Lá trầu vàng, trái cau xanh vùng Bà Điểm

30/12/2019 14:00 GMT+7

Tôi ở huyện Đức Hòa giáp ranh với TP.HCM và có người dì ruột sinh sống ở quận Tân Bình. Cứ mỗi lần lên nhà dì tôi chơi là mỗi lần về tôi đều ghé vào chợ Bà Điểm để mua trầu cau...

Tôi mua chủ yếu mang về biếu cho mấy bà cụ trong xóm, vì trầu cau Bà Điểm ngon nổi tiếng.
Nhớ ngày ấy, ngoại tôi, mẹ chồng tôi, là hai người thân ghiền trầu nhất xóm, mỗi ngày có thể nhịn cơm chứ không thể nhịn trầu. Mà trầu cau ở vùng bên đây lại không ngon, vì vậy nên mấy bà được ai biếu miếng trầu, trái cau của Bà Điểm là mấy bà lật đật đi lấy lá chuối tươi gói lại từng xấp thật kỹ (xin nói thêm trầu Bà Điểm có hai loại: trầu xanh và trầu vàng) còn cau thì đào hẳn một lỗ đất trong góc nhà rồi chôn xuống cho tươi. Nếu có dư thì bổ ra từng mảnh nhỏ phơi nhiều nắng cho thiệt khô rồi đem cất để dành, có khách mang ra mời ăn gọi là lấy thảo.
Phải công nhận trầu Bà Điểm có loại trầu vàng mướt mượt nhìn bắt mắt lắm, têm một miếng nhai thử nghe nó thơm dịu, mùi hương nồng nồng cay cay, người không ghiền cũng muốn ăn, còn cau thì quài nào quài nấy to đùng, trái đều giăng giăng...

Trang trí cau thường thấy trong các dịp cưới hỏi

Ảnh: Mẫn Nghi

Hôm đó tôi vào tận trong vườn của bà Bảy, mới bước ra phía sau nhà, trước mắt tôi là một vườn trầu quá cỡ là trầu, cau thì một đám rộng cả mẫu đất. Bà Bảy gần 80 tuổi rồi, nhưng còn tinh tấn lắm, bà vui vẻ cởi mở, lúc nào bà cũng móm miệng cười. Bữa đó ít người, bà ngồi hỏi thăm quê tôi ở đâu, trong lúc chuyện trò tôi hỏi bà: “bà ngoại của cháu muốn có một dây trầu để trồng mà không biết mua giống ở đâu”. Tôi chưa dứt câu thì bà Bảy nói: “Vậy ha? Để bà kéo cho một nọc, vài tuần nữa con có đi ngang ghé bà gởi cho”. Tôi mừng ra mặt, giờ đó cũng chiều muộn nên tôi chào bà Bảy ra về.
Lẽ ra khoảng nửa năm tôi mới lên nhà dì, nhưng lần này tôi đi sớm hơn vì nóng lòng xin dây trầu về cho ngoại trồng, tôi ghé bà Bảy, đúng như lời hứa, bà vô bao sẵn cho tôi một cặp dây trầu vàng đang xanh mơn mởn, bà cẩn thận nhờ đứa cháu trai của bà ràng buộc vào ba ga xe đạp cho tôi chở về tránh bị động gốc.

Trầu têm cánh phượng thường được nhắc đến trong cổ tích Việt Nam

Ảnh: Mẫn Nghi

Có được đôi gốc trầu, ngoại tôi mừng quá trời quá đất, ngoại đem trồng rồi chăm bón theo lời dặn của bà Bảy, nhưng tiếc thay nó không phát triển, ngoại chỉ dùng được mấy lần têm, do đất nhà ngoại nhiều phèn mặn, không bao lâu hai dây trầu chết ngủm. Nhưng cái ơn thì ngoại tôi cứ mang hoài, bởi cái tính tốt bụng của bà Bảy. Ngoại nói ít nhiều cũng phải nhớ ơn, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, ăn trầu nhớ kẻ cho dây mà trồng chứ con”. Dứt câu ngoại bỏm bẻm cười.
Bây giờ, ngoại không còn, mẹ chồng cũng đã mất. Dì của tôi cũng chết, Bà Bảy cũng…đi xa rồi.
Mặc dù “thương hiệu” trầu cau Bà Điểm thì còn đó, nhưng ngày nay ít ai ăn trầu, chỉ có đám tiệc, cưới hỏi mới cần, vì thế người trồng trầu họ bỏ nghề. Riêng tôi thì vẫn cứ nhớ hoài cái chợ Bà Điểm, nhớ bà Bảy trồng trầu, nhớ… hình dáng cậu con trai ngày ấy khéo léo buộc dây trầu cho tôi chở về. Đó là ký ức đẹp mà tôi để mãi trong lòng không thể nào quên.
Tôi yêu người dân quê hương Bà Điểm, yêu dây trầu vàng, yêu trái cau xanh, yêu thành phố mang tên Người đã và đang trên đà phát triển toàn diện. Tết 2020 sắp tới, không biết Ngã Ba Giồng có bắn pháo hoa hay không, nếu có tôi sẽ đến xem như xem lại vẽ đẹp của một góc thành phố tôi yêu, nơi sinh ra vườn trầu, buồng cau tươi ngon để kết tụ hàng nghìn đôi uyên ương nên vợ nên chồng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.