Thẳng tay ném vàng mã xuống sông Hương

Đình Toàn
Đình Toàn
09/04/2019 06:21 GMT+7

Trên các con thuyền ngược xuôi sông Hương chở khách hành hương dự lễ hội điện Hòn Chén, vàng mã được thẳng tay ném xuống sông bất chấp khuyến cáo và nỗ lực của chính quyền.

Trong hai ngày 6 và 7.4, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Hội Tín ngưỡng Thánh mẫu Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (còn gọi là điện Hòn Chén). Không gian lễ hội kéo dài khoảng 12 km, từ thánh đường Thiên tiên Thánh giáo số 352 Chi Lăng ở hạ nguồn sông Hương lên đến điện Hòn Chén ở thượng nguồn thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà.

“Người ta rải, mình cũng rải thôi”

Tụi tui quá mệt với việc khuyên can khách rồi. Nhắc nhở rồi, trên thuyền cũng ghi rõ cấm thả vàng mã rồi mà họ cứ ném. Mình nói thì họ bảo họ là khách đi lễ, mình không có quyền gì mà cấm
Chị Lê Thị Lành, chủ thuyền TTH-0003
Những chiếc thuyền rồng đôi được thiết kế như những “thánh đường” di động, có cờ phướn ngũ sắc, cổng chào, có ban nhạc đàn hát hầu văn... ngược dòng sông Hương, cung nghinh Thánh mẫu lên điện Huệ Nam và thực hành các nghi lễ. Vào dịp này, sông Hương ngập tràn trong màu sắc và thanh âm.
Tuy nhiên, bên cạnh những sắc màu văn hóa thì tục rải vàng mã xuống sông từ những “con thuyền văn hóa” này gây phản cảm, ô nhiễm môi trường, làm mất hình ảnh một lễ hội tâm linh đặc sắc.
Theo dõi lễ hội này trong nhiều năm, nhất là các ngày 6 và 7.4 vừa qua, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người hành hương bất chấp quy định cấm rải vàng mã xuống sông của ban tổ chức. Trên những chuyến đò ngang đón đưa khách do ban tổ chức bố trí (có thu phí), nhiều tín hữu, khách hành hương thậm chí nặng lời với những chủ thuyền can ngăn họ ném vàng mã xuống sông. “Tụi tui quá mệt với việc khuyên can khách rồi. Nhắc nhở rồi, trên thuyền cũng ghi rõ cấm thả vàng mã rồi mà họ cứ ném. Mình nói thì họ bảo họ là khách đi lễ, mình không có quyền gì mà cấm”, chị Lê Thị Lành, chủ thuyền TTH-0003 thở dài.
Đêm 6.4, một khách hành hương đã ném nhiều xấp vàng mã xuống sông ngay trước mặt lực lượng bảo vệ di tích điện Huệ Nam. Chưa kể, có người vung những xấp vàng mã, áo binh xuống sông Hương mặc cho tiếng loa kêu gọi giữ gìn vệ sinh môi trường của ban tổ chức lẫn lực lượng tình nguyện thu gom rác. Một đôi vợ chồng bị bắt gặp ném vàng mã xuống sông đã giải thích: “Tại vì thấy nhiều người rải nên mình cũng rải thôi”.

Cần có chế tài nghiêm

Kể từ sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016, lễ hội điện Hòn Chén ở Huế trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh, du lịch có sức hút lớn với hàng ngàn lượt người tham gia.
Tuy nhiên, bất chấp các quy định, hướng dẫn, bỏ mặc những khu vực “hóa” vàng mã được ban tổ chức bố trí, vàng mã vẫn bị khách hành hương rải xuống sông Hương khiến có đoạn sông “đặc quánh”. Một bô lão từng ở trong Hội đồng điều hành Hội Tín ngưỡng Thánh mẫu Thừa Thiên-Huế cho hay ở mỗi kỳ lễ hội điện Huệ Nam, có hơn 1 tấn vàng mã thả xuống sông Hương; riêng lễ hội năm nay đã giảm rất nhiều nhờ ban tổ chức ngăn không cho rải.
Ông Lê Văn Ngộ, Hội trưởng Hội Tín ngưỡng Thánh mẫu Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban Bảo trợ di tích điện Huệ Nam, cho biết năm nay có khoảng 200 thủ đền, thủ am và các thanh đồng đạo hữu được quán triệt hưởng ứng cuộc vận động “Vì Thừa Thiên-Huế xanh - sạch - sáng” do UBND tỉnh phát động. “Bà con không thả vàng mã xuống sông mà đưa lên trên điện để hóa. Đó là hành động tốt, tôi hy vọng mùa lễ hội sau có nhiều người hưởng ứng hơn nữa. Chúng tôi cũng mong tín hữu, khách hành hương không nên mang vàng mã vứt bừa bãi xuống sông”, ông Ngộ nói.
Mặc dù vậy, “cuộc chiến” ngăn rải vàng mã xuống sông Hương trong lễ hội điện Hòn Chén vẫn chưa dừng lại. Trong nghi thức cúng tế của cư dân đôi bờ sông Hương, nhiều gia đình vẫn thả vàng mã. Trên các diễn đàn mạng xã hội gần đây ở Huế, người ta bắt gặp nhiều hình ảnh “gây sốc” khi vớt vàng mã…
TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, cho biết trong tín ngưỡng dân gian có một số nghi lễ liên quan tới sông nước, thay vì đốt thì người ta thả xuống sông suối ao hồ. Ngày xưa giản tiện, cốt ở ý nghĩa biểu trưng, còn nay có vẻ “thực dụng” hơn nên lượng vàng mã quá lớn.
Theo TS Hằng, các quy chế thưởng phạt nếu thực hiện đúng sẽ giúp hướng dẫn và thực hành đúng ý nghĩa thiêng liêng, nhân văn của nghi lễ truyền thống như lễ hội điện Hòn Chén. “Tuyên truyền vận động là đương nhiên, nhưng tôi cho rằng cần có chế tài nghiêm. Quy chế, quy tắc ứng xử văn minh đô thị là bộ công cụ quan trọng phải được thể chế hóa. Với Huế, công an và đội trật tự đô thị, dân phòng sẽ là lực lượng chính trong việc thực hiện bộ công cụ này”, TS Hằng khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.