Quê hương thứ hai của tôi

01/12/2019 08:00 GMT+7

Tôi rời quê nhà nơi chôn nhau cắt rốn khi trong tay cầm được tờ giấy trắng tuyển thẳng vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Mùa hè rực hoa phượng đỏ năm nào đối với tôi như vỡ òa niềm sung sướng lan tỏa cả một góc trời vùng nông thôn nghèo.
Tôi chưa bao giờ được xa làng quê mộc mạc và chân chất đầy tình thương nhiều ngày. Trên phương tiện hỏa xa năm ấy đầy mùi thức ăn hòa lẫn mùi mồ hôi của các hành khách phương xa hướng đến chân trời mới, có một chàng trai mới lớn, trong tay một va ly đầy ắp hành lý. Chuyến đi xa mang theo một hoài bão tương lai to lớn khiến trái tim trong lồng ngực đập thình thịch loạn xạ liên hồi, hồi hộp với nỗi niềm lần đầu xa nhà. TP.HCM vẫy gọi và đón chào tôi – một tân sinh viên trẻ bằng một ánh bình minh rực rỡ.

TP.HCM vẫy gọi và đón chào tôi – một tân sinh viên trẻ bằng một ánh bình minh rực rỡ

Ảnh: Khả Hòa

Thành phố năm ấy đối với tôi thật hiền hòa, tao nhã như người mẹ dịu hiền yêu dấu, đường xá chưa quá đông đúc, xe cộ chưa tấp nập như bây giờ. Con đường đến trường đại học từ phòng trọ nhỏ nhắn xinh xinh đầy ắp tiếng cười của các chàng trai tứ xứ luôn thẳng tắp bởi nhiều khám phá mới mẻ luôn xuất hiện mặc dù đường đi khá ngoằn nghèo, bé nhỏ qua nhiều hẻm lớn nhỏ chằng chịt. Các quán ăn đủ đầy vùng miền, các quán cà phê cóc bên đường luôn thu hút chúng tôi với những lời mời gọi thân yêu của các người mẹ thân thương lẫn các cô gái xinh tươi mới lớn. Với hàng cây cao vút, to lớn xanh rậm bóng râm trên những cung đường đại lộ đã trở thành điểm lý tưởng cho bọn sinh viên xe đạp nghèo chúng tôi rong ruổi thư thả vào dịp cuối tuần. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ từ quê nhà, chúng tôi đèo nhau băng qua nhiều con đường, khu phố, nhiều dãy nhà đan xen nhau theo lối thiết kế cổ của người Pháp.
Khi ra trường tôi có dịp đi nhiều nơi qua những chuyến công tác ngắn ngày toàn quốc, khi thì Phú Quốc, Cần Thơ, khi thì Đà Nẵng, Huế, thường xuyên đi thủ đô Hà Nội và thỉnh thoảng Sa Pa, Lai Châu nhưng chưa bao giờ trong tôi hết háo hức quay lại thành phố quê hương thứ hai của tôi đang cư ngụ và sinh sống. Nơi có luồng khí hậu ấm áp, có sự chan hòa về tình thương và hòa quyện các nền văn hóa qua những món ăn vùng miền phù hợp.

Nhà hát TP.HCM - di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo và là điểm tham quan thu hút du khách 

Ảnh: Thiên Anh

Bên cạnh đó tôi có cơ hội được chiêm ngưỡng những kiệt tác mà thiên nhiên mang tặng cho vùng đất Gia Định này. Các kiệt tác văn hóa khác một thời lưu lại dấu ấn như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố hay những ụ súng thần công tại bến cảng Ba Son đã trở thành những địa điểm quen thuộc cho thế hệ chúng tôi chiêm ngưỡng và tự hào khi chia sẻ với các bè bạn quốc tế. Và đặc biệt nơi nuôi dưỡng cho tôi về tình thân, tình người cũng như những hoài bão được thực hiện mà thời tuổi trẻ đã ấp ủ.
Dù thành phố tôi yêu ngày nay có khác hẳn, nhiều ô nhiễm, nhiều ngập lụt, nhiều tắc đường do những đánh đổi tất yếu, sống còn về cơ sở hạ tầng để thành phố có cơ hội thăng hoa, đột phá trên con đường hội nhập với thế giới bên ngoài nhưng bản chất mộc mạc, đơn sơ mà lắng đọng vẫn còn đâu đó, vẫn còn là một nơi lý tưởng để tôi, các con tôi và cả thế hệ sau mưu sinh, vun đắp và trân trọng. Mỗi buổi chiều nhìn dòng người hối hả ngược xuôi trở về chốn căn nhà trú ngụ, nhìn dòng người hòa lẫn vào những âm thanh quen thuộc, trí óc tôi như dãn ra, xua đi những mệt mỏi của những bon chen thường nhật.
Thành phố lên đèn vào ban đêm thật đẹp, với các tòa nhà chọc trời trang trí bởi các dãy đèn led dài nhiều màu sắc, mang theo nhiều niềm ao ước cho niềm hy vọng, sự an bình và sự khao khát chinh phục của con người.
Chính sự bao bọc che chở nhẹ nhàng của thành phố thân yêu đã khiến tôi chọn TP.HCM làm quê hương thứ hai của mình. Tôi không được sinh ra ở đây nhưng nơi này đã mang đến cho tôi những cảm xúc, những cung bậc thăng trầm của cuộc sống, đã thổi hồn cho những ước mơ trở nên hiện thực với những thúc đẩy mạnh mẽ từ nhiều khía cạnh. Cảm ơn nơi chốn đã cưu mang đùm bọc tôi đến tận bây giờ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.