Buôn chữ ở Sài Gòn

21/12/2019 08:45 GMT+7

“Người ta đồn rằng, ở chung cư nọ, có một căn phòng hình như bị ám. Ban đêm, khi mọi nhà gần như đã đi ngủ hết, căn phòng đấy vẫn sáng đèn. Sau khi điều tra , biết được đó là căn phòng của một copywriter.”

- Tôi xin tự miêu tả về đặc thù nghề “buôn chữ” của mình như thế!
Buôn gì không buôn, lại “buôn chữ”. Bố mẹ tôi chẳng ham đọc văn thơ nhưng vẫn thuộc câu thơ trứ danh: “Cơm áo không đùa với khách thơ”- như có ý nhắc nhở tôi về cái nghiệp đang theo.
Quê tôi ở ngoài Bắc. Bố mẹ bảo tôi liều lĩnh, khi sống và làm việc tại Sài Gòn, xa nhà cả ngàn km, họ hàng thân thích không có một ai. Cùng một ngày sống, nhưng tôi hay tự nhẩm trong đầu về hai múi giờ: Giờ phố - Giờ quê.
Ở Sài Gòn, tôi sinh tính tham từ trong ý nghĩ, tôi ước một ngày có hơn 24 tiếng để giải quyết việc. Tôi cũng thấy may mắn, vì chẳng thiếu việc, chỉ dè chừng xem mình có đủ sức lực, thì giờ để làm cho ra trò hay không thôi?! Có lẽ, tôi “lây” tính tham công tiếc việc từ bố mẹ thì phải.
Ở quê nhà, một ngày thường nhật, hai người loanh quanh chăm sóc vườn tược, ao chuồng, làm nghề thủ công... Bố làm việc của bố. Mẹ làm việc của mẹ. Thỉnh thoảng lại ới nhau, nhớ để ý điện thoại xem con có gọi điện về không.

Nhưng phải công nhận, Sài Gòn đã cho những con chữ của tôi có cơ hội thiết thực

Ảnh: Trương Đặng Ngọc Lý

Ở Sài Gòn, có những đêm hôm ngồi lọ mọ viết bài để gửi cho khách hàng. Hay ngồi đọc tài liệu, sách báo… nếu không nạp chữ vào thì lấy chữ đâu ra để viết- tôi tự nhủ. Cuối ngày, nhìn sổ tay, chỉ còn đúng mục “gọi điện về nhà” chưa gạch bỏ, thì giờ giấc đã quá muộn, sợ làm phiền đến giấc ngủ của bố mẹ nơi quê nhà yên ả. Có những hôm, bất ngờ tôi gọi điện về nhà vào buổi sớm, hay lúc tan ca, giọng thì thào: “Con gọi ké điện thoại bàn của công ty.”
Có dịp về quê, tôi tuân theo “đồng hồ sinh học” của gia đình, đi ngủ sớm, nhưng mắt cứ thao náo, tôi lại hý hoáy lên mạng tới khuya lắc. Bố mẹ đã có tuổi, những giấc ngủ chập chờn, trở mình dậy đi vệ sinh giữa đêm, giật mình thấy tôi với màn hình sáng mờ, vậy là đủ hiểu giờ giấc sinh hoạt thường ngày của tôi trái khoáy ra sao.
Nhưng phải công nhận, Sài Gòn đã cho những con chữ của tôi có cơ hội thiết thực. Khi đi làm, tôi quan tâm tới các yếu tố của một công việc cần: đem “lúa về” – tức thu nhập để sống và tích góp là điều đầu tiên. Thứ hai là môi trường để học hỏi và trưởng thành. Thứ đến là ý nghĩa của những việc tôi làm đối với cộng đồng.
Dù phía sau những chiến dịch quảng cáo là biết bao cái đầu với biết bao nơ-ron thần kinh, trí lực… đã hao mòn. Để khi gọi điện về khoe với bố mẹ, khi mở ti vi lên sẽ thấy đoạn quảng cáo do chúng con làm ra.
Sài Gòn cho chúng tôi những cơ hội kết nối và tìm ra việc làm phù hợp. Có lần, chúng tôi đùa với nhau, nói về “kiếp trước” của nghề như: “Kiếp trước “bùng” phỏng vấn – kiếp này làm nhân sự.” Khi nói về nghề viết, đồng nghiệp tâng bốc: “Kiếp trước học 5 năm lớp 1 không xong - kiếp này làm copywriter”. Tự nhiên, tôi lặng người đi và thấy hẫng trong lòng. Vì tôi có một bí mật chưa từng chia sẻ, vì những tị hiềm trong quá khứ. Sự thật, bố tôi không biết chữ. Tôi đã từng buồn lòng về chuyện bố không được may mắn học hành đến nơi đến chốn. Bố chẳng làm gì to tát để phải ký tên đóng dấu. Chỉ mình tôi mới biết được bố đã miệt mài mưu sinh cùng mẹ. Bố kiếm tiền bằng nhiều cách mà tôi không thể kể siết được những vất vả, nhọc lao… Vậy mà cũng đủ tài chính, điều kiện… và hơn hết, bố mẹ đã nâng đỡ, cho tôi được là chính mình như ngày hôm nay.

Tôi tự dặn mình sẽ viết thật nhiều, để nếu có thể, tôi sẽ viết luôn cả phần chữ nghĩa dang dở chưa kịp thành nét trên trang giấy năm nào của bố

Ảnh: Trương Đặng Ngọc Lý

Tôi luôn ghi nhớ về vùng ký ức đó và tự dặn mình sẽ viết thật nhiều, để nếu có thể, tôi sẽ viết luôn cả phần chữ nghĩa dang dở chưa kịp thành nét trên trang giấy năm nào của bố. Bố đã hy sinh cho tôi nhiều thứ trong đời mình. Dù ngay cả khi, bố chưa từng có tôi trong đời, nhưng đó là những hy sinh vượt qua thế thời, tạo động lực vươn sâu trong lòng tôi. Dẫu có khó khăn, trắc trở, như những hôm ngồi còng tay viết rồi lại sửa, tôi vẫn thấy thỏa lòng vì đang làm công việc mình đã chọn và dường như đã chọn mình. Con chữ của tôi cứ thế “sinh lời”.
Sống tại Sài Gòn với nghề “buôn chữ” là một trải nghiệm thú vị cho tôi nhiều bài học sẽ còn đem theo đến suốt hành trình theo đuổi con chữ.
Tôi đặt vé khứ hồi để bay về nhà, cùng lúc, đặt thêm 2 cặp vé khứ hồi khác nữa. Lần này, đích thân tôi sẽ đưa bố mẹ vào Sài Gòn, đây cũng là lần đầu tiên bố mẹ được đi máy bay. Cả nhà chung chuyến bay về thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam - nơi tôi “buôn chữ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.