Sài Gòn ký ức không quên!

21/01/2020 14:00 GMT+7

Cả một quãng đời thơ ấu của tôi gắn liền với Sài Gòn, cho đến bây giờ đã hơn 40 năm rời xa thỉnh thoảng trở lại chốn cũ có những hình ảnh mà tôi không bao giờ quên.

Tôi học từ lớp năm đến lớp nhứt (từ lớp một đến lớp năm bây giờ) tại trường Tiểu học Thánh An Na; đối diện xưởng đóng tàu Ba Son. Lên đệ thất (lớp 6) tôi thi đậu vào trường Trung học Nguyễn Trãi ở quận 4 và theo học đến ngày 30/4/1975.
Vào thời điểm trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không khí Sài Gòn như một lò lửa, tin tức chiến sự dồn dập đưa về toàn là chuyện thất thủ chỗ này, chỗ nọ. Ba tôi là công chức thuộc Sở Hàng hải Hỏa xa Việt Nam, má tôi buôn bán lặt vặt loanh quanh trong xóm, ông anh thứ hai đang đi học chưa tới 18 tuổi nên sự khốc liệt của chiến tranh tôi vẫn chưa cảm nhận được một cách cụ thể. Ngay cả chuyện ông anh cô cậu của mình tự hủy hoại thân thể để khỏi phải đi lính tôi cũng không thể lý giải một cách ngọn nguồn.
Một lần tôi được dự đám tang người anh cùng xóm trên nghĩa trang Cộng hòa trở về, khi chứng kiến hình ảnh người con gái trong chiếc áo dài trắng muốt, chiếc khăn tang trên đầu cũng trắng một màu tang tóc. Chị lả người, mềm oặt trong vòng tay của cô em gái “Trời ơi! Chúng tôi yêu nhau mà…”. Câu nói ấy được lặp đi, lặp lại bằng cái giọng khản đặc nước mắt, đau xót đến buốt lòng. Những chiếc quan tài bọc kẽm từ chiến trường đưa về lần lượt hạ huyệt, một tấm “dal” xi măng khô cứng, lạnh ngắt lấp lại chia cắt.
Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Ai đã gây ra chiến tranh? Ai gây ra cảnh chia lìa giữa hai người yêu nhau một cách tàn nhẫn đến như vậy? Còn tôi, vài năm nữa nếu thi rớt tú tài sẽ phải đi lính, sẽ cầm súng bắn vào người khác ư? Tại sao…?”.
Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp thì cái ngày cuối cùng ấy đã đến. Trưa ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cái xóm nhỏ nằm ven sông Sài Gòn phía bên kia cầu Tân Thuận mà người ta hay gọi là phao 13, Thủ Thiêm nơi gia đình tôi đang sống gần như náo loạn. Tiếng người gọi người ơi ới, tiếng đò máy nổ đinh tai, họ xô đò chạy sang mấy kho hàng bên kia sông hôi của. Hai người lính chạy bán sống, bán chết trên chiếc Honda 67 từ hướng Cát Lái lên vứt xe chỏng trơ bên đường rồi lẫn mất. Người trầm tĩnh hơn thì rì rầm trò chuyện, dường như họ đang nói đến một điều gì đó rất đáng sợ.

Cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc là hết sức thiêng liêng và việc hy sinh đời mình cho tổ quốc cũng là con đường tất yếu của tất cả những người yêu nước

Ảnh: Ngọc Dương

Khoảng hơn ba giờ chiều, tôi và mấy đứa bạn cùng lứa đang ngồi vẩn vơ trước cửa nhà thì có tiếng ai đó kêu lên: “Việt cộng” kìa! Người lính “Việt cộng” mà tôi gặp lần đầu tiên ấy đi lên từ hướng sân banh cuối xóm. Ông ta chỉ có một mình, chắc khoảng ngoài 50 tuổi, bộ đồ màu rêu đã bạc; chiếc nón ông ấy đội và đôi dép có mấy chiếc quay thắt chéo màu đen rất lạ. Ông cầm trên tay mình một khẩu súng ngắn nhưng lại cầm ở phần nòng súng chứ không phải báng súng như người ta thường thấy. Tôi đã hết sức ngạc nhiên và không hiểu tại sao ông ta làm như vậy. Mãi cho đến nhiều năm sau này khi đã là một người lính “bộ đội cụ Hồ”, đã hiểu thế nào là chính nghĩa hay phi nghĩa của việc cầm súng tôi mới tự mình lý giải được. Còn lúc ấy tôi chỉ biết hồi hộp, nhịp tim tôi đập dồn dập theo từng bước chân của ông ta. Tôi sợ sẽ nghe một tiếng súng nổ và ông ấy sẽ ngã xuống. Xóm tôi có rất nhiều người đi lính mà toàn là các binh chủng thứ dữ như Biệt động, Nhảy dù, Biệt kích… Có lần tôi đã chạy trối chết vì một đám đánh nhau mà lựu đạn, súng ống đủ loại đều được mang ra thị uy.
Vậy mà, đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Ông ấy điềm tĩnh và thong thả bước sâu vào trong xóm. Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi ngồi, ông mỉm cười và lên tiếng: “Chào các cháu” bằng giọng nói của người miền Bắc. Trong mắt nhìn của tôi lúc bấy giờ ông ta như một người anh hùng trừ gian diệt bạo. Một mình một ngựa đơn thương độc mã đi vào chốn hiểm nguy cứu giúp dân lành.
Sau này, khi đã lớn hơn, đã hòa nhập vào cuộc sống mới tôi hiểu ra nhiều điều. Cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc là hết sức thiêng liêng và việc hy sinh đời mình cho tổ quốc cũng là con đường tất yếu của tất cả những người yêu nước.
Đã hơn bốn mươi năm kể từ ngày ấy, tôi giờ tóc trên đầu đã bạc nhưng mỗi lần nhớ về Sài Gòn thì hình ảnh người con gái ấy và chú bộ đội đầu tiên tôi gặp vẫn là ấn tượng mạnh nhất trong vô vàn những ký ức khác về Sài Gòn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.