Điều con muốn nói...

12/10/2019 06:33 GMT+7

Tốt nghiệp THPT, khát khao duy nhất của tôi bấy giờ là tìm công việc làm thêm, không quan trọng việc gì, vì tôi khi đó không muốn phải trở thành gánh nặng nào thêm cho cha mẹ...

Năm 1999, thời điểm công viên nước Đầm Sen gần hoàn thiện và cũng đang tuyển dụng nhân sự, đó cũng là tin vui cho bản thân tôi. Tôi nài nỉ ba: “Con muốn đi làm để xem cảm giác kiếm được tiền nó như thế nào sau khi “mài quần” thời gian quá dài trên ghế nhà trường, ba giúp con nhé?”.
Ba tôi khẽ cười và nhẹ gật đầu, tôi vui không thể tả. Biết bao ngày tôi ngồi “mơ” về cái cảm giác lần đầu tiên được trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, lần đầu tiên được trở thành con người có ích.
Lúc bấy giờ, ba tôi đang là người điều hành hầu hết các sân khấu ca nhạc của công viên văn hóa Đầm Sen, nơi được xem là tụ điểm văn hóa giải trí nổi tiếng, với số lượng người đến đông nhất hằng năm. Đầm Sen khi ấy có 4 hoặc 5 sân khấu ca nhạc lớn, nhỏ. Hầu hết những ca sĩ đi lên từ Làn Sóng Xanh dường như ai cũng đã từng đứng trên các sân khấu của công viên văn hóa Đầm Sen. Thù lao cho mỗi ca sĩ hát 2 đến 3 bài hoặc có khi nhiều hơn (nếu thiếu ca sĩ) thường từ mức 70.000 - 150.000 đồng, tùy theo mức độ “xếp hạng” của các tên tuổi.
Tôi còn nhớ thời gian đó thường hay được gặp gỡ các ca sĩ mà độ yêu mến của công chúng dành cho họ vẫn bền bỉ đến nay như: Lam Trường, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Vũ, Vân Khánh... Lúc đó, đi theo ba chơi, tôi thường hay ngồi ở cánh gà sân khấu để đợi ba, các anh chị em ca sĩ tới biểu diễn thường hay ngồi trò chuyện, không khí rất vui vẻ, hòa đồng, gần gũi. Không phải như bây giờ, muốn đến gần một ca sĩ nổi tiếng ở hạng sao, cũng là một vấn đề!
Tôi nhớ có lần vào dịp Tết Nguyên đán, Đầm Sen rất đông khách, vì vậy nhu cầu tuyển cộng tác viên cho những công việc trong những ngày này cũng rất cao. Tôi xin ba cho tôi được vào làm mấy ngày tết để kiếm thêm tiền, mua sắm những thứ cần thiết mà không phải xin.
Thế là tôi, với một người bạn thân nữa, được những người bạn của ba tôi sắp xếp cho công việc quản lý các khu vực trò chơi dân gian, nơi thu hút khá đông sự hiện diện của những bạn trẻ.
Một ngày làm của tôi từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, công việc cũng khá đơn giản: quản lý khu trò chơi dân gian miền Nam, với những trò như: bịt mắt đập niêu, cờ Hùm… Đương nhiên trước khi vào làm tôi được huấn luyện cách thức quản lý trò chơi.
Ngày nào cũng vậy, sáng ba đều chở tôi đi ăn và không quên ứng cho tôi trước tiền để tiêu xài trong ngày; tối ba đợi tôi sau giờ làm, “chiêu đãi” một món gì đó tôi thích và chở tôi về nhà ngủ sớm để hôm sau lại tiếp tục. Rồi những ngày tết cũng hết, thời điểm lãnh lương của tôi cũng tới, cầm trong tay một số tiền lớn chưa từng có tôi rất vui, nhờ ba chở đi mua sắm đủ thứ tôi cần (ba thì khỏi nói cũng biết vui nhường nào). Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra rằng, lúc đó mình không suy nghĩ thật thấu đáo, đến việc mời ba đi ăn một tô bún bò (món khoái khẩu nhất của ba) tôi cũng chưa làm được, chứ chưa nói đến việc mua một món quà cho ba.
Tuy ba không dành trọn tuổi nghề của mình ở Đầm Sen nhưng tôi nghĩ giai đoạn đó là khoảng thời gian mà ba cảm thấy vui vẻ nhất. Đơn giản chỉ vì đó là lúc mà ba tôi làm công việc đúng nhất với đam mê của một người nghệ sĩ.
Thấm thoát cũng đã sắp đến ngày giỗ lần thứ 12 của ba. Năm nào cũng vậy, trong mâm cơm nhớ đến ba, anh em tôi luôn đặt một tô bún bò, món ba thích nhất, món mà ông hay đùa rằng “1 tháng 30 ngày ba có thể ăn mà luôn thấy ngon”. Thắp nén hương trên bàn thờ ba tôi vẫn luôn khấn rằng: “Mỗi lần chở cháu nội của ba đi chơi ở công viên văn hóa Đầm Sen là con nhớ đến ba, nhớ những thời gian mà ba như là người thầy, người dẫn dắt con những bước đi chập chững vào đường đời...”.
Con nhớ ba!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.