Sài Gòn, tình yêu của tôi!

29/09/2019 08:00 GMT+7

Khi còn nhỏ, sống ở miền quê, Sài Gòn đọng lại trong tâm trí tôi là hình ảnh những ổ bánh mì thơm nức mùi bơ mà chỉ khi nào có bà con ở Sài Gòn về thăm, chúng tôi mới được ăn…

Hồi ấy, bánh mì Sài Gòn là thứ quà xa xỉ đối với những đứa trẻ nhà nghèo như chúng tôi.
Rồi tháng 9 năm 1992, cô gái 17 tuổi khăn gói lên Sài Gòn học đại học. Sài Gòn vô cùng xa lạ, xe cộ ngược xuôi, nhà cao tầng san sát…Hàng ngày tôi đạp xe từ ký túc xá Lê Văn Sỹ qua con đường Trần Quốc Thảo rợp bóng cây xanh, vòng ra đường Nguyễn Thị Minh Khai, quẹo bùng binh rồi rẽ vào đường Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương.
Những buổi tối, chúng tôi rủ nhau ăn chè bưởi Kỳ Đồng.Thỉnh thoảng, những buổi trưa nắng, từ lan can ký túc xá nhìn xuống thấy nhà thơ Bùi Giáng mang vác đủ thứ lỉnh kỉnh đi trên đường. Lâu lâu thấy hoa hậu Lý Thu Thảo từ trong hẻm đối diện đi ra là chúng tôi trầm trồ khen ngợi.

Ngày nhận giấy tờ nhà và hộ khẩu ở thành phố, tôi thấy mắt mình cay cay

Ảnh: Độc Lập

Cứ thế, ngày lại tháng qua, Sài Gòn trở nên thân quen vô cùng. Cứ về quê là nhớ, muốn mau mau hè qua để trở lên Sài Gòn. Để rồi, như một cái duyên, cái nợ, ra trường, không xin được việc ở quê, tôi lại tá túc ở Sài Gòn. Những buổi tối đi dạy kèm, trời mưa tầm tã, nước mắt hòa lẫn với nước mưa vì xót xa, tủi phận, nhìn sang bên cạnh có bác xích lô đang gò lưng chở khách cũng thấy an ủi phần nào.
Và cũng chính những buổi tối đi dạy về khuya mà tôi gặp anh, một sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế nhưng thất nghiệp. Chúng tôi đồng cảm, chia sẻ cho nhau vui buồn, cùng nhau hướng về một tương lai tươi sáng. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của anh “ Ở Sài Gòn này mình không có cục đất để chọi chim”. Ước mơ của hai đứa là có việc, có nhà rồi cưới nhau và lập nghiệp tại Sài Gòn.
Nhưng những khó khăn đã làm anh mất hết kiên nhẫn, anh đã rời Sài Gòn về quê cưới một người con gái giàu có để ổn định cuộc sống. Tôi thì chuyển nhà trọ liên tục, từ Bình Thới, Lãnh Binh Thăng, Vĩnh Viễn, Hòa Hảo… May là sống chung với mấy đứa bạn nên chúng tôi cố gắng học thêm và làm thêm thật nhiều để tìm niềm vui.
Có thể nói, Sài Gòn đã cho tôi quá nhiều thứ. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, những nụ cười, ánh mắt thân thương của những người mà tôi đã gặp, một công việc ổn định, một căn nhà nhỏ trong một con hẻm chằng chịt mà mấy người bạn đến chơi lần nào cũng lạc.
Ngày nhận giấy tờ nhà và hộ khẩu, tôi thấy mắt mình cay cay.Tôi đã trở thành công dân Sài Gòn chính hiệu rồi. Thật tự hào và hãnh diện làm sao! Nhưng cũng xót xa vì không có anh bên cạnh để chia sẻ niềm vui với tôi. Anh đã xa tôi rồi, chỉ có Sài Gòn là chung thủy và bao dung, che chở và chờ đợi tôi.
Tôi chứng kiến bao sự đổi thay của Sài Gòn.Từ những cây cầu, từ những tòa nhà cao tầng… Tôi thuộc nhiều bài hát về Sài Gòn, đi đâu cũng ngâm nga: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi… Năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, đóng cửa nhà về thăm quê, hơn 2 ngày là thấy nhớ da diết, muốn trở lên ngay dù cái nhà mình chỉ bằng cái phòng của nhà người khác. Nhớ tha thiết cái tiếng rao của bà bán xôi sáng, tiếng kéo cửa nhà bà bán bánh ướt, rồi nhớ cả những tiếng chửi nhau của nhà bà Năm kế bên, nhớ con chó Mực tối tối cứ ra đầu hẻm đứng tè bị dì Hai đánh la oẳng oẳng…

Sửa nón bảo hiểm miễn phí, phát bánh bao, bánh mì hay quần áo cho người nghèo là hoạt động thiện nguyện không còn lạ với người dân thành phố này

Ảnh: Vũ Phượng

Cứ thế mà từ ngày này sang ngày khác, tôi yêu Sài Gòn bằng một tình yêu không định nghĩa được. Tôi yêu Sài Gòn vì cái tình người, vì những mối quan hệ mà tôi có được trong suốt bao nhiêu năm. Tôi thấy ấm lòng khi buổi tối đi dạy về nhìn thấy một cặp nam nữ dừng xe trên cầu Chữ Y phát bánh bao cho người nghèo. Tôi ngưỡng mộ khi thấy em sinh viên chạy xe Grab kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi xúc động khi thấy trời mưa ngập nước có mấy em trai ngồi chùi xe cho các cô các chị mà không lấy tiền công…
Và mỗi khi lên lớp giảng bài, tôi thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện về cái tình người nơi đây.Đó là cửa hàng quần áo 0 đồng trên đường Lê Văn Sỹ, là dĩa cơm 2.000, là thùng trà đá miễn phí, là thùng bánh mì từ thiện… Yêu biết bao này và cũng tự hào khi thành phố ngày một thay da đổi thịt, hiện đại hơn, văn minh hơn.
Tôi không đóng góp gì nổi bật cho thành phố nhưng tôi tin rằng, trong mỗi tiết giảng của tôi, học sinh sẽ thêm yêu và tự hào về thành phố mà chúng ta đang sống. Và tôi sẽ bồi đắp cho các em tình yêu quê hương đất nước, thúc đẩy khát vọng vươn lên cho các em thông qua những câu chuyện về chính cuộc đời tôi, cuộc đời bạn tôi, những người đã ra đi từ bờ tre gốc rạ, được thành phố cưu mang và giờ đây đang thầm lặng góp công vào việc xây dựng thành phố thân yêu này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.