Hẹn ước Sài Gòn

28/12/2019 09:10 GMT+7

Năm 18 tuổi, hẹn ước Sài Gòn của chúng mình thành hiện thực anh nhỉ? Chúng ta đã hẹn nhau trên ghế nhà trường rằng mối duyên này của hai đứa sẽ còn tiếp tục nếu em và anh cùng bước chân vào giảng đường đại học.

Ngày biết tin cả hai chúng mình cùng đậu đại học em và anh như những đứa trẻ được mẹ đi chợ về mua cho món quà vặt thích nhất hai đứa nhìn nhau cười hoài. Bao nhiêu viễn cảnh được em và anh vẽ ra về Sài Gòn y hệt như những gì được nhìn thấy trên tivi. Mong chờ đến ngày được nhập học.
Anh đậu vào trường Kinh tế còn em học trường Văn hóa, trường anh và em nằm cách xa nhau khá xa, những lần muốn gặp em anh phải đạp xe gần hai mươi cây số mà gian nan nhất là đạp xe vượt qua cầu Sài Gòn khi con gió đổi chiều áo anh thấm đẫm mồ hôi. Quận 2 nơi em học và ở trọ rất thơ mộng, anh chở em dọc theo đường Nguyễn Văn Hưởng gió mát lạnh thổi từ sông Sài Gòn vào, biết món ăn khoái khẩu nhất của em là bánh tráng trộn lúc nào qua thăm em anh cũng mua sẵn cho em một bịch cay thật cay để em vừa ăn vừa hít hà. Nhớ nhất là có những ngày nước triều lên trường em ngập phải lội bì bõm anh nói Sài Gòn lúc này như mùa lụt quê mình em nhỉ?

Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm đềm phải không anh?

Ảnh: Thiên Anh

Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm đềm phải không anh? Nhớ lại ngày đó em vẫn thấy thương anh vô cùng gia đình anh không được khá giả anh phải làm biết bao nhiêu việc để có tiền trang trải cuộc sống và đóng tiền học. Anh rất lạc quan, anh nói rằng Sài Gòn dễ sống lắm em à, chỉ cần mình chịu khó. Anh đạp xe lên trung tâm hỗ trợ việc làm Nhà văn hóa Thanh Niên để tìm việc chiếc xe anh dựng trước Trung tâm chỉ ít phút đã không cánh mà bay, biết chuyện em khóc mếu máo vì thương anh và tiếc chiếc xe nữa anh lại động viên em “không sao đâu cô gái từ từ anh mua lại”. Biết chuyện anh mất xe bác chủ nhà trọ của anh thương anh cho mượn đỡ chiếc xe của bác, anh lại kể em nghe giọng đầy hy vọng “em thấy chưa Sài Gòn dễ thương lắm mà”. Em lại cười như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thật tình cờ, em và anh đều nhận dạy thêm tại hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, anh học giỏi hơn em nên anh nhận kèm một cậu bé lớp 9 còn em dạy cô bé lớp 2, tháng lương đầu tiên được nhận hai đứa vui như tết. Anh dẫn em ra quán hủ tiếu gõ đầu hẻm gọi hai tô đặc biệt luôn. Anh ân cần bảo em ăn nhiều vô còn có sức đạp xe qua cầu Sài Gòn nữa, em thì nói thao thao kể về cô bé học trò về chuyện ở trường bao nhiêu chuyên như muốn kể cho anh nghe hết. Anh kể cho em nghe về cô chú chủ nhà nơi anh dạy biết hoàn cảnh của anh nên cho thêm anh tiền để dành mua xe đap và động viên anh rất nhiều, anh nói cô chú ấy thành đạt và giàu có nhưng sống giản dị và gàn gũi lắm. Chị bán hủ tiếu giọng miền Tây đặc sệt vô cùng dễ thương còn mang ra cho hai đứa mình một tô xí quách mà không tính tiền nữa, chị nói tặng thêm cho 2 đứa mai mốt cứ ghé ăn khi nào nhận lương trả chị cũng được. Em mỉm cười “Sài Gòn dễ thương thật đó anh”.

Dù người giàu hay bình dân đều sẵn sàng san sẻ bao dung cho những người vừa gặp không thân thích hay họ hàng như em và anh, đơn giản chỉ là tình người với nhau

Ảnh: Ngọc Dương

Hẻm 18A bán thật nhiều đồ ăn, khách nước ngoài cũng nhiều nữa, em thắc mắc “ủa anh ơi mọi người bán nhiều vậy ai sẽ là người ăn?” anh cười “ngốc quá cô ơi, quanh đây văn phòng nhiều đến giờ trưa và tối mọi người sẽ ra đông lắm, mai mốt ra trường đi làm anh dẫn em vô nhà hàng Hàn Quốc chỗ kia ăn nha chịu không? Em gật đầu lia lịa như đứa trẻ.
Sài Gòn cứ bình yên và dễ thương như vậy nuôi anh và em cùng bao nhiêu ước mơ thời sinh viên. Chú chủ nhà trọ, cô chú chỗ anh dạy thêm hay chị bán hủ tiếu gõ lề đường dù người giàu hay bình dân đều sẵn sàng san sẻ bao dung cho những người vừa gặp không thân thích hay họ hàng như em và anh, đơn giản chỉ là tình người với nhau. Chúng mình tốt nghiệp đại học, nên duyên vợ chồng nhưng những gì của quá khứ dạy cho em và anh, cho chúng ta biết rộng lượng tha thứ và hướng về một cuộc sống tương lai tươi đẹp. Cho dù bao nhiêu năm trôi qua Sài Gòn thay da đổi thịt nhưng sự mến khách, thân thiện và bao dung vẫn mãi mãi còn nguyên vẹn như Sài Gòn của em và anh ngày nào.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.