Những mảnh ghép

Đối với tôi, TP.HCM vừa đủ thân thuộc vừa đủ xa lạ để tôi khám phá và tìm hiểu từng ngóc ngách của nó.

Tại sao nhỉ? Vì tôi là đứa con quê ở Bình Dương, cách trung tâm thành phố này chỉ chừng 20 km. Ký ức tuổi thơ của tôi gắn với nơi này khá nhiều, từ những lần đi chơi, đi trung tâm thương mại, đến khá nhiều lần đi bệnh viện nhi đồng. Tôi nghe ba mẹ và những người từ trung niên trở lên thường gọi thành phố này bằng cái tên “Sài Gòn”. Và từ đấy, Sài Gòn trong tôi là một phần tuổi thơ cho đến khi tôi trưởng thành, tôi quyết tâm đến và sống trong nơi đấy bằng cách thi đậu vào một trường đại học tọa lạc tại Q.3.
Sài Gòn lạ lắm! Chỉ khi hòa nhập vào vùng đất này, tôi mới thấm thía và nghiệm ra khá nhiều điều mà không một nơi nào khác có thể đem lại. Sài Gòn có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, nên việc nó tồn tại tất cả các tầng lớp xã hội, dân cư của đa số vùng miền trên đất nước, hoàn cảnh và gia cảnh đa dạng, muôn hình, muôn vẻ là điều không khó để giải thích. Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Sài Gòn, nó khiến tôi lạc không biết bao nhiêu lần vì hàng trăm ngã rẽ, hàng nghìn ngôi nhà cao tầng xếp khít nhau. Tôi trông giống như những dây nơ ron thần kinh dày đặc nhưng lại được sắp xếp một cách rất hợp lý và logic trong bộ não vậy. Ở một góc khác, tôi lại thấy chúng giống như những phận đời sống tại đất Sài Gòn này. Bao nhiêu ngả đường là bấy nhiêu số phận.
Những tưởng mảnh đất này sẽ toàn những gì hoa lệ nhất. Nhưng không, nơi đây thật sự là một xã hội thu nhỏ, một địa cầu của những công dân mà mỗi người là một mảnh ghép riêng đặc biệt. Mảnh ghép ấy có thể có màu sáng, lấp lánh như pha lê, cũng có thể có màu ngọt ngào như kẹo, nhưng cũng có những mảnh có màu tối hoặc thậm chí xám xịt. Lạ thay, tất cả lại khớp với nhau và tạo nên một bức tranh hoàn hảo gọi là Sài Gòn.
Tôi vẫn không quên, mỗi ngày đi học, tôi đều bắt gặp hình ảnh ông cụ mù ngồi bán vé số cùng với chú chó già nơi góc đường. Dù nắng đã lên đến đỉnh đầu, ông vẫn vui vẻ, gương mặt tràn ngập hy vọng, tay cứ đặt lên chú chó vuốt ve như là báu vật. Lắm lúc, tôi cũng chẳng thích Sài Gòn, vì thời tiết lúc thì nắng quá gắt, lúc thì mưa quá nhiều, và cả kẹt xe hàng dài nữa. Nhưng khi nhìn thấy ông và chú chó, bao nhiêu cảm xúc tiêu cực của tôi lại tiêu tan. Năng lượng từ ông lan tỏa thật sự rất lạ, nó mang hơi ấm và rất nhiều tia hy vọng. Ông có thể không thấy trời sáng, trời chuyển cơn mưa, nhưng sâu trong đôi mắt ấy, ông thấy chú chó trung thành của ông, ông thấy những người đi đường nhộn nhịp, càng đông ông càng dễ bán được vé số. Từ đó, càng nói chuyện được với nhiều người, ông càng có thể vẽ ra một thế giới của riêng mình trong đôi mắt rất đặc biệt của mình. Cuộc đời đã lấy mất của ông ánh sáng, không cho ông sự sung túc, nhưng lại thi ân cho ông một tâm hồn không bao giờ già, một niềm hy vọng không bao giờ tắt về một cuộc sống an yên mỗi ngày.
Không những ông, mà những đứa bé bán vé số, tăm dạo, những cô, chú lao công vệ sinh đường phố, những người tàn tật mưu sinh mỗi ngày đều mang trong mình một sự lạc quan, mà có thể cả đời này tôi vẫn không tự tìm cho mình được. Quả thật, được sống lành lặn đã là quá may mắn so với họ, vậy mà chỉ vì những hiểu lầm nho nhỏ, những lần thất bại trong khi tuổi đời còn quá trẻ mà tôi lại nghĩ tiêu cực tới mức “liệu cuộc sống còn lối nào dành cho tôi”. Những mảnh ghép tưởng như tăm tối nhất ở Sài Gòn lúc này lại lấp lánh như kim cương, soi rọi vào tâm hồn xám xịt của tôi, lan tỏa cho tôi niềm hy vọng rằng: Ngày mai sẽ khác.
Suốt 4 năm sống, học và làm ở Sài Gòn, tôi học được một bài học quý giá rằng: Mỗi con người, mỗi mảnh ghép đều đặc biệt theo cách riêng của mình. Quan trọng, tôi và bạn tìm được điểm sáng nhất trong mảnh ghép của mình để phát huy nó và tìm đúng những mảnh ghép thích hợp xung quanh để đặt bản thân mình vào. Tôi tin, ở mỗi con người đều tồn tại lòng trắc ẩn, lương tâm của họ sẽ có câu trả lời công bằng cho những mảnh ghép trôi nổi… Và rồi… Sài Gòn sẽ lại vận hành theo cách riêng mà nó vẫn làm lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.