Quán cóc vỉa hè

08/12/2019 10:35 GMT+7

Sài Gòn có cuộc sống đô thị ngày càng phát triển, vỉa hè còn là hiện thân “văn hóa xưa” cho du khách tìm đến với những quán cóc, sinh hoạt đời thường hòa vào dòng chảy đô thị bản sắc nhân văn, hiện đại, nghĩa tình.

Nhà tôi gần con hẻm nhỏ dẫn ra đường Tăng Nhơn Phú gần Trường Cao đẳng Công Thương (Q.9) có nhiều quán cóc bán đủ loại thức ăn cháo, cơm, bún, phở, hủ tiếu, mì quảng, ốc, hột vịt lộn… Đây là nơi tụ tập bán hàng rong, quán nhậu cũng là chốn lui tới với những cuộc đời cơm hàng cháo chợ.
Nói là quán chứ chỉ có dăm ba cái bàn, kê vài cái ghế đẩu, gánh hàng rong. Người bán hầu hết dân nghèo, không qua trường lớp đào tạo, buổi tối tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho cả nhà, có người nhờ đó mưu sinh lo cho con ăn học. Nhiều lần lực lượng đi kiểm tra, xử lý. Lúc đó, người này kêu gọi người kia, ai cũng hối hả lo thu dọn cất giữ đồ đạc.
Giá cả ăn uống ở các quán cóc vỉa hè nơi đây phù hợp với giới sinh viên, công nhân, người lao động. Giá trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/dĩa sò huyết, ốc bươu, ốc hút, ốc nướng mỡ hành... Cô con gái chị chủ quán ốc ngồi quạt lửa, nhễ nhại mồ hôi ướt đẫm cả lưng để có được dĩa ốc nướng mỡ hành vừa thơm vừa nóng mà giá cả đúng với cái tên dân dã của nó. Chị chủ quán thấy tôi thường đi một mình, chắc là vì người Sài Gòn nên chị không hỏi, chứ ít thấy ai đi nhậu một mình. Chị bán hột vịt lộn ngồi cạnh chị bán ốc, giá 6.000 đồng/trứng ăn với rau răm và muối tiêu. Cả hai chắc thân nhau lắm, thường xoay qua trò chuyện dù quán đang đông khách, hình như là họ bán ở đây đã hơn 20 năm. Chị bán hột vịt lộn biết tôi không bao giờ ăn hột vịt lộn nhưng vẫn kê ghế của chị cho tôi ngồi ăn ốc, uống bia. Ngoài đường lớn cách đó không xa là những nhà hàng trông rất sang trọng, quán cà phê nhạc sống cơi nới mái hiên bày sẵn bàn ghế cho khách vào ngồi, có bảo vệ giữ xe cho khách.

. Vỉa hè cũng không đơn giản chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác khác trên đó có văn hóa, kinh tế, cuộc sống mưu sinh với nhiều người

Ảnh: Ngọc Dương

Tôi có sở thích ăn uống ở những quán cóc vỉa hè, cảm nhận không gian sinh hoạt đô thị một cách sống động, cũng thường đến ăn uống ở quán cóc vỉa hè gần cơ quan tôi làm việc khu vực đường Cô Bắc - Cô Giang (Q.1). Phải nói rằng, nơi này luôn đông đúc và tấp nập mỗi tối, nhiều quán cóc đã có và tồn tại từ lâu, nhiều người nước đến thưởng thức món ăn bình dân và hòa trong không khí náo nhiệt. Ngồi một mình chỉ trong vài chục phút ăn uống tôi thấy những người vừa ăn vừa trò chuyện và bàn tán với nhau đủ loại chuyện từ chính trị, tham nhũng, ca nhạc, gái lấy chồng đại gia, thậm chí họ còn nói vanh vách những chuyển nhượng cầu thủ của các đội bóng hàng đầu thế giới. Ở đây mỗi tối không bao giờ thiếu tiếng ồn, khách hàng phần lớn là dân lao động nhậu với nhau nói nhiều nói to, cụng ly với niềm hứng khởi khi tụ tập trong những phút giây tối mát trời. Tôi giật mình khi nghe những lời nói to tiếng chỉ vì giành nhau trả tiền, chắc chỉ có ở Sài Gòn!

Ý nghĩa tồn tại khách quan thật sự của vỉa hè có thể lớn hơn nhiều so với mục đích chỉ phục vụ người đi bộ

Ảnh: Độc Lập

Cuối tuần vừa rồi tôi ghé vào quán ốc quen thuộc, cô gái con chị chủ quán chào tôi và tiếp tục quạt than. Tôi hỏi chị chủ quán đâu không thấy bán, hay đã sang quán cho người khác rồi, chỉ nói cho vui. Chị bán hột vịt lộn nhìn tôi và nói “bả chết rồi, chôn tuần trước”. Cô con gái im lặng. Tôi định hỏi sao chết vậy, tuổi còn trẻ mà, nhưng thôi không hỏi. Nhìn giọt nước mắt lăn dài trên đôi má cô bé, cổ họng tôi cảm thấy nghèn nghẹn, lòng tôi bỗng thấy trống trải. Hình như tối nay dân nhậu ở đây ít nói lớn tiếng hơn, hẻm đường Tăng Nhơn Phú hôm nay cũng bớt náo nhiệt.
“Văn hóa” vỉa hè tồn tại từ nhiều năm, không chỉ quán cóc mà còn có đủ các hoạt động khác như hàng rong, họp chợ, xe ôm, đậu xe, nơi tập thể dục… Khi màn đêm buông xuống, ngoài những người đang chìm trong giấc ngủ hoặc trở về từ những cuộc vui thì không ít người lại bắt đầu với những công việc mưu sinh, vất vả, hối hả. Vỉa hè cũng không đơn giản chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác khác trên đó có văn hóa, kinh tế, cuộc sống mưu sinh với nhiều người, nơi kết nối giữa nhà ở với đường phố, không gian gặp gỡ chia sẻ thông tin.
Sài Gòn có cuộc sống đô thị ngày càng phát triển, vỉa hè còn là hiện thân “văn hóa xưa” cho du khách tìm đến với những quán cóc và sinh hoạt đời thường hòa vào dòng chảy đô thị bản sắc nhân văn, hiện đại, nghĩa tình. Ý nghĩa tồn tại khách quan thật sự của vỉa hè có thể lớn hơn nhiều so với mục đích chỉ phục vụ người đi bộ.
Không ai có thể tìm được lý do thuyết phục để phản đối chủ trương làm thông thoáng đường phố, vỉa hè phải phục vụ cho người đi bộ. Song, cần có biện pháp phù hợp với trật tự đô thị bền vững, quy hoạch khu vực vỉa hè được buôn bán vẫn có hướng ra cho giao thông và người đi bộ, đó còn là tính nhân văn người Sài Gòn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.