Một miền thương nhớ

21/09/2019 06:21 GMT+7

Từ thuở ấu thơ đã rất xa xăm, Sài Gòn đã hiện hữu như một nỗi nhớ mơ hồ mà bâng khuâng trong ký ức tôi.

Là lời kể của thầy giáo hồi tiểu học câu chuyện về Bến cảng Nhà Rồng – nơi anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với hành trình đằng đẵng “Ba mươi năm ấy chân không mỏi. Mà đến bây giờ mới tới nơi”. Là lời kể trầm buồn câu chuyện hào hùng và bi tráng của cha tôi và đồng đội về một thời hoa lửa. 30/4 năm ấy, ai còn ai mất. Có người nằm lại mãi mãi nơi cửa ngõ thành phố khi chiến thắng đã cận kề. Có người thành thương binh về quê cùng chiếc ba lô đã bạc cùng mảnh đạn còn nguyên trong cơ thể. Có người trở về cùng đứa trẻ đi lạc những người bên kia chiến tuyến trong những ngày thành phố hỗn loạn…

Một góc trong lòng chợ Bến Thành, TP.HCM

Ảnh: Độc Lập

Lớn lên, người con gái quê nhà tôi thầm thương trộm nhớ, vì cuộc sống mưu sinh bỏ dở chừng việc học, vào Sài Gòn làm công nhân xí nghiệp như thân cò lặn lội gửi chút tiền về quê. Đã qua những đêm tăng ca mắt sâu trũng nỗi nhớ nhà, đã xa rồi những lá thư viết tay trao gửi, giờ người đã ở lại mảnh đất ấy lập nghiệp an cư. Phải chăng nơi ấy là đất lành chim đậu?
Và tôi cũng rời quê đi học rồi lại về quê làm ông giáo làng quanh quẩn sau lũy tre. Bên những trang giáo án dạy cho học trò, tôi vẫn mường tượng hình dung mảnh đất ấy trong trang viết của Minh Hương với Sài Gòn tôi yêu, mảnh đất mà tôi chưa một lần đặt chân đến.
Tôi hình dung vùng đất phương Nam ấy đầy nắng gió, cây trái tốt tươi, khí hậu trong lành, con người chân chất phóng khoáng. Chẳng như xứ Nghệ quê tôi đất cằn sỏi đá, mùa hè gió Lào thốc rát mặt, mùa đông gió mùa đông bắc tái tê, con người cần mẫn lam lũ. Cũng chẳng giống như xứ Huế tôi học day dứt những mùa mưa, nhịp sống bình lặng trầm buồn và đậm sắc màu xưa cũ. Sài Gòn hào phóng đón nhận tất cả những con người tứ xứ vì mưu sinh mà lưu lạc đến đây. Họ đều được vùng đất phì nhiêu nghĩa tình cưu mang che chở và được gọi chung là người Sài Gòn, dẫu rằng trong thăm thẳm kí ức họ vẫn còn hình bóng của quê hương. Nơi đây có biết bao nhiêu hội đồng hương ra đời. “Hội đồng hương làng X, xã X, huyện X… ở Sài Gòn” nghe quá đỗi thân thương.

Du khách thưởng thức "đặc sản" khoai mì chấm muối mè khi tham quan Địa đạo Củ Chi

Ảnh: Gia Khiêm

Và rồi sau bao nhiêu thương nhớ, chuyến du lịch cùng cơ quan đã giúp tôi có cơ duyên đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn. Vẫn là ấn tượng ban đầu như trong hình dung về sự ồn ào, tấp nập của một trung tâm kinh tế - văn hóachính trị của phía nam. Nhưng tôi không hào hứng khám phá những thứ siêu to, siêu khổng lồ của Sài Gòn. Tôi thấy Sài Gòn thân thương hơn từ những điều bình dị. Tôi ngạc nhiên bởi sự am hiểu lịch sử và vốn ngoại ngữ của một cô bé bán kỷ vật lưu niệm ở địa đạo Củ Chi, nét chân chất phương Nam của cô bán cà phê vỉa hè ở quận 7… Tôi thích thú nhìn dòng người tấp nập trong guồng quay hối hả của sự sống. Bất chợt mỉm cười khi nghe những lời yêu thương của một chàng trai giọng Nghệ với một cô gái xứ Quảng…
Còn bao nhiêu địa danh, bao ngõ ngách Sài Gòn mà chẳng có đủ thời gian để khám phá. Trước lúc ra sân bay Tân Sơn Nhất để về xứ Nghệ, ngồi xuống bãi cỏ ngoài Dinh Độc Lập, nhìn hàng cây tỏa bóng sum suê, chợt ao ước được như chúng, cứ điềm nhiên sống, hút đất ứ nhựa cho cành lá xanh tươi, mặc bao mùa mưa nắng, mặc bao biến thiên của thời cuộc, cứ vươn lên dưới ánh mặt trời. Và tôi cũng không quên mua giúp anh bán vé số mù vài tấm vé. Chẳng phải cầu mong vận may đổi đời, mà chỉ muốn mang theo một kỷ niệm, một khát khao thương nhớ, một niềm ước vọng cho ngày trở lại…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.