Đất Sài Gòn

Sau khi kết thúc bốn năm đại học , tôi rời thủ đô để nam tiến, Sài Gòn là lựa chọn của tôi vì tôi có người thân đang sinh sống ở đó, và cả vì giấc mơ được ngắm nhìn thành phố phồn hoa đô hội, lộng lẫy kiêu sa từng được xem như 'hòn ngọc Viễn Đông'.

Tôi đi vào cuối năm 2002, lúc ấy đang là mùa đông ở miền Bắc, chả thế mà thay đổi đầu tiên khi tiến sâu vào phía nam tôi cảm nhận được, chính là những lần tôi trút bỏ dần chiếc áo khoác dày, chiếc áo len dài tay hay chiếc khăn lụa dài quấn tận mấy vòng cổ. Tôi nhoài người qua ô cửa sổ toa tàu, đón nhận luồng ánh sáng chói chang của miền nhiệt đới...
Điểm dừng chân cuối ập vào tôi một sự náo nhiệt khôn cùng, thứ ngữ âm Nam bộ đặc sệt xung quanh khiến tôi bị say đắm bởi nó. Ngày còn học trong trường, tôi cũng có ba người bạn nói giọng Nam, họ đến từ Tây nguyên, nhưng phương ngữ của họ cũng khiến tôi thích thú và cứ yêu cầu họ nói đi nói lại để được nghe cái âm thanh mềm mại ấy. Tôi không biết rằng có ngày cái giọng rặt Bắc, rõ ràng khúc chiết nhưng nặng chình chịch của mình, lại biến đổi dần thành một thứ giọng lơ lớ bởi sự pha trộn ngữ âm vùng miền, từ ngữ thông dụng tôi xài hằng ngày cũng là vốn từ của người Nam, bạn bè ngoài Bắc cứ sau mỗi lần gọi điện chuyện trò lại buông một câu “mày nói giọng Nam rồi đấy!”.
Đất Sài Gòn

Đường hoa Nguyễn Huệ

Ảnh: Ngọc Dương

Lúc mới đến, tôi dành nhiều thời gian để ngược xuôi phố xá với tấm bản đồ trên tay, tôi thường bị lạc một cách ngớ ngẩn vì hay tò mò xông pha vào những con hẻm ngang dọc bất thần hiện ra trên đường đi. Những con hẻm Sài Gòn thì vừa dài, vừa quanh co uốn lượn, vừa chằng chịt nối thông từ phố này qua phố khác, quận này sang quận kia, và tôi phải mày mò mãi mới định vị được chỗ của mình, không biết đó là do tôi kém về bản đồ địa lý, hay do đường phố Sài Gòn vốn dĩ đã rối như tơ vò, cuối cùng tôi thôi không khám phá nữa vì thấy đi mãi cũng chẳng hết được. Sau mười mấy năm sống ở đất Sài Gòn, tôi nhận ra mình chủ yếu chỉ đi quanh, biết quanh mấy quận có liên quan đến chỗ ở và công việc của mình, đó là Tân Bình, Gò Vấp, quận 1, quận 3, quận 5, thảng mới ghé Phú Nhuận, Thủ Đức hay quận 7, nên đi lần nào cũng phải dò dẫm hỏi đường như người mới đến Sài Gòn.
Đất Sài Gòn2

Lễ hội trên phố

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Sài Gòn là nơi hàn gắn vết thương lòng tôi sau một mối tình đổ vỡ, sự hàn gắn vội vã tưởng chừng như chỉ để giải quyết cái trống vắng của tâm hồn, hoặc sự chấp nhận cuộc sống khi đã chạm đến ngưỡng mỏi mệt. Nhưng rồi nhận ra giữa cái xô bồ ồn ào của Sài thành, vẫn có những khoảng lặng, những nốt ngân lãng mạn đủ đắp bồi nên một tình yêu đẹp. Một tình yêu xóa nhòa ranh giới về học vị, không cần sự hiện diện của bằng cấp, không được nâng đỡ bằng sức mạnh tài chính hay sự ổn định kinh tế nào cả. Thứ mà tôi và anh có lúc bấy giờ chỉ là hai bàn tay trắng. Vậy mà giữa những tháng ngày mưu sinh bận rộn, vẫn có những lá thư tay trao qua gửi lại, dù khoảng cách chỉ là đôi dãy phố. Vẫn có những đêm trăng mọc hay trăng lặn, trăng tròn hay trăng khuyết, trời trong xanh gió mát hay mưa rơi thánh thót, tôi ngồi chồm hổm phía trước anh, xóc nảy cùng hàng đống can và chai lọ hóa mỹ phẩm anh mang đi giao cho khách, vừa ngắm cảnh phố phường, vừa râm ran trò chuyện. Vẫn có những mùa Noel sánh vai chậm bước trên con đường xứ đạo Gò Vấp, để lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân mãi trong lòng, hay đêm giao thừa chen chúc nhau dưới một tàng cây trên đường Nguyễn Huệ, ngửa mặt lên trời chiêm ngưỡng màn pháo hoa đón năm mới của thành phố, dù sau đó phải mất đến ba tiếng đồng hồ mới về được nhà. Sau những khó khăn chồng chất tưởng như nản chí thối lui, động viên nhau cố gắng, sau những chia sẻ ngọt bùi nơi xứ người, một đám cưới bình dân là cái kết đẹp và quá đủ đầy với chúng tôi.
Giờ thì tình yêu của chúng tôi đã đơm hoa kết trái. Những trái ngọt ấy được hoài thai tại thành phố thân thương này, và nếu ai đó có hỏi những đứa trẻ của tôi rằng, “đâu là nơi chôn nhau cắt rốn của bạn?”, hẳn câu trả lời sẽ là “Sài Gòn đó ạ”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.