30 năm nặng ân tình

20/10/2019 06:29 GMT+7

Ở tuổi sắp đôi mươi, lần đầu tiên tôi cùng 'người bạn' bất ly thân là đôi nạng gỗ rời miền quê cao nguyên xuống thành phố bước vào giảng đường đại học .

Cũng chẳng có thể ngờ được rằng chàng thanh niên chưa từng một lần bước ra khỏi “lũy tre làng” lại đi rất xa và gắn bó luôn cuộc đời mình ở nơi ấy.
Năm tháng đi qua, Sài Gòn vẫn luôn sát cánh, nâng niu đôi chân khuyết tật của người được cho là đã “sinh ra dưới một ngôi sao xấu”, trải qua cuộc sống tự lập nhiều thăng trầm, vượt qua mọi khó khăn để cuối cùng trụ vững trên chính vùng đất này. Mà nào có phải một mình tôi đâu, biết bao phận đời lưu lạc từ khắp mọi miền của đất nước đã đến và dừng lại nơi đây, như điểm cuối của con đường tìm thấy ánh sáng. Sài Gòn cưu mang cho tất cả những ai thật sự yêu thành phố với tấm lòng tử tế.
30 năm nặng ân tình
Từ bệ phóng vững chắc của Sài Gòn, tôi đã trưởng thành và tự tin bay đến những vùng đất khác của thế giới. Tôi đã để lại dấu xe lăn của mình trên các thành phố lớn của trái đất này, từ hai bờ Đông và Tây của nước Mỹ đến các thủ đô cổ kính, giàu có, sang trọng của lục địa Âu, Á. Nhưng, đi là để trở về, để thấy Sài Gòn bình dị của tôi vẫn là nơi xinh đẹp, ấm áp, bao dung và nặng ân tình. Hơn bao giờ hết, với mỗi chuyến đi xa để rồi vẫn luôn nhận ra rằng, Sài Gòn vẫn mãi là nơi đọng lại biết bao tình yêu và nỗi nhớ.
Tôi yêu Sài Gòn bằng những ký ức khó phai của những ngày xưa vẫn còn giữ lại. Xưa, là của 30 năm trước. Sài Gòn trong tôi là một khoảng trời xanh mênh mông và những hẻm nhỏ đan xen nhau trong khu ký túc xá Làng báo chí An Phú rất tĩnh lặng và bình yên; là quán cà phê mang tên Bà Tư Chém lụp xụp đầu làng nằm cạnh bờ sông, nơi tụ tập đám sinh viên gầy gò nhưng nhiều năng lượng đến tận tờ mờ sáng để la hét, cổ vũ cho mùa World Cup; là con đường dẫn vào khu ký túc xá với hai hàng dừa xanh, nơi mà mỗi gốc dừa đã trở thành điểm hò hẹn khi chiều xuống để rồi sau đó dệt nên những cuộc tình sinh viên dù nghèo nhưng đầy lãng mạn; là con dốc dài lên cây cầu Sài Gòn cũ, mệt đến thở bằng tai khi đẩy chiếc xe lắc ba bánh cho mỗi chuyến đi về...
Sài Gòn cảm thông với cuộc mưu sinh của người ở lại sau bao năm đèn sách. Xóm lao động nghèo Thị Nghè bên dòng kênh Nhiêu Lộc quanh năm đặc quánh dòng nước đen là chứng nhân của một phần đời ở trọ dài lê thê giữa chốn thị thành. Khó mà quên lắm, những âm thanh khởi động để bắt đầu cho một ngày của xóm trọ từ lúc tờ mờ sáng. Tiếng lộc cộc của bác Hai xích lô đẩy xe ra khỏi cửa. Tiếng rổn rảng, lanh canh của chén bát, nồi niêu, xoong chảo khi dì Tư hàng xóm dọn quầy bún riêu của mình ra đầu hẻm. Tiếng rao lanh lảnh “bánh mì đê ê ê...” của thằng nhóc Út Lượm bán dạo đi ngang qua cửa vào cái giờ chính xác như đã lập trình sẵn bất kể ngày nắng hay mưa... Mọi thứ kết hợp lại tạo nên nhịp sống quen thuộc cho một ngày của bao con người chấp nhận gắn cuộc đời còn lại với vùng đất rất mênh mông tình người này.
30 năm nặng ân tình
Ký ức của Sài Gòn xưa là thế. Nay thì Sài Gòn đã khác xa lắm rồi, đẹp hơn và phát triển hơn. Sài Gòn đã và đang chuyển mình dường như không phải tính bằng năm, bằng tháng. Làng ký túc xá báo chí ngày xưa đã là một trong những khu đô thị ven sông giàu có của quận 2. Dòng kênh Nhiêu Lộc đã chuyển màu, sạch và tung tăng cá lội, không còn là một màu đen ám ảnh. Xóm lao động Thị Nghè khang trang hơn trước với nhiều ngôi nhà mới thay thế cho những mái lá lụp xụp. Cầu Sài Gòn được sửa chữa, mở rộng hiện đại hơn với bốn làn xe chạy. Giờ thì người Sài Gòn đã có thể tự hào đứng trên tầm cao chót vót ở tòa nhà Landmark 81 để nhìn và ôm trọn thành phố thân yêu của mình trong vòng tay. Những người cũ, bao năm tháng đi xa, nhớ Sài Gòn quay trở lại dừng chân trên bến Bạch Đằng nhìn về bên kia sông, không khỏi buột miệng: Sài Gòn mình bây giờ đẹp quá!
Vậy đó, tôi đã có một Sài Gòn để yêu suốt 30 năm, một khoảng thời gian dài trong cuộc đời một người chứ có ít đâu. Chàng thanh niên giờ đã là một người đàn ông trung niên, hiện tại vẫn “một ngày như mọi ngày”, đồng hành theo cùng nhịp sống buồn vui của Sài Gòn. Dẫu rằng còn có những điều chưa trọn vẹn với nỗi đau của bao giọt nước mắt bên kia bờ Thủ Thiêm, nhưng tôi tin một ngày rồi nụ cười chắc chắn sẽ trở lại. Sài Gòn vẫn mãi luôn là mảnh đất mang nặng nghĩa tình, chứa đựng nhiều cảm xúc của tình yêu thật trọn vẹn trong trái tim, không chỉ của riêng tôi mà của cả mọi người...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.