Ký ức phường dệt Bảy Hiền

26/01/2020 00:00 GMT+7

Tôi ở thành phố Sài Gòn mấy năm nhưng chỉ biết từ Bảy Hiền đi Chợ Lớn, rồi từ Chợ Lớn về Bảy Hiền.

Tôi đi Chợ Lớn mua gạo về bán cho bà con Bảy Hiền, Chợ Lớn là vựa gạo của Miền Tây, gạo từ miền Tây tập kết về đây đủ loại gạo, từ những cao sản như nàng thơm chợ Đào, nàng hương thơm lài, gạo 64,... nói chung từ thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có. Ở những vựa gạo Chợ Lớn tôi thấy những bác cửu vạn tấm lưng to bè, da dẻ đỏ au, sao các bác khỏe thế, nghiêng vai vác những bao gạo từ trên xe tải vào kho hay từ trong kho ra xe. Vựa gạo Chợ Lớn có lẽ tiêu thụ từ miền Đông vào Sài Gòn ra miền Trung, miền Bắc.
Lúc tôi vào Sài Gòn, mẹ tôi bảo thời buổi chiến tranh khắp nơi làm nghề gì cũng khó, thôi thì con đã vào đây cũng phải ăn, phải sống, mọi người cũng phải ăn, con buôn gaọ là tốt nhất. Trong thời kỳ chạy giặc, tôi còn dành dụm 1 lạng vàng tôi đem bán để làm vốn buôn gạo, lúc đó tôi bán 1 lạng vàng được 45 ngàn đồng, tôi mượn thêm 3 ngàn mới mua được 3 tạ gạo Con Nai (gạo hột tròn) ăn tạm được về bán lẻ. Thời buổi gạo châu củi quế, người dân các nơi chạy giặc đùn vào bến Nghé Sài Gòn, tôi thì trôi dạt vào Tân Bình ở phường dệt Bảy Hiền.
Sau ngày ngừng bắn 1954 đường xe lửa Sài Gòn miền Trung được phục hồi, mẹ tôi đi buôn bán ở Sài Gòn. Mẹ tôi buôn bán tơ tằm và vài thứ lặt vặt khác như dầu phụng, mắm cái, mắm ruốc, chổi đót,... Mẹ tôi bán tơ tằm cho Tái Thành, Mai Thành ở ngõ sáu, Sáo Lỏa ở Chợ Lớn. Trước 1968 khách hàng mời cha tôi vào Sài Gòn thăm chơi, cha tôi vào Sài Gòn chưa kịp về thì được tin giặc Mỹ đánh bom ác liệt ở quê nhà nên cha mẹ tôi tạm thời mua nhà ở lại Sài Gòn tại phường dệt Bảy Hiền. Cám ơn cha mẹ tôi dám bỏ nhà cửa, ruộng vườn mà ở lại Sài Gòn nên 1973 tôi vào có chỗ nương tựa.

Nếu bạn đi xa xa nghe tiếng dệt như những tiếng mưa rào qua khung cửa, gần tới nơi nghe những tiếng lách ca lách cách nghe thật vui tai.

Ảnh: An HUy-Khẩm Cao

Nơi đây, phường dệt Bảy Hiền tạm gọi là bình yên, tôi ở Sài Gòn mấy năm nhưng chỉ biết Bảy Hiền và Chợ Lớn vì đi Chợ Lớn mua gạo về bán cho bà con Bảy Hiền. Mấy năm sau, tôi mới biết thêm một số nơi, năm bảy cái chợ như: chợ bà Hom, chợ bà Điểm, chợ bà Queo, chợ bà Chiểu, chợ bà Hoa, chợ Bà nhiều hơn, nhưng cũng có một số chợ ông như: chợ ông Địa, chợ ông Tạ, chợ cầu ông Lãnh.
Nói về phường dệt Bảy Hiền, có số người không biết giữa Sài Gòn lại có một phường dệt, người dân nơi đây từ đầu trên xóm dưới, ai ai cũng làm nghề dệt. Nếu bạn đi xa xa nghe như những tiếng mưa rào qua khung cửa, gần tới nơi nghe những tiếng lách ca lách cách nghe thật vui tai.
Phường dệt Bảy Hiền (phường 11) vốn là nơi người dân các nơi lánh đạn bom mà tụ họp về đây làm nghề dệt vải, đông nhất vẫn là dân Quảng Nam. Từ đầu trên xóm dưới ai ai cũng làm nghề dệt vải, nếu không làm nghề dệt thì cũng buôn bán vật dụng phục vụ cho nghề dệt. Phần đông lấy công làm lời, tuy không giàu sang nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc, xóm phường rất an ninh trật tự, người dân nơi đây ghét cái ác, cái xấu. Sau ngày giải phóng, bà con vẫn dệt vải làm ăn như trước, tình hình ở nơi đây cũng rất an ninh trật tự, trong một thời gian dài, đi trong Bảy Hiền, bàn có vác một bao tiền cũng không sợ bị cướp giật, người dân nơi đây tin tưởng lẫn nhau.
Tơ sợi công ty xí nghiệp bán ra có lớp trung gian gọi là Tiên Ký, mua tơ sợi về bán lại cho nhà dệt, phần đông lấy tiền rước mới lấy hàng về giao cho nhà dệt. Số người trung gian này không bỏ vốn, nhà dệt đưa tiền trước rồi mới nhận hàng, nhiều lúc đưa tiền trước cả tháng mới có hàng, số đông làm ăn như vậy, nếu ai gian tham thì chỉ một lần rồi đi nơi khác vì người dân tẩy chay thì không làm ăn gì được.
Người dân nơi đây có tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, có cơ sở nuôi giấu cán bộ và tiếp tế nhân tài, vật lực cho cách mạng.
Tôi sống nơi đây hơn 40 năm, làm ăn và công tác nơi đây nên tôi xem Sài Gòn là quê hương thứ hai, bây giờ tôi về quê tôi lại thấy nhớ Sài Gòn. Cám ơn Sài Gòn đã che chở và bao bọc tôi trong những ngày khó khăn nhất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.