Đi xa nhớ quán vỉa hè

09/11/2019 08:00 GMT+7

Tôi có 2 năm vào làm ở văn phòng thường trú phía Nam của cơ quan, nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Hai năm, có bao kỷ niệm vui buồn với mảnh đất Sài Gòn…

Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh bà lão bán nước trong con ngõ nhỏ gần cơ quan, một bà lão giản dị, chất phác, để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về mảnh đất, con người trên vùng đất Sài thành hoa lệ.
Cách đây ít tháng, trở lại quán nước, thấy bà cụ thở dài, bảo quán của bà dạo này vắng khách quá. Trước kia, khi cơ quan tôi chưa chuyển trụ sở đi nơi khác, trong ấy tỏa ra quán của bà mỗi ngày khoảng 30 khách. Do công việc nên nhiều lúc bọn trẻ chúng tôi thường đàn đúm, hẹn nhau bàn việc ngay tại quán nước của bà. Có ngày cả bọn chờ ở quán từ sáng sớm, từ lúc chưa dọn hàng, có người tối muộn vẫn ra uống trà hoặc ăn kẹo, hút thuốc...

Từ những hàng quán vỉa hè, bao phận người hiện lên qua từng câu chuyện, từng niềm vui, nỗi buồn

Ảnh: Khả Hòa

Bà bảo, hơn 20 năm ngồi bán nước trên đất Sài thành, bà chưa thấy bọn trẻ nào mà tình cảm với bà đến thế, chúng coi bà như bà, như mẹ, thân thuộc như người nhà chúng ở quê. Thỉnh thoảng lại “Bà ơi, má ơi cho con cốc trà đá”, “Má pha cho con cốc nâu nóng”, “Bán cho con cái kẹo lạc...”. Từ cái quán cóc này mà bà biết trong số ấy đứa nào ngoan, đứa nào hay chơi bời, lêu lổng, đứa nào con nhà giàu, đứa nào con nhà nghèo, đứa nào nhà “không có gì ngoài điều kiện”, rồi cả chuyện cháu nào vừa vào biên chế, cháu nào sắp ký hợp đồng, cả chuyện có đôi, có cặp yêu nhau từ hồi phổ thông, học xong, chàng ra phố làm việc rồi vẫn quyết tâm về cưới cô bạn ở quê, sau đó cả hai dắt díu nhau lên thành phố mưu sinh, lập nghiệp...
Từ cái quán nước lèo tèo dăm ba gói kẹo, cốc nước, bao thuốc..., trong “bộ nhớ” của bà, bao phận người hiện lên qua từng câu chuyện, từng niềm vui, nỗi buồn. Hôm nào mưa gió không thấy bà dọn hàng, lũ trẻ thấy trống vắng, như mất đi một chỗ để "sạc pin" sau những ngày giờ tiêu tốn năng lượng; sau bao căng thẳng, sức ép dẫn tới nguy cơ "sập nguồn".

Hai năm, có bao kỷ niệm vui buồn với mảnh đất Sài Gòn…

Ảnh: Khả Hòa

Lúc mặn chuyện, tôi hỏi bà rằng khi rảnh rỗi, ít khách, bà thường ngồi nghe khách chuyện trò hay đọc báo, xem phim, lướt điện thoại? Bà bảo mắt kém rồi nên chẳng xem gì nhiều, Với bà, chỉ cần tổng hợp, cập nhật thông tin tại chỗ của khách ngồi quán cũng… đủ no tin rồi.
Bà bảo, qua tiếp xúc với lũ trẻ hằng ngày, bà thấy bây giờ con "nhà giàu vượt khó" cũng cần được trân trọng, tuyên dương ngang ngửa, bình đẳng với con nhà nghèo, vì con nhà giàu mà ngoan thường... gian khó hơn nhiều. Ấy là bà nghĩ thế. Còn bọn trẻ mà bà tiếp xúc hằng ngày, nhìn lối sống, ứng xử của chúng, bà thấy chúng là những đứa có học và sống rất tình cảm.
Trước lúc chuyển đi, lũ trẻ cơ quan tôi mang camera tới với ý định ghi hình bà bên cái quán nước mà chúng từng tụ tập bao năm trong con ngõ nhỏ. Bà không cho, bảo tao già rồi, mặt nhăn như quả táo Tàu, lên hình làm gì. Chúng bảo má ơi, bao nhiêu năm chúng con ngồi lỳ ở đây, có đứa còn ngồi với má nhiều hơn cả với ba mẹ chúng nó ở quê. Thôi, má cho phép chúng con ghi hình má để làm kỷ niệm. Ngăn không được, bà chửi yêu "Tổ cha tụi bay!".
Nghe bà chửi, đứa bê máy, đứa vác chân tác nghiệp và toét miệng cười. Ghi hình xong, mấy má con ngồi ôm nhau rồi rơm rớm nước mắt...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.