai nấy phát triển” hay không, thì vẫn phải chờ đợi và hy vọng đồ án “thành phố sáng tạo phía đông” hóa giải!
Thức cùng đôi bờ sông Tắc2

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Vĩ thanh

Quận 9, suốt 20 năm qua vẫn là một vùng đất mênh mông cho phát triển, đã góp phần giải tỏa được phần nào áp lực về tăng dân số cho TP.HCM. Trong khi khu vực phía nam thành phố không còn nhiều đất, thì việc xác định những lợi thế chiến lược đi sau, đúc rút kinh nghiệm phát triển của các vùng đất khác trong thành phố để vươn lên, là một hướng đi khó cưỡng. Suốt bao năm đi về, lăn lộn thao thức cùng với những người dân nơi đây, tôi vẫn hằng mong họ sẽ đổi đời nhờ vào những quyết sách của lãnh đạo thành phố. Thì nay, sự hiện diện của hàng loạt dự án đã khẳng định rằng vùng đất này đang trên đà phát triển, mà như lời một chuyên gia địa ốc là “sẽ có những chuyển động dữ dội ở khu vực phía đông” trong một lần trà dư tửu hậu mới đây. Song, những cư dân vẫn sống và tồn tại ngàn đời ven những bờ dừa nước um tùm ven sông Tắc thụ hưởng được bao nhiêu phần trăm trong sự phát triển ấy, thì cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào để biết rõ được.
Thành ra, những dự định và ước vọng của người dân vốn sống bao đời với ruộng đồng Q.9 vẫn lơ lửng đâu đó. Nhưng với tôi, niềm tin của một đêm nào đó hơn 20 năm trước ngồi trước cơn gió ven sông, vẫn cứ tồn tại. Nó như một “liều thuốc” cho tất thảy những ai vẫn tin tưởng vào một sự đổi thay lớn lao hơn nữa cho vùng đất phía đông này, nơi có chiếc cầu Trường Phước vốn vẫn vững chãi qua bao thăng trầm, nối đôi bờ Trường Thạnh - Long Phước qua con đường Long Thuận, bây giờ vẫn đang còn nhỏ hẹp, mai này sẽ rộng dài hơn!
Quận 9 có diện tích tự nhiên 114 km2 trên tổng số 2.095 km2 của TP.HCM, đứng thứ 2 sau H.Bình Chánh. Là một quận có quy mô dân số 397 ngàn dân, gồm có 13 phường, 227 con đường có tên và là quận duy nhất ở TP.HCM sở hữu lượng đất nông nghiệp và đất đầm lầy nhiều. Có gần 20 dự án khu đô thị, 13 chiếc cầu lớn bắc qua các con sông hoặc kênh rạch rộng và có nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung ở Khu công nghệ cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.