Rạp hát Sài Gòn thời xa lắc...

23/12/2019 09:00 GMT+7

Tuổi thơ luôn chứa một kho tàng kỷ niệm đầy ắp vui buồn trong êm đềm hoặc biến động nào đó. Tôi cũng có – đôi lúc – những “chuyến tàu” như vậy đưa tôi về phía tuổi thơ ở mảnh đất Sài Gòn thân yêu này.

Có một nhà văn viết một tác phẩm hình như là: “Chuyến tàu đưa tôi về phía tuổi thơ”. Đó là con tàu hoài niệm đã đưa tác giả về những hồi ức xa xôi của một thời ấu thơ hoang dại nào đó. Tuổi thơ luôn chứa một kho tàng kỷ niệm đầy ắp vui buồn trong quá khứ êm đềm hoặc biến động nào đó. Tôi cũng có – đôi lúc – những “chuyến tàu” như vậy đưa tôi về phía tuổi thơ ở mảnh đất Sài Gòn thân yêu này.
Là một đứa bé mà cha mẹ mất sớm phải sống nhờ người chị nên tuổi thơ của tôi cách đây hơn nửa thế kỷ là những ngày rong ruổi khắp Sài Gòn mà chẳng có ai kiềm chế. Tôi là một loại... “trẻ trâu” ở thời gian xa xăm đã trôi qua trong những “chuyến tàu thời gian cao tốc” đã vút qua. Cái kho ký ức của thời “trẻ trâu” ấy là lang thang qua hết rạp ciné này đến rạp hát khác để đắm mình vào những cốt chuyện hư cấu của truyện phim “trên trời dưới biển”. Nhờ vậy mà trong tôi còn lưu lại biết bao nhiêu những rạp chiếu bóng có một thời huy hoàng vang bóng mà nay thì đã tuyệt mù biến mất chẳng còn mấy ai nhắc đến.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được chờ đợi sẽ là một “thánh đường”của sân khấu cải lương phía nam

Ảnh: Quỳnh Trân

Rạp mà lần đầu tiên tôi bước đến trong đời ở cái đất Sài Gòn này là rạp Asam. Asam nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng gần chợ Đakao. Asam là của chủ người Ấn Độ nên đa số phim chiếu ở đây là phim của Ấn Độ sản xuất. Tôi nhớ mãi gã “gác dan” người Ấn da đen mun, răng trắng nhởn đứng gác cửa đố có đứa con nít nào dám trốn vào coi lậu. Cách xa xa Asam một chút là Casino Đakao, rồi đi lên Trần Quang Khải là đến rạp Văn Hoa Đakao. Từ đây quẹo lên chợ Tân Định là sẽ gặp rạp Modern chuyên trị phim cao bồi. Chưa hết... bước sang đường Hai Bà Trưng là đến ciné Tân Định. Tôi cứ hết... ngày dài lại đêm thâu... lui tới mấy anh rạp ciné này đến nhẵn mặt, mòn dép.
Rồi dần quen hơi, tôi mò ra khu quận 1 thăm mấy rạp “đàn anh” Rex, Đại Nam... có máy lạnh và thang cuốn. Có thể nói khu vực này là “cái nôi” của rạp “hát bóng” một thời. Nào rạp Vĩnh Lợi ở đường Lê Lợi, còn rạp Lê Lợi thì lại ở đường Lê Thánh Tôn. Tôi thường mua ổ bánh mì vào rạp rồi ngủ từ sáng tới xế chiều. Trên đường Gia Long có rạp Long Phụng chuyên “chơi” phim Ấn Độ như : “Tình chị duyên em”, “Chồng người vợ rắn”.... Xem nhẵn mấy rạp này tôi lại phiêu lưu xuống khu Chợ Cũ vào rạp Minh Châu, Ca Thay.
Chưa hết đâu, còn có rạp Casino Sài Gòn nằm ở góc Pasteur – Lê Lợi, đây cũng là rạp thường trực, có thể vừa xem phim vừa là chỗ ngủ vặt buổi trưa. Đi dọc Lê Lợi xuống phía Nhà hát Thành phố bây giờ còn có rạp Rex hiện đại, bước qua mấy bước là tới rạp Eden cũng là rạp chiếu từ sáng tới khuya.
“Chuyến xe đưa tôi về phía tuổi thơ” là hình ảnh của những “chuyến xe” rất hoang dại, đưa tôi đi rạp hát này qua rạp nọ, ngủ ngày vật vạ từ rạp hạng A cho đến những rạp ghế đầy rệp, sàn nhà chuột bọ chạy như ngựa phi.
Còn có một rạp trên đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng 8), là rạp Nam Quang. Nếu bỏ rạp Nam Quang đi lên Hòa Hưng sẽ gặp rạp Thanh Vân. Và nếu từ Nam Quang đi ngang qua đường Trần Quý Cáp sẽ có thể ghé vào rạp Cao Thắng nghỉ chân. Hoặc nếu buồn có thể mò xuống cuối đường Cao Thắng là đụng rạp Đại Đồng mua một vé muốn ở trong đó bao lâu tùy ý. Hay ai có nhã hứng có thể đi bộ về phía Ngã Bảy vô rạp Long Vân trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) tìm một chỗ để ngả lưng để quên chuyện sầu đời.
Nói gì nói, nhớ gì nhớ cũng không thể quên nhớ cái rạp hát cải lương Nguyễn Văn Hảo. Đây là rạp hát bề thế, từng là nơi “dừng chân phiêu lãng” của các đại bang như Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga... Chẳng hiểu do nhân duyên gì mà rạp Nguyễn Văn Hảo lại được xây dựng ở khu đất vàng Trần Hưng Đạo – Đề Thám – Bùi Viện, nơi cùng chẳng hiểu do đâu lại được đặt một cái tên tiền định và sang chảnh là... Ngã tư Quốc tế. Cách đây hơn nửa thế kỷ Ngã tư Quốc tế chỉ là nơi gặp gỡ của hai con đường nhỏ téo, buồn thiu. Nhưng hơn nửa thế kỷ sau, hiện tại nó đúng là ngã tư Quốc tế bởi là con đường phồn vinh của TP.HCM nơi đêm đêm có hàng ngàn khách quốc tế du lịch tới đây vui chơi, giải trí.
Bây giờ hơn nửa thế kỷ đã qua, chuyến tàu đưa tôi về quá khứ chỉ là đưa tôi đi trong trí nhớ mơ hồ. Thành phố thay đổi nhiều, những rạp hát xưa chỉ còn trong ký ức thôi. Mà bây giờ do đã có ti vi vô tuyến, truyền hình cáp. Ở nhà chỉ cần nhấn nút là có thể vô tư xem phim từ sáng tới chiều ở tại ngôi nhà của mình. Đâu còn ai có cái thú đi xem phim ở các rạp hát như ngày xửa ngày xưa nữa. Có lẽ chỉ còn tôi thôi, tôi đang thỉnh thoảng “chống gậy” trở về những khoảnh khắc bên những ký ức của một thời dĩ vãng... của những rạp hát, của những thước phim, vở tuồng để thả mình trôi đi trong một khoảng thời ấu thơ đã xa...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.