Sài Gòn trong tôi

23/11/2019 14:40 GMT+7

Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi cũng như một số bạn trẻ cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở phía Bắc được phân công vào Sài Gòn công tác.

góc nhìn nào đó, chỉ những người cùng thời mới thấu hiểu sâu xa sự háo hức của cậu sinh viên mới ra trường, từ một vùng miền thời bao cấp.
Sự háo hức đó chính là hàng hóa. Từ rau, củ, quả, đồ ăn thức uống đến đồ chơi trẻ em, những con búp bê dễ thương, phụ tùng, săm lốp xe đạp, xe Honda, những chiếc đài (Radio) nhỏ chạy bằng pin, hay máy nghe nhạc chạy băng được bày bán rất phong phú, tự do, thoải mái. Đáp ứng rất thiết thực nhu cầu làm quà của thế hệ chúng tôi, mỗi lần-được mang tiếng từ Sài Gòn về quê nghỉ phép.

Cái sự thân thiện, chân tình, hào sảng được biểu hiện ở nhiều chốn, nhiều nơi

Ảnh: Gia Khiêm

Những năm đó, tôi và một anh bạn cùng độc thân, ở tập thể trong khuôn viên một trường dạy nghề. Chỉ có hai anh em nên chúng tôi tự nấu ăn cho… hợp khẩu vị ở quê! Nhớ một lần, vào buổi sáng chủ nhật tôi đi mua đồ về nấu ăn, vừa nhấc hàng lên xem và hỏi giá, khi nghe chị bán hàng trả lời, tôi lại đặt xuống , khẽ gật đầu có ý chào chị rồi toan bước đi sang hàng khác thì nghe chị gọi lại: Cậu gì ơi! Cậu trả giá đi, được thì chị bán cho. Tôi thật tình: Em sợ không đủ tiền mua thứ khác. Thì chị nói ngay: Vậy cậu cứ trả giá đi, trả chị …1 đồng cũng được! Mãi sau này, tôi mới biết, đây là văn hóa bán, mua của người Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng.
Thời gian trôi đi, khi cảm nhận được cái tình của người Sài Gòn, tôi đã tự nhiên hơn trong sinh hoạt, nhất là khi cần mua một vài thứ đồ. Từ buôn thúng bán bưng cho đến các sạp hàng, cửa hàng, tôi luôn nhận được những câu nói, lời mời rất thực lòng: cậu (chú, anh…) cứ lựa kỹ, xem tự nhiên… không mua cũng được!
Cái sự thân thiện, chân tình, hào sảng được biểu hiện ở nhiều chốn, nhiều nơi. Từ ly cà phê vỉa hè cho đến những cuộc chung vui. Dù xa lạ, nhưng chỉ cần anh bạn giới thiệu là bạn của ảnh, thế là chúng tôi được hội nhập một cách rất tự nhiên như đã quen biết từ lâu, không xa lạ, khách sáo.
Tôi nhớ mãi, khi mới được lên thành phố học, cứ nghe đâu đó câu nói diễn tả đúng tâm can của mình: ngô nghê như nhà quê ra tỉnh! Vậy mà khi được đặt chân vào Sài Gòn lạ lẫm, đông đúc, náo nhiệt, tôi lại thấy mình được đón nhận một cách rất gần gũi, chân tình, từ việc hỏi thăm đường, đến trả giá một cuốc xe ôm, một món hàng như nhiều bạn đã nói.

Ngoài những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người tạo nên như phong cảnh, kiến trúc thì cái tâm và sự thân thiện, chân tình đã tạo nên một thương hiệu cho Sài Gòn

Ảnh: Ngọc Dương

Năm tháng trôi đi, với sự đón nhận chân tình, chúng tôi cũng trở thành người Sài Gòn lúc nào không hay. Mới đây, hai vợ chồng chú bạn thuộc lứa đàn em cùng các cháu có việc về quê. Thời gian chắc chỉ khoảng hai tuần, đã thấy alô mời đàn anh là tôi ra quán cà phê. Tôi hơi ngạc nhiên thì được chú em trần tình: Công việc ở quê đã xong, vợ chồng, con cái cũng đi chơi, thăm hỏi bà con nội, ngoại, hàng xóm gần gũi, gặp gỡ bạn bè rất vui vẻ, cảm động. Tuy đã lâu không về quê chơi, nhưng cô chú và nhất là các cháu dù đang trong thời gian nghỉ hè cứ nhắc nhở đòi về vì nhớ… Sài Gòn.
Ngoài những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người tạo nên như phong cảnh, kiến trúc thì cái tâm và sự thân thiện, chân tình đã tạo nên một thương hiệu cho Sài Gòn: Thành phố tôi yêu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.