'Thánh đường' cải lương xây xong, chờ... sửa

20/05/2015 08:46 GMT+7

Đã 1 tháng kể từ ngày dự định khánh thành (18.4.2015), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được chờ đợi sẽ là một 'thánh đường'của sân khấu cải lương phía nam, vẫn cửa đóng then cài, trong khi vở diễn để mừng khánh thành nhà hát phải dời sang nơi khác biểu diễn.

Đã 1 tháng kể từ ngày dự định khánh thành (18.4.2015), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, được chờ đợi sẽ là một “thánh đường”của sân khấu cải lương phía nam, vẫn cửa đóng then cài, trong khi vở diễn để mừng khánh thành nhà hát phải dời sang nơi khác biểu diễn.

'Thánh đường' cải lương xây xong, chờ... sửaNhà hát xây xong cửa đóng chặt cho dù đã dự kiến khánh thành
vào ngày 18.4.2015 - Ảnh: Quỳnh Trân
Nhà hát mới đáng lẽ đã được khánh thành vào ngày 18.4 để công diễn các vở phục vụ những ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, cuối cùng đành lỗi hẹn. Mới đây, vở Chiến binh có chủ đề về vẻ đẹp người lính (kịch bản Chu Lai, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) được dàn dựng chỉn chu để dành khai trương nhà hát, với sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi: NSƯT Tấn Giao, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Quế Trân, Lê Tứ, Kim Luận, Điền Trung, Dương Thanh… đã phải chuyển qua diễn ở Nhà hát TP.HCM vào ngày 15 và 16.5 vừa qua.
Sửa từ lúc thi công
Chưa biết khi nào xong
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: bao giờ công trình mới được đưa vào sử dụng, ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói: “Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM xem xét lại hồ sơ thiết kế. Còn ngày khánh thành, khi nào có chính thức, Sở sẽ thông tin cho báo chí sau”.
Cách đây hơn 2 năm, ngày 28.4.2013, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) chính thức được khởi công tại số 136 Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), với sự có mặt của đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM và những thế hệ nghệ sĩ gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Công trình có vị trí đẹp, nằm gần trung tâm, mặt tiền nhìn ra đường Trần Hưng Đạo, thuận tiện cho việc đi lại của khán giả, dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 12.2014.
Theo thiết kế đã được Sở Xây dựng phê duyệt năm 2009, mức đầu tư cho nhà hát gần 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do phải điều chỉnh lại thiết kế, mặt bằng vì có nhiều hạng mục phải sửa đổi: ghế ngồi nhỏ, phải điều chỉnh ghế ngồi khu vực giữa khán phòng cho hợp lý để tăng hiệu quả khai thác, tầm nhìn chưa rõ để người xem thoải mái, xây dựng khu vực để vật dụng phục trang, cảnh trí, phần âm thanh ánh sáng hiện đại…; sàn sân khấu giảm kích thước phần vươn ra so với miệng sân khấu cũng phải điều chỉnh lại toàn bộ; hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy... nên tổng kinh phí xây dựng tăng lên 132 tỉ đồng.
Mặc dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ nhưng do nhà hát được xây dựng trên phần diện tích đất quá hẹp nên chưa kịp khánh thành đã bị giới nghệ sĩ phản ứng. Ông Trần Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, lý giải: “Theo tiêu chuẩn xây dựng VN thì bình quân đất xây dựng nhà hát là 6 - 10 m2/khán giả. Như vậy để có một nhà hát đẹp, đủ các hạng mục yêu cầu, diện tích khu đất tối thiểu là 7.000 - 10.000 m2. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chỉ có 929 m2, hình thái đã quá nhỏ lại bị nhiều yếu tố khác khống chế: phải xây dựng 2 cầu thang thoát hiểm, phòng hóa trang, khu hậu đài… nên đã cố gắng hết sức, đất cũng không có thể nở ra thêm được. Chưa kể, do công trình xây dựng độc lập, dùng toàn bộ cọc ép nên phải giữ khoảng cách phù hợp để không làm ảnh hưởng các công trình xung quanh. Đặc biệt, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế nhà hát ngoài phần sân khấu hoành tráng phải có một không gian cánh gà hai bên, khu vực hậu đài có diện tích gấp hai lần sân khấu chính...”.
Xây xong lại… sửa
Sáng 19.5, PV Thanh Niên có mặt tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Toàn bộ công trình theo thiết kế cũ hầu như đã xong và đang… đóng cửa chờ lãnh đạo “chốt” lại thiết kế mới để tiếp tục… sửa. Nhân viên Ban Quản lý dự án của Sở VH-TT còn lại khoảng 3 người trông coi nhà hát. Trong khi đó, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc nhà hát, tỏ ra rất nóng ruột: “Chúng tôi ai cũng đều trông mong công trình xong nhanh để nghệ sĩ có nơi biểu diễn ổn định, đó là nguyện vọng chung của tất cả mọi người. Vấn đề sửa chữa những gì, như thế nào tôi không biết, chỉ trông Sở VH-TT sớm bàn giao nhà hát cải lương một sân khấu hoàn thiện, phù hợp…”.
NSƯT Tấn Giao cũng mong mỏi: “Từ lâu tôi và các anh em đồng nghiệp đã từng mơ đến một ngôi nhà cải lương chung hoành tráng để có đất dụng võ, phục vụ công chúng khán giả yêu bộ môn nghệ thuật này. Đáng tiếc là hiện nay nhiều rạp ở TP.HCM đang xuống cấp nặng, ngay như rạp Thủ Đô muốn tới xem cải lương, khán giả còn phải gửi xe rất xa, khi xem hết vở diễn rất khuya lại phải lội bộ quay ngược trở lại lấy xe, tôi thấy xót lắm. Vì vậy, việc sớm nhanh chóng ra mắt Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là nguyện vọng tha thiết lâu nay của anh em giới nghệ sĩ”.
Theo điều tra của PV Thanh Niên, do thiết kế không phù hợp nên hiện tại có đến… 10 hạng mục của công trình đang phải lên kế hoạch sửa chữa, trong đó có nhiều hạng mục quan trọng: phòng vé thiết kế vị trí hiện hữu phải chuyển qua phòng căn tin để gần với lối đi vào; lan can của tầng lầu che khuất tầm nhìn khán giả phải chỉnh lại cho phù hợp; hệ thống đèn “khủng” chiếu sáng sân khấu phải đưa sang hai bên cánh gà; ghế ngồi trong khán phòng phải lắp ghép, sắp xếp lại theo kiểu so le để người bên dưới không bị vướng tầm nhìn do khán giả ngồi phía trước. Sân khấu thể nghiệm trên lầu 4 (298 chỗ ngồi) cũng phải sửa lại theo ý kiến góp ý của lãnh đạo Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thì mới có thể biểu diễn được...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.