Sài Gòn – Chợ Lớn của tôi

26/01/2020 13:00 GMT+7

Cả cuộc sống của tôi nằm trọn vẹn trong Sài Gòn – Chợ Lớn.

Từ ngày nhỏ, khi còn là cô bé con, tôi chỉ biết hằng ngày cắp sách đến trường, rồi thi thoảng lại tụ tập cùng nhóm bạn ăn uống, tán gẫu. Những năm tháng ấy, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là quận 11 – khu nhà tôi ở và quận 6 – khu vực tôi học. Điều gì thân quen quá đôi khi cũng sẽ dễ chán, nhưng không vì thế mà tôi từ chối bất kỳ lời ngỏ ý nào cần tôi dẫn đường đến những nơi mà chỉ cần nhắc tên thôi, người Sài Gòn ai ai cũng biết. Sài Gòn – Chợ Lớn, hai địa danh và cũng là hai trung tâm lớn nhất của thành phố từ xưa đến nay, một mang hơi thở hiện đại, một vẫn giữ lại nét xưa. Quận 6 cùng với quận 5 và một phần quận 11 tạo nên khu Chợ Lớn (China Town) mà ở đó, đại đa số dân cư sinh sống là người Việt gốc Hoa. Cái hồn của Sài Gòn hơn 300 năm vẫn còn nguyên đó, bắt đầu từ cái xóm nhỏ ven kênh Tàu Hủ mang tên Chợ Lớn.
Chợ Lớn (nay là chợ Bình Tây) luôn mang theo vẻ cổ kính cùng nét sinh hoạt nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán đến tận hôm nay. Mọi thứ có vẻ như đều được tìm thấy tại khu chợ này và khu vực chợ lân cận là Kim Biên (chợ hóa chất) và An Đông (chợ đầu mối thời trang) hay chợ vải Soái Kình Lâm, quận 5. Tọa lạc tại quận 11, khu chợ hoa Đầm Sen là một địa chỉ chất lượng về sự đa dạng chủng loại hoa, giá cả lại khá mềm vì đây là chợ đầu mối hoa lớn của Sài Gòn. Dù có quy mô nhỏ nhưng chợ Minh Phụng (chợ Cây Gõ) cũng nổi tiếng là đông đúc chẳng kém bất kỳ khu chợ nào với vô số mặt hàng thời trang đẹp, độc nhưng việc trả giá xuống vài lần so với giá gốc là điều hiển nhiên cho bất kỳ vị khách nào đến đây.

Diễu hành trong ngày Tết Nguyên tiêu tại Quận 5, nơi tập trung sinh sống của đông đảo cộng đồng người Hoa

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông (phố Đông y, phố thuốc Bắc) không chỉ chú trọng về thương mại mà còn mang lại giá trị văn hóa, du lịch cho thành phố. Trên con đường chính tại nơi đây, các mặt hàng trang trí được bày bán luân phiên thay đổi theo các dịp lễ hội trong năm. Một khu vực khá đầy đủ như thế liệu có nằm trong danh sách nhất định phải đến của các tín đồ mua sắm khi ghé thăm Sài Gòn chưa?
Và nếu giao thương với khu vực bên ngoài thì sẽ như thế nào? Bến xe Chợ Lớn với hàng dài xe buýt nối đuôi nhau ra vào hay Bến xe miền Tây (quận Bình Tân) ngay cạnh bên quận 6, là cửa ngõ phía tây nằm trên trục đường Kinh Dương Vương trải dài đến Hồng Bàng và đi vào trong trung tâm như mạch huyết quan trọng trong giao thương, du lịch giữa Sài Gòn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm xưa, hai bên bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu và dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé là những xóm ổ chuột với nhà sàn lụp xụp trên bờ kênh rạch ô nhiễm thì nay diện mạo đã hoàn toàn đổi mới. Gần hai mươi năm trước, các cấp lãnh đạo TP.HCM đã cho phê duyệt và tiến hành dự án trục đại lộ Đông – Tây (nay là Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ) từ trục Bến Chương Dương – Hàm Tử – Trần Văn Kiểu và đây được xem như là “con đường di sản” hay “đại lộ của lòng dân”. Những chiếc cầu nối đôi bờ kênh bắc từ quận 5, quận 6 sang quận 8 làm không khí mua bán tại khu vực này không khi nào thôi đông vui. Các thương lái khi xưa thường tấp những con thuyền chở gạo cập bến Bình Đông (quận 8) để từ đó mang vào khu Chợ Lớn phân phối lại. Và từ Chợ Lớn có thể dễ dàng sang quận 8 mua bán hàng nông, thủy, hải sản tại chợ đầu mối gần như là lớn nhất cả nước - chợ Bình Điền.
Đồng Khánh, Bát Đạt, Ngọc Lan Đình hay Ái Huê, Á Đông, Thiên Hồng…khi phố lên đèn cũng là lúc khách ra vào dự tiệc nườm nượp như đi trẩy hội. Tên tuổi những nhà hàng mang đậm phong vị người Hoa đó từng là chốn tới lui một thời của các vị công tử, tiểu thư xưa. Các món chè của người Hoa là món rất nên thử khi đến khu Chợ Lớn với quán chè Cột Điện, Tường Phong hay Hà Ký…Các tiệm hủ tiếu, tiệm mì ăn kèm với thịt, tim, gan, cật hoặc xá xíu, hoành thánh hầu như có mặt ở khắp các con phố không phân biệt là khu người Hoa hay là người Việt. Nhỡ một ngày có lạc bước vào con đường nhỏ mà mọi hàng quán đều có bán sủi cảo hay món gà ác tiềm thì bạn nên lưu ý về việc tham khảo trên mạng và người quen để tránh tình trạng phải loay hoay chọn lựa. Sài Gòn nắng nóng quanh năm như thế, song bạn vẫn có thể dễ dàng dừng xe và thưởng thức ly nước sâm vỉa hè thanh mát, giải nhiệt lại còn có lợi cho sức khỏe nữa, còn chần chờ gì mà không thử một lần.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.