Lạc trong miền nhớ

29/12/2019 09:00 GMT+7

Nhắm mắt, rồi mở mắt trong những buổi chiều nhập nhoạng. Ai đó vỗ bồm bộp vào lưng, vò vò mái đầu, hỉ hả cười tẹt ga hỏi: 'Ăn gì cha nội?'.

Cơn mưa nặng hạt qua phố vắng làm “thằng cha nội” thèm món mía hấp gốc Tiều, gắn với tuổi thơ và hồi cách đây chừng mấy năm từng bắt gặp trên góc đường Tạ Uyên (Q.5). Đơn sơ, giản dị như chính hương vị món ăn, xe bán mía chỉ có chiếc nồi, vài chục bao mía đã chặt khúc, một cây cao như chiếc “bẹo” treo bóng đèn cùng bịch mía, hệt như cách người miền Tây thường dùng để giới thiệu về thứ mình bán. Trời tối, se lạnh, những lóng mía ngọt lịm, thơm ngon bốc lên nức mũi. Thế nhưng giờ món “sắp tuyệt chủng” này chắc chỉ còn ở một vựa mía trên đường Phạm Thế Hiển.
Lạc trong miền nhớ
Những khi buồn miệng, thèm nhai chóp chép thì “thằng cha nội” lãng lãng tìm xe đậu phộng ở góc đường Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền (Q.5) để mua đậu phộng rang chao đỏ - món có từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc. Nghe kể, một đầu bếp mù đã chế ra món này bằng cách ngâm đậu phộng qua đêm với chao đỏ, sau đó phơi khô, rồi rang trên chảo cát vàng hạt to. Khi du nhập vào Việt Nam, hương vị dần biến đổi theo thời gian. Đậu phộng giờ chỉ được rang với một ít chao đỏ, ăn qua nghe mùi thoang thoảng dễ chịu.
Hễ hôm nào muốn ăn cho chặt bụng và nhớ tới “bà bá” (cha trong tiếng Quảng), “thằng cha nội” lại mò ra quán mì cật và hủ tiếu bột lọc trên đường Trương Định (Q.1). Sợi mì kiểu Phúc Kiến nên “mình mẩy mỡ màng”, sợi hủ tiếu to và dai, cật được thái to bản, không dính chút mùi hôi nào. Có bữa sáng, dậy thiệt sớm, thơ thẩn ra chợ P2, Q.10, xà vô quán nơi chân cầu thang chung cư Ngô Gia Tự ăn món mì kéo sợi thủ công hơn 35 năm tuổi. Tô mì ngon “nhức nách” ở nước lèo đúng chất người Hoa, có vị ngọt và béo của xương hầm, nước trong và không có cặn. Ăn mì tươi kéo sợi thì phải kèm một cái bánh tôm mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn. Hồi nhỏ “thằng cha nội” chỉ lo “chía” bánh tôm của mấy chị, vậy là hờn giận kéo dài thườn thượt.
Lạc trong miền nhớ
Nếu sáng muốn nhẹ bụng thì cứ cháo trắng với trứng muối, trứng bắc thảo hay tương hột mà “chén”. Còn hôm nào muốn đổi khẩu vị từ mặn sang ngọt thì cứ mua giò cháo quẩy chấm với cà phê đen - thức uống người Hoa thường dâng cúng Thần tài, Thổ địa kèm điếu thuốc để hai ông “độ” cho trong ấm ngoài êm. Hoặc hôm nào đó, kiếm xe sữa đậu nành “quất” món sữa nóng với lòng đỏ hột gà. Ngỡ ít ít vậy chớ no tới trưa à nghen.
Hồi bà nội còn sống, lúc “thằng cha nội” chừng 6 - 7 tuổi, cuối tuần nhà lúc nào cũng sẽ ăn mấy món tẩm bổ như gà tiềm thuốc bắc, canh củ sen và đậu phộng hầm xương, súp óc heo tóc tiên… Nhưng thèm nhất là món giò heo hầm giấm đen. Các thành phần chính để có được món ăn giàu dinh dưỡng này chỉ là thịt chân giò, gừng và giấm đen. Có một món không thấy ở nhà người Hoa khác đó là món canh trứng gừng. Hồi đó, mẹ sanh “thằng cha nội”, bà nội không biết lôi từ đâu ra món đó. Bà đập trứng chiên sơ với gừng xắt lát, rồi đổ nước lõng bõng như nấu canh, nêm muối. Thế là xong!
Tối muộn, trở chứng thèm ngọt thì cứ “ụn” xe quanh mấy tiệm chè khu Q.5, Q.11 như quán chè Cột Điện, Tường Phong, Hà Ký và vô số quán mới mở sau này. Tới đó tha hồ thử từ chè hột gà, chè bạch quả, chè trôi nước đậu phộng gừng, chè bo bo đậu hũ cho đến mấy loại dưỡng nhan như đu đủ tiềm, trứng gà hấp tuyết giáp. Muốn thử thức uống lạ thì cứ ghé quán sữa đậu nành bạc hà kế bên Trường Mạch Kiếm Hùng (vỉa hè đường Nguyễn Trãi, Q.5), thả mình theo những chiếc xe chật đất chật người lặng lờ lướt qua nhau...
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.