Thăng trầm cùng cải lương: Nữ triệu phú tuổi 17

17/07/2018 08:00 GMT+7

LTS: Cuốn bút ký chân dung Châu, chút tạ tình tri âm (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) không chỉ cho thấy “những trang đời lộng lẫy” của nữ nghệ sĩ cải lương Mỹ Châu tài sắc, mà còn cả một thời vang bóng của sân khấu cải lương miền Nam. Thanh Niên xin lược trích giới thiệu cùng độc giả.

Một bước lên đại ban
 Mấy bữa nay, cả thị trấn Long Xuyên rần rần đồn có đoàn Kim Chưởng về tỉnh này hát. Họ về thiệt, đại ban thiệt, trống dong cờ mở, đào kép sáng chiều lượn lờ ngoài chợ cho bà con trầm trồ ngắm nhìn.
Tối đó, Châu được anh Phi Hùng, kép chính của đoàn Tiếng Chuông mà Châu đang hát, dẫn đi coi Út Bạch Lan và Thành Được.
Châu náo nức lắm. Anh Hùng quen với người nổi tiếng nọ kia, Châu thế nào cũng được ảnh dẫn theo vô diện kiến họ.
Y như rằng. Hình như ai ảnh cũng quen, ai cũng biết mặt ảnh. Hai anh em lướt qua râm ran tiếng chào hỏi, chui vào phòng hóa trang. Chợt Châu nghe tiếng gọi:
- Phi Hùng!
Đó là tiếng một người đàn bà sang trọng, vẻ mặt quyền uy nhưng rất hiền. Anh Hùng mừng rỡ kéo Châu chạy về hướng người đàn bà đó. Anh nói với Châu:
- Cô Bảy Kim Chưởng, bà bầu đó em! Lại đây anh giới thiệu.
Rồi anh nói với cô Bảy:
- Nhỏ này tên Mỹ Châu. Coi ốm yếu, xanh xao vậy chứ giọng hay mà buồn lắm cô Bảy! Làm đào con ở Tiếng Chuông cả năm nay.
Cô Bảy hỏi:
- Vậy hả? Mà có muốn qua đây hát không con?
Anh Hùng ngạc nhiên, hỏi:
- Ủa, con thấy đoàn của cô Bảy có nhiều đào non lắm mà?
Cô Bảy cười cười:
- Mới đây thì có mấy đứa, nhưng tụi nó chuẩn bị đi hết.
Cô ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Tụi nó qua gánh mới của Út Bạch Lan.
Rồi cô bảo Châu:
- Nếu con muốn hát ở đoàn cô thì ở lại chờ cô nghe! Chút nữa vãn tuồng cô ký hợp đồng.
Anh Hùng lại lôi Châu đi:
- Mình qua chào chị Út với anh Hai đi em!
Châu bắt đầu run. Tiếng tăm của đôi đào kép cải lương số một Út Bạch Lan - Thành Được thì ai còn lạ gì.
Út Bạch Lan, người nghệ sĩ nổi tiếng như cồn một cõi trời Nam đó, đang ngồi dặm lại mặt. Anh Phi Hùng lại chào hỏi, chị hồ hởi trả lời. Rồi anh giới thiệu Châu luôn, câu cú giống y chang như anh đã nói với cô Bảy Kim Chưởng:
- Chị Hai, con nhỏ này coi ốm yếu xanh xao vậy chứ cất giọng lên hay mà buồn lắm nghe chị!
Chị Út Bạch Lan nói:
- Vậy hả? Vậy thôi, về đoàn anh chị nghe!
Nhỏ Châu… ốc ác nổi đầy mình. Cuộc diện kiến thần tượng trong mơ của nó biến thành một thực tế tuyệt vời. Nó run run:
- Dạ…
Rồi nó chào chị, chạy ào ra ngoài để trấn tĩnh lại. Chị Út Bạch Lan cũng đứng lên, trở ra sân khấu.
Vậy là buổi tối đó, sau khi vãn tuồng, có một bản giao kèo được mẹ con Châu ký kết ở rạp Long Xuyên, nhưng không phải ký với cô Bảy Kim Chưởng mà ký với chị Hai Út Bạch Lan. Cô đào con con như vậy mà có giá ghê, được cả hai đại ban ngó tới. Dĩ nhiên là cô chọn theo sự mách bảo của lòng say mê và… số phận chứ đâu có hề tính toán chi. Bản giao kèo đó của Châu trị giá 5 ngàn đồng.
Sau khi ký xong giao kèo, bà Tám dẫn Châu về gặp ông Ba Cang, rụt rè xin lỗi và chia lại cho ông một phần món tiền từ bản giao kèo “bất ngờ, bất tử” trên trời rơi xuống. Ông Ba Cang thấu suốt và nhân hậu. Ông hiểu rằng giữ người ở lại chứ không ai giữ người ra đi.
Mối lương duyên giữa ông bầu và nghệ sĩ thời đó nó nhẹ nhõm, chứ không sống mái, đố kỵ. Thêm nữa, ông Ba Cang hiểu tài nghệ của nhỏ Châu hơn ai hết. Chính ông là người “moi” nó ra từ đám trẻ loi nhoi xứ Thủ Thừa mà.
Tỏa sáng ở Sài Gòn
Thế là 12 tuổi, Châu khăn gói đi Sài Gòn gia nhập gánh hát Út Bạch Lan - Thành Được, toàn bộ “vốn liếng” nghề nghiệp là bốn bài “tủ”: Sáu câu vọng cổ, Liêu Giang, Phụng hoàng, Tứ đại oán.
Châu nhớ láng máng “hậu cứ” của gánh Út Bạch Lan - Thành Được là đình Tân An, nằm ở đâu gần Đài phát thanh Sài Gòn (tức khu Bờ Kè - đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay). Châu phải “cạnh tranh” với nhiều đào con khác của gánh.
Sau mấy năm hát ở Sài Gòn, tiếng tăm Mỹ Châu đã nổi như cồn. Hồi đó, lầu trên căn nhà ở đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận) là cơ sở phòng thu của Hãng đĩa Việt Nam. Mỹ Châu lên lầu thu đĩa. Còn Vú của Mỹ Châu ngồi dưới lầu chờ Mỹ Châu. Gần bên là tiệm vàng Lôi Tây, Vú thường nói với chủ tiệm vàng: “Lựa dùm tui đồ tốt, hột tốt! Lát nữa con Châu thu xong thì trả tiền”.
17 tuổi, Mỹ Châu đã có mấy cái nhà lầu ba tầng, xe Huê Kỳ, anh em con cháu cũng được lộc, ít nhất mỗi người một căn nhà phố.
Thời nào khán giả cũng thương nghệ sĩ, yêu nghệ sĩ và khán giả là người đã nuôi nghệ sĩ (nổi tiếng) sống sung túc và phong lưu vậy đó. Nghệ sĩ (hồi xưa) còn là những “cỗ máy in tiền” cho bầu gánh và chủ hãng đĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.